+Aa -
    Zalo

    Đại biểu Quốc hội: Cần giải trình rõ hơn cơ chế tính giá điện để người dân yên tâm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách của Chính phủ.

    (ĐS&PL) Sáng ngày 22/5, Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh việc cử tri cả nước đang rất quan tâm đến vấn đề điều chỉnh giá điện, xăng dầu. Mặc dù các Bộ ngành có liên quan đã có giải trình về cơ chế tính nhưng các đại biểu cho rằng cần phải làm rõ hơn để người dân yên tâm.

    Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An cho rằng: “Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng giá mặt hàng này không hợp với cử tri. Nếu kiểm toán và trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm”.

    Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lê Thu Hà – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.

    “Tôi đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, có lẽ nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện” – bà Hà nêu quan điểm.

    Chủ tịch EVN Dương Quang Thành giải trình về giá điện tại phiên thảo luận

    Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi các đại biểu liên quan đến vấn đề này, nhưng nữ đại biểu thuộc đoàn Lào Cai cho rằng chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri. Đơn cử như việc Bộ lý giải tính luỹ tiến 6 bậc là căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, song theo bà Lê Thu Hà, ở các nước này họ có nhiều chính sách đi kèm. Như ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và cạnh tranh, phân biệt mức giá điện kinh doanh và điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, những hộ thu nhập thấp được giảm giá đáng kể để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

    Tương tự, ở Hàn Quốc thì Chính phủ còn giảm giá điện để giúp các hộ dân vượt qua thời điểm nắng nóng, bởi họ coi đó là thiên tai và cuộc sống người dân cần được bảo đảm.  Nước này cũng giảm giá cho hộ thu nhập thấp, cho cơ sở phúc lợi, gia đình có con nhỏ...

    “Ta copy bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được” – đại biểu Lê Thu Hà nói, đồng thời bày tỏ đồng tình cách tính luỹ tiến nhưng mức luỹ tiến bao nhiêu để đáp ứng sinh hoạt tối thiểu của người dân thì cần tính toán, cân nhắc.

    Bà Lê Thu Hà đề nghị cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không. Về giải pháp lâu dài, bên cạnh quan tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thì “đến lúc cần suy nghĩ đa dạng hoá thành phần tham gia vào phân phối điện lực”. Bởi thực tế của ngành hàng không cho thấy người dân có nhiều lựa chọn hơn sau khi các đơn vị tư nhân tham gia.

    Còn đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hóa cho biết, báo cáo vừa qua khẳng định việc điều hành giá điện là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên một điều hành mà có bức xúc trong cử tri, nhân dân thì nên xem xét lại. Và hiện nay Chính phủ đang giao thanh tra quá trình điều hành giá điện.

    Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, ngoài việc thanh tra kịp thời, báo cáo công khai dư luận vấn đề đúng hay chưa đúng việc điều hành giá điện, đề nghị Quốc hội giao UBTVQH có giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán điện, điều chỉnh giá điện, bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.

    “Quan điểm của ngành điện trong việc sử dụng giá điện từ bậc 3 -4-5 để điều tiết hỗ trợ cho bậc 1-2 tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi của người kia mà không được họ đồng tình. Vì vậy đã gây bức xúc cho người dân và cử tri trong điều hành giá điện vừa qua” – ông Mai Sỹ Diến nhấn mạnh.

    Nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, trong báo cáo của Bộ Công thương, cũng có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho những người sử dụng ít, khuyến khích người sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng, đối với cơ chế thị trường, quan điểm này chưa phù hợp. Bởi đối với người nghèo, người sử dụng ít, Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện.

    Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội diễn ra vào sáng ngày 22/5, Chủ tịch tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã lý giải những nguyên nhân tăng giá điện lên 8,36 % vừa qua.

    Theo ông Thành, trong báo cáo Chính phủ đã nêu rất rõ, do tăng chi phí về môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội. Các đầu vào tăng như giá than tăng. Khi giá than tăng, tất cả các chi phí đầu vào tăng. Trong báo cáo cũng nêu rõ, 20.000 tỷ đồng tăng thêm so với kế hoạch trong năm 2018 vừa qua thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp chi phí thiếu hụt. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho sự thiếu hụt 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành khẳng định. Tập đoàn EVN năm 2019 chi phí sản xuất điện giảm 7.000 tỷ đồng so với năm 2018. Chi phí truyền tải điện cũng giảm 2.000 tỷ so với năm 2018. Năm 2018, giá truyền tải điện là 110,8 đồng/KWh thì năm 2019 chỉ còn 101 đồng/KWh. 

    Người đứng đầu ngành điện cho biết, hiện nay EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chiếm chỉ có 23%. Như vậy, việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, có tiền mua dầu, mua điện để cung cấp điện.

    Quyết Tuấn/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-bieu-quoc-hoi-can-giai-trinh-ro-hon-co-che-tinh-gia-dien-de-nguoi-dan-yen-tam-a276582.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.