+Aa-
    Zalo

    Đi xuất khẩu lao động giữa dịch COVID-19, 5 công dân Việt Nam "mắt kẹt" 4 tháng ở Bờ Biển Ngà

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhóm 5 người lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh nộp tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng đã được xuất cảnh bằng đường du lịch và bị bỏ rơi suốt 4 tháng

    Nhóm 5 người lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh nộp tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng đã được xuất cảnh bằng đường du lịch và bị bỏ rơi suốt 4 tháng đói khát, bệnh tật ở đất nước Bờ Biển Ngà trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

    Nhẹ dạ nghe cò mồi...

    Tạp chí ĐS&PL nhận được đơn tố cáo của nhóm người lao động (NLĐ) gồm anh Nguyễn Văn Thìn (SN 1976), Trương Xuân Bình (SN 1977), Nguyễn Cao Long (SN 1986) tại tỉnh Nghệ An và các anh Nguyễn Văn Hoàn (SN 1973) tại tỉnh Hà Tĩnh, về việc bị lừa đưa đi XKLĐ "chui" bằng đường du lịch khiến tiền mất tật mang, ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

    Theo nội dung phản ánh, tháng 2/2020, qua giới thiệu, nhóm người nói trên được bà Nguyễn Thị Hương (ĐT: 037.7273xxx) cho biết có đơn hàng đi làm thợ đổ bê-tông, lắp cốt-pha... tại Bờ Biển Ngà (tuyển lao động phổ thông, không yêu cầu trình độ). Chi phí đi là 4.000 USD, chỉ cần nộp trước 1.000 USD, còn lại NLĐ có thể nợ khi đi làm tại Bờ Biển Ngà (lương 1.000 USD/tháng, làm 26 ngày) và được trừ dần vào lương.

    Sau đó, họ được đưa đến trụ sở công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE (gọi tắt là công ty VIETKITE) tại địa chỉ: Tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, cùng với bà Hương còn có ông Nguyễn Phạm Đềm (ĐT: 0982.232xxx), xưng là lãnh đạo công ty VIETKITE và hai người của công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực ABC (gọi tắt là công ty ABC) là ông Trần Văn Quỳnh (ĐT: 0984.883xxx) và bà Nguyễn Thị Bảy (ĐT: 0982.884xxx) để thống nhất nội dung mà bà Hương tư vấn.

    Sau khi đã nộp 9 đến 10 triệu đồng khám sức khoẻ, ngày 11/3 họ được yêu cầu có mặt ở TP.Hồ Chí Minh và nộp 14 triệu đồng cho ông Đềm (có phiếu thu đóng dấu treo của công ty VIETKITE), nộp 1.000 USD cho người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thuý Hồng (ĐT: 0819.133xxx). Toàn bộ giao dịch XKLĐ này không hề có hợp đồng mà chỉ có một thư mời bằng tiếng Anh do ông Đềm, bà Hồng cho NLĐ xem nhưng họ không hiểu gì.

    Ngày 15/3, NLĐ xuất cảnh và sang Bờ Biển Ngà ngày 16/3, được một người đàn ông tên là Hà ra đón. Tuy nhiên, khi tới nơi, công ty sử dụng lao động thông báo, họ chỉ nhận công nhân kỹ thuật có trình độ cao, nên 5 người không được nhận vào làm việc.

    Nhưng sự việc không dừng tại đây, họ bị giữ hộ chiếu và bắt phải nộp tiền chuộc. Trong quá trình chờ đợi, 3 người được đưa về nhà ông Hà, 2 người còn lại thì công ty yêu cầu đi làm để trừ vào tiền hộ chiếu. Đúng lúc này, dịch Covid-19 bùng phát tại Bờ Biển Ngà.

    "Đây là những ngày tháng khủng khiếp nhất mà chúng tôi phải trải qua, không công ăn việc làm, không có tiền và bất đồng về ngôn ngữ. Với chúng tôi, tại Bờ Biển Ngà lúc này dịch Covid chưa đáng sợ bằng dịch sốt rét, một căn bệnh đã gây ra rất nhiều cái chết ở đất nước này. Do bị tái phát nhiều lần nên chúng tôi ai cũng bị biến chứng, rất nguy kịch, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Những tháng ngày đó, tất cả chúng tôi phải sống trong sự hoảng loạn, sợ hãi đến tuyệt vọng, thậm chí tất cả đã xác định không thể sống sót để trở về", anh Trương Xuân Bình bức xúc chia sẻ với PV ĐS&PL.

    Các nạn nhân bị bỏ rơi tại Bờ Biển Ngà. (Hình ảnh do nạn nhân cung cấp)

    Sau đó, nhóm NLĐ đã nhiều lần đề nghị ông Đềm phải có trách nhiệm mua vé máy bay để về nước nhưng không được, nên gia đình NLĐ phải tiếp tục vay mượn, cầm cố nhà cửa để mua vé máy bay từ Bờ Biển Ngà sang Pháp và từ Pháp về Việt Nam vào ngày 23/7/2020, với tổng số tiền là 64.900.000 đồng/người. Tổng chi phí họ đã phải chi trả cho chuyến XKLĐ "chui" này là 150 triệu đồng/người.

    "Sau khi về nước, chúng tôi yêu cầu những người có liên quan phải có trách nhiệm trả lại chúng tôi số tiền đã nộp, cũng như phần nào bù đắp khắc phục hậu quả với những gì họ đã gây ra cho chúng tôi, nhưng ông Đềm còn lên tiếng thách thức. Do đó, chúng tôi xin cầu cứu đến các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn ngôn luận để làm rõ trách nhiệm của ông Đềm cũng như những người liên quan, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi", anh Bình cho hay.

    Người bị tố cáo nói gì?

    Theo số điện thoại mà nhóm NLĐ cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Phạm Đềm và bà Nguyễn Thị Hương nhưng không thể liên lạc được nên đã trực tiếp đến văn phòng làm việc của công ty VIETKITE tại tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

    Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Hoàng Ngọc Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty VIETKITE - xác nhận ông Đềm là nhân viên sale (bán hàng) của công ty nhưng đã xin nghỉ việc. Về vụ việc bị nhóm NLĐ kiện cáo, ông Linh phủ nhận trách nhiệm của công ty VIETKITE và khẳng định công ty không đưa 5 người này đi đâu, không làm thủ tục hay tư vấn gì.

    "Công ty VIETKITE đăng ký 24 ngành nghề hoạt động, trong đó có ngành nghề chính là dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn du học... Cty không hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi làm việc tại nước ngoài nên việc 5 NLĐ "tố" công ty đưa người đi Bờ Biển Ngà là không đúng" – ông Linh nói.

    Nhưng khi được PV cho xem ảnh chụp phiếu thu (do NLĐ cung cấp) ngày 11/3/2020 mang tên người nộp tiền là Trương Xuân Bình, với số tiền 14 triệu đồng, lý do nộp là "hoàn thiện hồ sơ đi Bờ Biển Ngà" có chữ ký của ông Nguyễn Phạm Đềm và dấu treo ghi tên công ty VIETKITE, ông Linh không xác nhận đây có phải phiếu thu và con dấu của công ty hay không mà chỉ nói rằng phiếu thu này không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký của kế toán, thủ quỹ, giám đốc.

    PV liên hệ với ông Trần Văn Quỳnh qua điện thoại thì được ông Quỳnh xác nhận có vụ việc đưa 5 NLĐ nói trên đi Bờ Biển Ngà. Ông Quỳnh nói với PV rằng mình là Giám đốc Marketing của công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực ABC nhưng hiện đã nghỉ việc. "Tôi không trực tiếp đưa những người này đi Bờ Biển Ngà mà chỉ phối hợp với công ty VIETKITE để làm các việc chia sẻ thông tin, thông báo đến NLĐ... Tôi có nhận một phần thù lao cho công việc này, tuy nhiên ngay sau khi sự cố xảy ra, tôi đã hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận cho những người trên", ông Quỳnh nói. Thông tin được ông Quỳnh hoàn trả tiền cũng đã được anh Trương Xuân Bình thừa nhận.

    Để xác minh có hay không việc "bắt tay" giữa công ty VIETKITE và công ty ABC trong vụ việc XKLĐ "chui" đầy tai tiếng này, PV ĐS&PL đã đến liên hệ tìm hiểu thông tin tại công ty ABC ở địa chỉ 79 phố Thiên Hiền (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tiếp chúng tôi là ông Trần Quyết, cán bộ pháp chế của công ty ABC. Ông Quyết cho biết lãnh đạo công ty đi vắng và hẹn trả lời bằng văn bản sau.

    Và, ngày 27/8/2020, công ty ABC đã có văn bản trả lời tạp chí ĐS&PL về vấn đề nêu trên. Văn bản do bà Lê Hồng Vân – Tổng Giám đốc công ty ABC - ký, khẳng định nội dung tố cáo của nhóm NLĐ ở Nghệ An, Hà Tĩnh "không liên quan đến công ty ABC". Bà Vân xác nhận, hai người liên đới trong đơn tố cáo là ông Trần Văn Quỳnh và bà Nguyễn Thị Bảy "từng có thời gian làm cộng tác viên tuyển dụng bán thời gian của công ty ABC" nhưng đã không đến làm việc kể từ tháng 3/2020 do dịch bệnh Covid-19.

    Lãnh đạo công ty ABC cũng cho hay, công ty không hợp tác liên kết với công ty VIETKITE. Đặc biệt, công ty ABC không có hoạt động XKLĐ tại thị trường Bờ Biển Ngà nên không thông báo tuyển dụng, ra văn bản hay chỉ đạo nhân viên, cộng tác viên làm bất cứ việc gì để đưa người lao động sang đất nước này.

    "Việc tư vấn, tuyển dụng đưa người sang Bờ Biển Ngà hoàn toàn do ông Quỳnh, bà Bảy tự ý câu kết với bà Hương và công ty CP Giáo dục và Du lịch VIETKITE, không báo cáo hoặc thông báo vấn đề này cho ban lãnh đạo công ty ABC nên ông Quỳnh, bà Bảy phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những việc làm của mình", văn bản của công ty ABC nêu rõ.

    Công ty VIETKITE không có chức năng đưa người đi LĐXK

    Theo tìm hiểu của PV ĐS&PL, công ty Cổ phần Giáo dục và Du lịch VIETKITE có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà Việt Á (phố Duy Tân, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) và địa chỉ văn phòng tại tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Công ty này hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102718865, do sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 10/4/2008.

    Ngoài hai địa chỉ nói trên, công ty còn có hai văn phòng đại diện tại Phú Xuyên (Hà Nội), Xuân Trường (Nam Định) và hai chi nhánh tại Nghệ An và Lâm Đồng.

    Đáng chú ý, trong danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty này thì lĩnh vực kinh doanh chính là du lịch và du học, không hề được cấp phép hoạt động XKLĐ.

    Như vậy, công ty VIETKITE không có chức năng XKLĐ, Chủ tịch công ty này cũng khẳng định không hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Công ty ABC thì có chức năng XKLĐ nhưng không hoạt động ở thị trường Bờ Biển Ngà. Vậy không hiểu vì lý do gì nhóm người trên lại đưa 5 NLĐ đi sang Bờ Biển Ngà để lao động xuất khẩu? Phải chăng họ tổ chức đi "chui" bằng đường du lịch và đằng sau những cá nhân này là đường dây XKLĐ trái phép chưa được phanh phui?

    Được biết, nhóm NLĐ nói trên đã gửi đơn tố cáo đến Bộ trưởng bộ Công an, Cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ LĐ,TB&XH), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và một số cơ quan chức năng khác để điều tra, làm rõ.

    Nhóm PV

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (35)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-xuat-khau-lao-dong-giua-dich-covid-19-5-cong-dan-viet-nam-mat-ket-4-thang-o-bo-bien-nga-a337343.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan