+Aa-
    Zalo

    Đi tìm lời giải để phim hoạt hình ngoại không còn độc tôn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ rằng hoạt hình Việt Nam sống lay lắt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới, người Việt làm rất nhiều khâu...

    Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ rằng hoạt hình Việt Nam sống lay lắt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới, người Việt làm rất nhiều khâu như họa sĩ thiết kế, đồ họa, hỗ trợ kỹ thuật. Thậm chí, nhiều xưởng sản xuất hoạt hình lớn mang tầm quốc tế đặt trụ sở gia công tại Việt Nam. Vậy, lý do nào đã khiến phim hoạt hình Việt thất thế ngay trên sân nhà?

    Muốn khởi sắc cần phiêu lưu

    Được chiếu trên mạng gần nửa tháng, Con Rồng cháu Tiên đạt xấp xỉ 7 triệu lượt xem. Đây là bộ phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên được chú ý và đạt số lượng người xem “khủng” như thế.

    Một cảnh trong phim "Con Rồng Cháu Tiên".

    Từ trước đến nay, thể loại hoạt hình Việt vẫn được xuất xưởng nhưng khá âm thầm. Chỉ đến Con Rồng cháu Tiên mới tạo được luồng sinh khí mới. Dù vẫn còn một số hạn chế nhưng phim tạo được bước đột phá và nhận được sự quan tâm của dư luận.

    Đề tài, câu chuyện rất cũ nhưng phim hiện đại, gần gũi hơn đối với trẻ em. Phim vẫn là câu chuyện cổ tích nhưng mang nhiều tính giải trí, dễ mường tượng, dễ ghi nhớ chứ không đặt quá nặng vấn đề giáo dục như những phim hoạt hình Việt được xuất xưởng trước đây. Điểm cộng lớn nhất của phim là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh. Hình ảnh của phim đẹp mắt, chỉn chu, phần âm thanh cũng được đầu tư từ bản phối đến âm nhạc cũng như ca từ. Các nhân vật có số phận rõ ràng, dù là tuyến nhân vật tốt hay xấu...

    Phim hoạt hình là thể loại có lượng khán giả tiềm năng, không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Hàng năm, các bộ phim hoạt hình của Mỹ, Nhật Bản... được nhập về, công chiếu ở rạp luôn được trông chờ, khán giả kéo đến xem đông, thu lợi lớn. Nhưng, ở Việt Nam, mảng phim này vẫn còn bỏ trống, để phim nước ngoài tung hoành vì chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

    Sở dĩ hoạt hình nước ngoài kéo được người xem đến rạp không chỉ vì được làm từ công nghệ mới, hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, có nhiều ngôi sao lồng tiếng mà bởi cách dàn dựng, nội dung với nhiều tầng lớp ý nghĩa. Trẻ em thích thú với những câu chuyện cổ tích phép thuật... Còn người lớn vẫn cảm thấy thú vị vì hình ảnh lộng lẫy, kĩ xảo kỳ lạ... Do đó, khi bước ra khỏi rạp phim, phần lớn khán giả đều cảm thấy thỏa mãn.

    Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt hình Việt yếu đủ thứ và đang sống lay lắt, mặc dù khán giả tiềm năng rất lớn. Kịch bản phim quá cũ kỹ, giẫm phải lối mòn, đóng khung với thời lượng khá ngắn. Thời lượng là một trong những vấn đề đau đầu khiến phim hoạt hình Việt chưa thể ra rạp.

    Được biết, mỗi năm, Nhà nước tài trợ từ 10 đến 15 phim hoạt hình Việt thì dành cho phim 10 phút là chủ yếu, phim đề tài lịch sử dài 30 phút là hãn hữu. Đội ngũ tham gia vào phim hoạt hình khá “hẻo”. Người viết kịch bản ít, thiếu sự sáng tạo. Người trực tiếp sản xuất thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự đột phá... Đặc biệt nhất, để sản xuất một bộ phim dài, hay điều tiên quyết là kinh phí. Trong khi đó, đầu tư vào phim hoạt hình ít được các “đại gia” để mắt vì đây là thể loại không được chú trọng và chưa thể thu lợi trước mắt.

    Nguyễn Hữu Tú, là người Mỹ gốc Việt, tốt nghiệp ngành đồ họa 3D tại Los Angeles, từng tham gia sản xuất hai bộ phim nổi tiếng ở nước ngoài là Tàu tốc hành đến Bắc cực và Sau ngày mai. Anh rất tâm huyết với phim hoạt hình trong nước. Anh cho rằng, với thể loại hoạt hình, Việt Nam còn thiếu ba yếu tố là tiền, kịch bản tốt và tinh thần phiêu lưu trong phim. Yếu tố cuối cùng là quan trọng nhất. Bởi, đầu tư vào phim hoạt hình không thể có cái cái lợi ngay lập tức, nếu không có tính phiêu lưu, thì rất khó hy vọng phim hoạt hình trong nước khởi sắc.

    Ông Phan Văn An, Giám đốc Hãng phim Trẻ, đơn vị đồng hành sản xuất và phát hành Con Rồng cháu Tiên cho biết, ê-kíp ước mơ sẽ sản xuất phim hoạt hình ra rạp. Tuy nhiên, để ước mơ trở thành hiện thực vấp phải rất nhiều khó khăn về mặt tài chính lẫn chất lượng. Để phim có thể ra rạp, độ dài từ 90 phút trở lên, đòi hỏi quy trình làm việc chặt chẽ, khắt khe.

    Sóng ngầm

    Thời gian gần đây, ở Việt Nam, phim hoạt hình không chỉ do công ty Nhà nước sản xuất mà có sự bắt tay của các công ty cổ phần, đơn vị tư nhân. Mục đích của các đơn vị tư nhân khi đầu tư vào lĩnh vực này cũng khác nhau như quảng cáo thương hiệu, phục vụ nhu cầu giải trí trẻ em, minh họa các bài hát... Mặc dù sự đầu tư chưa nhiều nhưng đây cũng được xem là tín hiệu đáng mừng.

    Đặc biệt, mới đây, công ty VinTaTa ra đời được sự hậu thuẫn của một tập đoàn lớn. Công ty có 2 studio tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng phần mềm, phần cứng hiện đại nhất, ngang ngửa với các studio lớn trên thế giới. Với sự đầu tư này, 2 studio này có thể đáp ứng sản xuất cho cả hoạt hình 2D lẫn 3D. Nhân sự lên đến 100 người và có mời cả các chuyên gia đến từ các hãng hoạt hình trên thế giới.

    Đại diện công ty này cho biết, một trong những khâu yếu nhất của hoạt hình Việt là kịch bản. Do đó, đơn vị này đã phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản. Với việc phát động này, họ hy vọng sẽ phát hiện được những kịch bản, đủ khả năng để biến thành phim hoạt hình hay. Đồng thời, mục tiêu của đơn vị này là sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp, người xem hướng đến mang tính đại chúng, cả trẻ em lẫn người lớn.

    Bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc công ty Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng cho biết, đơn vị đang đặt mục tiêu sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp. Tuy nhiên, để có một bộ phim như thế đòi hỏi trước tiên là kịch bản phù hợp, hay và hấp dẫn. Phía công ty đang hoàn thiện tất cả các khâu quan trọng như kinh phí, nhân sự, công nghệ...

    Theo tìm hiểu, ở nước ta, nhiều nhóm làm phim hoạt hình hoạt động độc lập trên mạng internet. Họ thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, hỗ trợ về máy móc cho nhau. Các nhóm này được xem là sóng ngầm của hoạt hình Việt. Điều đáng lưu tâm, hầu hết họ đều là người trẻ, có nhiều tâm huyết, khả năng đồ họa cao, ham học hỏi cái mới... Chính vì thế, họ kết nối với nhau để phát triển niềm đam mê. Họ làm phim độc lập nên không bị áp lực nặng về kinh tế.

    Anh Tôn Thất Quốc Bửu, một người chuyên làm phim hoạt hình trên mạng thừa nhận, vì làm việc theo nhóm, không có sự hậu thuẫn lớn nên chỉ làm phim hoạt hình theo ý thích. Do không có nhiều kinh phí nên họ thường làm những bộ phim ngắn dưới 10 phút. Mặc dù vậy, phim hoạt hình cần thời gian, chất xám và sự hy sinh rất lớn. Do nhiều điều kịch khách quan lẫn chủ quan, nhiều bạn trẻ dù rất yêu thích phim hoạt hình nhưng không thể trụ lại được với nghề.

    Từ trước đến nay, chúng ta thấy, hoạt hình Việt Nam sống lay lắt, ít đột phá. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tại TP.HCM có khá nhiều xưởng gia công hoạt hình của Đức, Nhật, Pháp. Ở đây, người Việt làm họa sĩ thiết kế, đồ họa, hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, công ty Spax (Pháp) đã có mặt hơn 20 năm. Khá nhiều bộ phim hoạt hình của các hãng lớn có sự đóng góp không nhỏ của các nhân sự là người Việt đã từng được giới thiệu như Igor, Giáng sinh thú vị, Gazoon... Có lẽ, ghi dấu lớn nhất là bộ phim Igor với hơn một nửa là nhân sự người Việt thực hiện.

    Như vậy, có thể chắc chắn, đội ngũ chúng ta không thiếu, không hề yếu kém về kỹ thuật... Các trang thiết bị ngày càng được đầu tư nên sự khởi sắc, ước mơ có phim hoạt hình chiếu rạp không phải không thể thành hiện thực.

    Con Rồng cháu Tiên là một minh chứng. Phim được đầu tư 2 tỷ đồng, với sự lao động miệt mài của hơn 100 nhân sự trong 6 tháng liền. Với 23 phút, phim đã khẳng định, nếu đầu tư thích đáng thì hoạt hình Việt cũng chẳng thua kém gì nước ngoài. Mặc dù vậy, để có thể ra rạp, chắc chắn, những người yêu thích, đam mê phim hoạt hình trong nước phải cần nỗ lực hơn rất nhiều. Và, khán giả Việt vẫn đang chờ sự bứt phá của giới làm phim hoạt hình trong nước.

    Huy Cường

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 47

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-loi-giai-de-phim-hoat-hinh-ngoai-khong-con-doc-ton-a210782.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan