+Aa-
    Zalo

    Đầu năm, “cái bang” tái xuất tràn lan tại TP.HCM

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đầu năm, hiện tượng xin tiền có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tại một số chùa chiền, ngã tư... trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khá nhiều "cái bang" ăn xin.

    (ĐSPL) - Đầu năm, hiện tượng xin tiền có dấu hiệu bùng phát trở lại. Tại một số chùa chiền, ngã tư... trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khá nhiều "cái bang" ăn xin.

    “Cái bang” tái xuất và hoành hành nhiều nơi.

    Dù TP.HCM đã áp dụng nhiều biện pháp, truy quét quyết liệt, đưa người ăn xin, lang thang, cơ nhỡ vào các trung tâm xã hội nhưng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua và những ngày đầu năm mới này, hiện tượng xin tiền có dấu hiệu bùng phát trở lại. Theo ghi nhận của PV, tại một số chùa chiền, ngã tư... trên địa bàn TP. vẫn còn khá nhiều người ăn xin.

    Từ “cái bang” nội, “cái bang” trá hình...

    Theo ghi nhận của chúng tôi, dạo quanh một số chùa chiền, đình, miếu... và một số ngã tư đường trên địa bàn TP., thấy có một số đối tượng xin tiền. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) quan sát, chúng tôi thấy trước cổng chùa có nhiều người bán vé số, nhang dạo, xe ôm...

    Họ chào mời, chèo kéo khách khá quyết liệt. Ai bước vào cũng nghe “nhang không anh”, “mua giúp tờ vé số đi chị”... Trong số đó, chúng tôi quan sát thấy có một bé gái khá nhỏ, cùng với mẹ bán nhang trước cổng chùa. Dù không ngả nón, mũ, nhưng cũng có một số người cho tiền.

    Tuy nhiên, phổ biến và hoạt động rầm rộ nhất chính là trước cổng chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn). Tại đây, có tới hàng chục người bán vé số, nhang đèn, sách tử vi, tờ tướng số... Cùng với đó, là các quán hàng ở phía đối diện, làm cho khúc đường nhỏ trước cổng chùa luôn lộn xộn. Đây là ngôi chùa có lượng phật tử khá đông, thuộc top đầu của cả TP., vì thế, những dịch vụ ăn theo cũng đến đây làm ăn ngày một nhiều.

    Riêng những người xin tiền cũng có gần cả chục người, đa phần trong đó là kết hợp giữa xin tiền cộng thêm bán vé số, nhang đèn hoặc hoa... cho Phật tử vào cúng chùa. Có một điều dễ thấy hơn trước, là những người này ít xin tiền lộ liễu như trước đây, chạy theo chèo kéo xin cho bằng được. Giờ họ xin tiền...điềm tĩnh hơn(!).

    Trong vai một phật tử đi chùa, chúng tôi gửi xe tại bãi xe của chùa. Vừa đậu xe thì nghe loa phóng thanh của nhà chùa cảnh báo đề phòng kẻ gian móc túi, trộm tài sản nên cẩn trọng hơn. Ra khỏi bãi xe, một người đàn ông, trạc khoảng 40 tuổi, ngồi bệt trước cửa một cửa hàng bán đồ lưu niệm nhà Phật, với chiếc nón đặt ngửa cùng chiếc radio nhỏ mở kinh Phật. Những ai đi ngang, người này đều ngửa tay xin tiền và mua giúp vé số.

    Cách đó vài bước chân là một phụ nữ trạc khoảng 50 tuổi, để lộ một băng vết thương trước ngực và trên đầu, ở dưới là chiếc nón xin tiền cùng xấp vé số. Tương tự như người đàn ông kia, người phụ nữ này liên tục xin tiền và kêu mua vé số giúp.

    Tuy nhiên, đông và xô bồ hơn cả chính là trước cổng chùa. Tại đây luôn có khoảng 5 – 6 người xin tiền kiêm bán vé số hoặc hoa, nhang đèn... Đi cùng chúng tôi, chị Lê Kim Xuyến (ngụ quận Phú Nhuận) cũng phải móc mấy ngàn tiền lẻ cho họ. Chị Xuyến nói: “Chính quyền TP. đã ra quân đưa người lang thang, cơ nhỡ vào các trung tâm xã hội rồi, sao ở đây còn nhiều người như vậy? Mà họ lại đứng, ngồi ngang nhiên trước cổng chùa như thế này thì không đẹp chút nào. Hơn nữa, chính họ sẽ khiến cho phật tử thấy khó chịu hơn”.

    Trong khi đó, một số người lại nghi ngờ đây chỉ là những đối tượng giả danh ung thư, bệnh hoạn, tàn tật... để đi xin ăn. Anh Nguyễn Hồng Sơn (ngụ quận 3) chia sẻ: “Đến đây dù thấy nhiều người xin tiền, có đeo bảng tật nguyền, ung thư... thậm chí thấy họ chống nạng đứng đó ngả nón, mũ xin tiền nhưng tôi không cho. Có làm từ thiện thì tôi cũng làm cách khác. Thêm nữa, nếu đúng là người lang thang, cơ nhỡ, chắc chính quyền địa phương đã đưa vào các trung tâm xã hội rồi”.

    Đến trước cổng chùa Hoằng Pháp có một số người đeo bảng “bị ung thư mua giùm vé số”, song lại hoạt động khá tinh vi. Theo đó, người phụ nữ này cầm một cái nón, xung quanh giắt vé số còn ở dưới là mấy ngàn tiền lẻ. Cứ thế người này giơ nón ra như chào mời mua vé số nhưng thực chất là xin tiền. Cạnh đó là một nam thanh niên chống gậy, giơ chiếc mũ đứng ngay trước cổng chùa xin tiền một cách ngang nhiên.

    Ngồi một góc bên cạnh cổng là một bà lão đầu trọc, tay cầm một bó sen, ngửa nón để xin tiền. Trong nón có mấy đồng tiền lẻ, mệnh giá 1.000, 2.000 đồng. Và trong một buổi sáng, chúng tôi thấy có khá nhiều người cho tiền những người này.

    ...Đến “cái bang” ngoại

    Trong ngày 27/2 (mồng 8 Tết), trước cửa chùa Hoằng Pháp, chúng tôi quan sát không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào. Bởi trước đó, luôn có một công an viên túc trực tại đây để làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, dù có lực lượng chức năng hay không thì những người này vẫn hoạt động như thường.

    Ngoài các chùa, hiện nay, một số đối tượng xin tiền, thầy tu đi khất... tiền cũng đang có xu hướng xuất hiện trở lại. Tại khu vực công viên 23/9, những ngày qua, chúng tôi thấy có hai em nhỏ đang lang thang đi xin tiền. Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên, chưa kịp bấm máy thì các em đã lẩn vào đám đông phía đường Phạm Ngũ Lão (quận 1).

    Ông Trần Văn Thanh, người dân sống gần đó cho biết, dù chính quyền nói là truy quét nhưng hiện tượng người xin tiền vẫn còn tồn tại tại ở khu vực công viên 23/9 hay các ngã tư. Bên cạnh đội ngũ “cái bang” người Việt, còn đó một người Khmer. Theo tìm hiểu thì họ là những người Campuchia tràn sang. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT công ty Dã ngoại Lửa Việt cho biết, điều đáng ngạc nhiên chính là đội quân này chỉ hành nghề “cái bang” tại Việt Nam.

    “Sau khi tập trung sang xin tiền trong những ngày Tết, thì họ quay trở lại Campuchia sinh sống bằng nghề khác, vì ăn xin ở nước họ rất cực, bị cảnh sát truy rất gắt gao. Nếu chúng ta làm không kiên quyết thì đội quân này có nguy cơ sẽ ở lại Việt Nam hành nghề, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị và đặc biệt là ngành du lịch”, ông Mỹ nói.

    Ngoài “cái bang”, một số sư giả đi khất... tiền cũng tái xuất. Ông Nguyễn Trí Cường, Giám đốc công ty Dược phẩm Việt Âu cho biết: “Tôi có đi lễ tại chùa Phước Hải Tự (quận 1) và thấy ở đây có ba nhà sư đúng trước cổng chùa cầm bát xin tiền. Có không ít người chi tiền vào bát. Tại chùa Hoằng Pháp, nhà chùa cũng từng phải cảnh báo phật tử bằng một bảng thông báo về một số đối tượng giả danh nhà sư của chùa để đi khất thực và đứng trước cổng chùa xin tiền”.

    Trong những ngày đầu năm mới này, tình trạng người xin tiền vẫn hoạt động nhiều nơi. Mặc dù trước đó, thực thi quyết định số 49 về việc quản lý người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện làm quyết liệt để chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Trong và sau tết, người xin tiền, lang thang đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

    Trước tình trạng “cái bang” bùng phát trở lại, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Giai đoạn đầu của việc ra quân đưa người xin tiền, lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TP. vào các trung tâm đã phân loại và đưa được 200 người vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này”.

    Có cả đội ngũ chăn dắt

    Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương MTTQVN cho rằng: “Sở dĩ đội quân “cái bang” còn tồn tại và tái xuất trở lại một phần là do các tay chăn dắt vẫn chưa bị triệt tiêu. Bên cạnh đó, cũng là phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng. UBND TP. phải làm quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng chăn dắt”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-nam-cai-bang-tai-xuat-tran-lan-tai-tphcm-a85698.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan