+Aa-
    Zalo

    Đến nay có tới 12 dự án lớn của ngành Công Thương thua lỗ nặng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Số dự án, nhà máy thua lỗ thuộc Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở con số 5 mà đã tăng lên 12 buộc Chính phủ phải thể hiện thái độ kiên quyết trong việc xử lý.

    (ĐSPL) - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có yêu cầu Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của các đơn vị trong ngành công thương.

    Số dự án, nhà máy thua lỗ thuộc Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở con số 5 mà đã tăng lên 12 buộc Chính phủ phải thể hiện thái độ kiên quyết trong việc xử lý, khắc phục hậu quả.

    Quan điểm của lãnh đạo Chính phủ trong việc xử lý các nhà máy, dự án này phải quán triệt chủ trương, các quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.

    Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, một trong số 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu của các đơn vị thuộc ngành công thương. Ảnh: Tiền phong.

    Ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua (là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình).

    Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác (đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai) đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.

    Về phương án xử lý các dự án, nhà máy, Phó thủ tướng cho rằng song song với việc rà soát quá trình hình thành dự án, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các dự án, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị,…

    Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản,... theo quy định của pháp luật. “Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”, Trưởng Ban chỉ đạo nêu quan điểm.

    Phó thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra vào cuộc, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/den-nay-co-toi-12-du-an-lon-cua-nganh-cong-thuong-thua-lo-nang-a175066.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan