+Aa-
    Zalo

    Dân và doanh nghiệp giàu, quốc gia mới có vị thế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời sự nóng về chủ quyền trên biển Đông đã truyền nhiệt lên bờ cùng với hàng loạt cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc của nhiều giới vào những ngày cuối tuần qua.

    Thời sự nóng về chủ quyền trên biển Đông đã truyền nhiệt lên bờ cùng với hàng loạt cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc của nhiều giới vào những ngày cuối tuần qua. Ở góc độ kinh doanh, giới doanh nhân nhìn vấn đề này như thế nào?

    Dưới dây là một số ý kiến do nhóm phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ghi lại.

    Ông Hà Xuân Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty May Sơn Việt: 

    Cần xây dựng đội ngũ chiến sĩ - doanh nhân mạnh

    Việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam không gây bất ngờ, bởi từ lâu, Trung Quốc luôn là mối đe dọa trực tiếp về an ninh lãnh thổ của Việt Nam.

    Tôi ủng hộ các giải pháp cấp thiết của Chính phủ vừa qua. Chúng ta giảm thiểu nguy cơ chiến tranh nhưng cũng phải luôn trong tinh thần toàn dân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong trường hợp bất khả kháng.

    Về lâu dài, chúng ta phải xây dựng được một nền kinh tế mạnh và tự chủ với một đội ngũ những chiến sĩ - doanh nhân mạnh, không bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Dân và doanh nghiệp giàu, quốc gia mới có vị thế
    Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty May Sơn Việt. 

    Hiện ngành dệt may của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc.

    Tôi cho rằng Chính phủ phải mạnh tay hơn trong việc bảo vệ doanh nghiệp trong nước khỏi nạn hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc (có thể chiếm đến 80\% lượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường). Song song đó phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế: giảm tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản tại các tổng công ty, tập đoàn nhà nước; xây dựng cơ chế dân chủ, cán bộ phải thực sự là đầy tớ của dân.

    Dân và doanh nghiệp có giàu thì nền kinh tế quốc gia mới hùng mạnh và khi đó, chúng ta mới có vị thế trên chính trường quốc tế.

    Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch BNI Việt Nam:

    Yêu nước bằng cách làm tốt nhất việc của mình

    Ở góc độ doanh nhân, doanh nghiệp tôi kêu gọi các doanh nhân ngừng du lịch Trung Quốc. Chúng ta cũng phải nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh để tạo lòng tin cho người dân ủng hộ sản phẩm, dịch vụ trong nước. Tôi cũng mong các doanh nghiệp, từ hạn chế tới ngưng sử dụng nguyên liệu, bán thành phẩm chất lượng kém của Trung Quốc.

    Tôi cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành chính sách, cơ chế thông thoáng, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, tối đa hóa năng suất công suất làm việc; các cơ quan thừa hành chính sách, phục vụ doanh nghiệp làm tốt hơn công việc hỗ trợ giới doanh nhân và hoạt động doanh nghiệp.

    Dân và doanh nghiệp giàu, quốc gia mới có vị thế
    Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch BNI Việt Nam.

    Ví dụ, hải quan thông quan hàng hóa nhanh hơn, rõ ràng, minh bạch hơn; công an giao thông không “thổi chặn” xe tải hàng hóa thông thường nữa; ngành giao thông công chánh phát triển đường sá nhanh hơn, thông thoáng hơn để công việc vận chuyển hàng hóa không bị chậm trễ, hao nhiên nhiên liệu, tăng chi phí logistics...

    Nói chung, sức mạnh yêu nước của mỗi người cần thể hiện qua việc góp phần tích cực phát triển năng lực cạnh tranh, nếu không, chúng ta không thể thắng nổi Trung Quốc.

    Ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam:

    Tuyến hàng hải Bắc Á sẽ bị ảnh hưởng

    Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa đường biển, đặc biệt là những tuyến hàng hải từ khu vực TPHCM đi về phía Bắc Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc.

    Dân và doanh nghiệp giàu, quốc gia mới có vị thế
    Ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

    Khi các tàu chở hàng từ TPHCM đi các tuyến Bắc Á sẽ phải tránh xa khu vực đặt giàn khoan ít nhất 20-30 hải lý nhằm bảo đảm an toàn hoặc phải đi đường vòng sẽ khiến chi phí tăng cao hơn. Thậm chí chúng tôi dự đoán, sẽ có những hãng tàu hủy tuyến hoặc thay đổi tuyến vận tải. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như trong khu vực.

    Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cực lực phản đối sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và yêu cầu Trung Quốc rút ngay không điều kiện.

    Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:

    Cần khai thác sâu hơn du lịch biển đảo!

    Năm ngoái, tôi bắt đầu khảo sát và khai thác các tour vịnh Bắc Bộ (Cô Tô, Bái Tử Long, Lan Hạ), bên cạnh đó, làm tour nối đường Trường Sơn với đảo Lý Sơn. Chưa thể nói là có lãi từ những tour “khó nhằn” này, nhưng cảm thấy rất hứng thú. Điều động viên lớn nhất với tôi, đó là khách Việt rất thích các tour mới về biển đảo mà chúng tôi đưa ra thị trường.

    Bắt đầu từ tháng 3, có thể nói là vào mùa tour biển đảo, nhưng cho đến nay tình hình kinh doanh khá yên ắng.

    Thời sự nóng về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã làm cho du khách nói chung, du khách quan tâm đến các tour biển đảo nói riêng hơi e dè đặt tour.

    E dè không phải vì ngán Trung Quốc. Theo tôi, đó là một tâm trạng xã hội, khi người ta đang chú tâm theo dõi tình hình về chủ quyền, an nguy đất nước, thì mọi hoạt động giải trí, thụ hưởng du lịch tạm gác lại. Cá nhân tôi cũng vậy, mười ngày nay, không còn tập trung vào chuyện kinh doanh nữa, chỉ quan tâm đến động thái các bên xoay quanh chuyện cái giàn khoan đặt trái phép trên biển Tổ quốc.

    Dân và doanh nghiệp giàu, quốc gia mới có vị thế
    Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ.

    Nhưng tôi nghĩ, khó khăn chỉ là tạm thời. Trong tương lai, hy vọng khi sự việc đi vào ổn định theo chiều hướng tích cực, chúng tôi lại phải tiếp tục hướng ra biển đảo bằng các sản phẩm du lịch của mình. Chúng tôi sẽ không xuống tinh thần.

    Nhân đây, cũng xin chia sẻ điều này, bản thân tôi những năm qua khai thác các tour du lịch biển đảo, đôi khi cũng cảm thấy có chút lạc lõng. Tôi tự hỏi vì sao nhiều tuyến du lịch biển đảo điều kiện thiên nhiên, văn hóa tuyệt vời, cơ sở hạ tầng và dịch vụ khá ổn, nhưng chưa có nhiều công ty du lịch trong nước mặn mà khai thác? Chủ trương khai thác du lịch Trường Sa của Tổng cục Du lịch “phát” ra đã được một năm qua mà sao chưa thấy “động”? Đáng buồn nhất là ngay những công ty, cơ quan du lịch địa phương những vùng biển đảo cũng chưa coi chuyện khai thác tiềm năng du lịch biển đảo như một thế mạnh kinh tế, mà xa hơn, hướng đến mục tiêu góp phần bảo vệ tổ quốc.

    Nói ngư dân, chiến sĩ hướng ra biển đảo, kiên định bảo vệ chủ quyền, tôi nghĩ, bản thân doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân du lịch cần góp sức, chung lòng thông qua các sản phẩm du lịch của mình.

    TS. Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ:

    Củ khoai lang và nhát kiếm của An Dương Vương

    Chuyện An Dương Vương phải chém con gái là Mỵ Châu vì bị chàng rể Trọng Thủy phản bội đánh tráo nỏ thần là loại “chiến tranh gián điệp” xảy ra sớm nhất trong lịch sử Việt Nam.

    Còn chuyện người trồng khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long bị các thương lái lừa đảo là loại “chiến tranh kinh tế” xảy ra gần đây nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

    An Dương Vương là một ông vua, còn người trồng khoai lang là ông nông dân. Tuy nhiên, giữa hai chuyện này lại có những điểm rất giống nhau, đó là cả hai cùng bị giặc phương Bắc lừa. Chiêu lừa cũng rất giống nhau, tức là gầy dựng lòng tin trước rồi đột nhiên trở mặt; và kết cục là cả hai đều mất hết đất đai!

    An Dương Vương thì mất toàn bộ nước Âu Lạc vào tay “ông sui” Triệu Đà, còn ông nông dân trồng khoai thì ỷ vào việc “hảo bằng hữu” mua khoai vụ trước với giá trên trời, nên đem bằng khoán đất cầm cố ngân hàng để lấy tiền đầu tư vào vụ khoai tiếp theo. Đùng một cái “hảo bằng hữu” biến đâu mất biệt, nên mảnh vườn thửa ruộng cũng biến theo.

    Dân và doanh nghiệp giàu, quốc gia mới có vị thế
    TS. Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ.

    Trong lịch sử Việt Nam chuyện “hôn nhân - chính trị” xảy ra rất phổ biến. Cụ thể như các vua triều Lý từng gả hàng chục cô công chúa cho các tù trưởng của những bộ lạc sống dọc theo biên giới để mong giữ yên bờ cõi phương Bắc; hay triều Lê, Nguyễn gả các công chúa để mở rộng giang sơn xuống tận phương Nam.

    Những “ông sui” và “chàng rể” trong các cuộc hôn nhân đó hầu hết là những người không qua trường lớp, chưa từng nghe nói về “tứ thư, ngũ kinh”, cuộc sống hàng ngày thì rất gần với dạng “ăn lông, ở lỗ”. Vậy mà không một ai trong số đó nỡ lợi dụng lòng tin để “sập bẫy” những người đã thật lòng tin tưởng mình!

    Nhưng dân tình thì không dễ bị gạt mãi. Ông nông dân trồng khoai lang ở Vĩnh Long đã mạnh dạn nói “không” với việc các thương lái chào mua đọt khoai lang với giá cao gấp mười lần giá thị trường. Họ đã phải đưa ra một quyết định khó khăn là dứt khoát đoạn tuyệt với sự cám dỗ của đồng tiền: một nhát dao kinh tế!

    Chỉ tội cho An Dương Vương là “nhát kiếm đoạn tuyệt” của ông lại phải chém vào chính con gái mình - Mỵ Châu. Nhưng cũng may là chuyện đó đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm rồi, nên bây giờ chắc là không đời nào còn có thể lặp lại!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-va-doanh-nghiep-giau-quoc-gia-moi-co-vi-the-a33172.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan