+Aa-
    Zalo

    Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Tôi không ngại khi bị gọi là đạo diễn copy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tiếp tục làm phim từ câu chuyện có sẵn, Phan Gia Nhật Linh không ngại khi bị gọi là “đạo diễn copy”.

    Sau thành công của bộ phim Em là bà nội của anh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã quay trở lại với Cô gái đến từ hôm qua. Tiếp tục làm phim từ câu chuyện có sẵn, Phan Gia Nhật Linh không ngại khi bị gọi là “đạo diễn copy”.

    - Sau thành công của tác phẩm Em là bà nội của anh, cơ duyên nào đã đưa anh đến dự án Cô gái đến từ hôm qua?

    Khi thành công của Em là bà nội của anh qua đi, tôi có thời gian suy nghĩ nhiều hơn về những kế hoạch tiếp theo. Lúc đầu, tôi định làm phim về truyền hình thực tế, về những chiêu trò, scandal của giới giải trí. Nhưng quanh đi quẩn lại, tôi thấy, dù mình có thực hiện được bộ phim đó cũng không cho cuộc đời thêm sự tươi sáng nào. Hiện thực vẫn sẽ như thế. Vậy là tôi buông tay.

    Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

    Đang trống trải, thiếu ý tưởng, tình cờ tôi gặp lại một người bạn cũ. Anh ta kể cho tôi nghe về dự án làm phim từ truyện Cô gái đến từ hôm qua của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh mời tôi cùng thực hiện. Ban đầu, tôi cũng không biết mình có thật sự muốn làm hay không. Khi nghĩ đến việc làm phim từ truyện của anh Nguyễn Nhật Ánh, tôi thường nghĩ đến tác phẩm Thằng quỷ nhỏ. Sau đó, tôi tìm đọc Cô gái đến từ hôm qua và thấy tác phẩm cũng dễ thương. Nhưng, tôi vẫn cứ chần chừ. Thấy vậy, bên sản xuất bảo, nếu không làm thì họ mời người khác vì không thể đợi tôi thêm được nữa. Vậy là tôi nhận lời.

    - Làm phim từ tác phẩm văn học, hầu như đạo diễn nào cũng sợ bị nhà văn chê bai. Anh có tính đến chuyện này hay không?

    Dĩ nhiên tôi phải nói chuyện với anh Nguyễn Nhật Ánh từ trước. Anh ấy bảo tôi cứ làm đi và sẽ không can thiệp gì cả. Điều đó đối với tôi rất có ý nghĩa. Bởi lẽ, nhiều nhà văn quá yêu quý tác phẩm của mình mà không thể buông tay dù đã bán bản quyền, đồng ý cho chuyển thể. Rất ít nhà văn có thể hiểu được sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn chương và cách làm điện ảnh để hiểu, tôn trọng sự sáng tạo của người đạo diễn. Vậy nên, tôi biết ơn anh Nguyễn Nhật Ánh nhiều lắm.

    - Qua ngôn ngữ điện ảnh, câu chuyện trong phim của anh sẽ khác biệt ra sao so với tác phẩm văn học?

    Tôi hoàn toàn tôn trọng tác phẩm của anh Nguyễn Nhật Ánh. Phong cách văn chương của anh ấy rất hay, rất trẻ trung, trong sáng. Nhưng với góc nhìn điện ảnh, tôi cảm thấy câu chuyện đó thiếu sự kịch tính cần có ở một bộ phim. Làm phim trong thời buổi thương mại phải đáp ứng thị hiếu khán giả. Khán giả xem phim đều mong chờ kịch tính hay sự hài hước, tình cảm, lãng mạn.

    Nhưng tôi cũng hiểu, nếu quá sa đà vào lối làm phim kịch tính sẽ phá hỏng câu chuyện gốc của anh Nguyễn Nhật Ánh. Vì thế, tôi phải mất nhiều tháng để cân đo đong đếm, điều chỉnh liên tục trước khi bấm máy. Cuối cùng, tôi vẫn chọn tin theo trực giác của mình. Cảm nhận như thế nào, tôi thực hiện như vậy.

    - Phim đầu tay của anh làm lại từ một bộ phim ăn khách của Hàn Quốc. Tác phẩm thứ 2 này cũng được xây dựng từ một câu chuyện đã có sẵn. Anh có ngại khi bị gọi là đạo diễn copy?

    Tôi chỉ biết cười chứ không ý kiến gì về cách người khác đánh giá mình. Dư luận có thể gọi tôi là đạo diễn trăm tỉ với thành công của Em là bà nội của anh thì cũng có thể gọi tôi là đạo diễn copy. Tôi không ngại chuyện đó và cũng chưa bao giờ đặt áp lực lên mình khi bị đánh giá.

    Cảnh phim "Cô gái đến từ hôm qua".

    - Nhìn nhận xa hơn, anh có nghĩ điện ảnh Việt Nam đang thiếu những kịch bản mới, vừa sáng tạo vừa hấp dẫn?

    Đó là tình hình chung của cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nhưng, việc làm phim từ câu chuyện có sẵn cũng không có gì mà phải soi xét nhau cả. Như ở Hàn Quốc, khi họ bắt đầu đẩy mạnh nền điện ảnh, sau thời kỳ phim thương mại mở đường thành công, họ cũng gặp tình trạng thiếu kịch bản mới. Hệ thống sản xuất và phát hành phim ngày càng phát triển trong khi kịch bản mới vừa thiếu vừa thừa vì quá non tay, không đủ để làm nên một bộ phim hay, họ đã làm lại nhiều bộ phim từ Mỹ.

    Tôi cho rằng, đó là cách học nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với một nền điện ảnh mới bắt đầu phát triển. Bây giờ, điện ảnh Hàn Quốc đã có vị trí và tiếng nói riêng. Đó là thành quả từ giai đoạn học hỏi các nền điện ảnh đi trước. Việt Nam cũng đang như vậy. Nền điện ảnh của chúng ta chỉ vừa bắt đầu phát triển, việc yếu kém về kịch bản vẫn chưa thể khắc phục được ngay. Khi làm lại phim từ kịch bản nước ngoài, có người sẽ học hỏi được quy cách sáng tạo, nhưng cũng có người không học được gì vì copy y nguyên mà không hiểu khác biệt văn hóa giữa 2 quốc gia.

    - Cách đây không lâu, Em chưa 18 đã trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử. Khi Cô gái đến từ hôm qua ra mắt, anh có gặp áp lực?

    Tôi hiểu sự so sánh của các bạn. Nhưng, với tư cách là đạo diễn, tôi không thể nói chắc về sự thành công hay thất bại của một bộ phim. Điều tôi có thể khẳng định với khán giả là cách mình thực hiện bộ phim, sự sáng tạo và nghệ thuật trong tác phẩm của mình như thế nào, còn doanh thu thì không thể biết được. Tuy vậy, những người làm phim như chúng tôi luôn vui mừng với thành công của nhau. Thành công của Em chưa 18 là một tín hiệu tốt để giới làm phim tự tin hơn khi đưa sản phẩm của mình ra rạp.

    - Cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Hà Nhân

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 29

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dao-dien-phan-gia-nhat-linh-toi-khong-ngai-khi-bi-goi-la-dao-dien-copy-a197594.html
    Sự kiện: Sao Việt
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan