+Aa-
    Zalo

    Diễn biến mới nhất về cơn bão số 12: Các tỉnh Nam Trung Bộ bắt đầu bị ảnh hưởng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những giờ tới, bão đi theo hướng tây, vận tốc 10-15 km/h và tiến vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, tâm bão quét thẳng qua Khánh Hòa.

    Những giờ tới, bão đi theo hướng tây, vận tốc 10-15 km/h và tiến vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, tâm bão quét thẳng qua Khánh Hòa. 

    Bão số 12 đang hướng vào đất liền. Ảnh: Thanh Niên 

    Sáng 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 12 có xu hướng mạnh lên khi đạt sức gió cấp 9, giật cấp 12. Lúc 4h, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

    Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, tâm bão quét thẳng qua Khánh Hòa. Sau đó, hình thái này suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

    Đến 13h ngày 10/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực đất liền Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.

    Tiếp đó áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành một vùng áp thấp. 

    Tại cuộc họp ứng phó với bão số 12, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 60.000 tàu, thuyền với 290.000 người biết diễn biến của bão số 12 để di chuyển tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

    Từ nay đến ngày 12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to với lượng mưa 200-400 mm, có nơi trên 450 mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên có lượng mưa 100-200 mm.

    Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, sau cơn bão số 12, dự kiến sẽ có ngay cơn bão số 13 hướng vào các tỉnh Trung bộ khi đã ghi nhận một áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên vùng biển phía đông Philippines.

    Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này sẽ mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm nay. Đây sẽ là cơn bão mạnh đạt cường độ cấp 11 trên Biển Đông. Dự báo ngày 14/11, bão số 13 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung bộ.

    Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố cùng bộ, ngành và cơ quan chức năng, tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó với 2 cơn bão.

    Đối với tuyến biển, lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm khẩn trương di chuyển, tránh trú đảm bảo an toàn.

    Địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kể cả các tàu thuyền đã neo đậu tại khu vực tránh trú và cần lưu ý đối với các tàu vận tải biển, tàu vãng lai neo đậu ở các cửa sông đề phòng lũ lớn.

    Trên đất liền, đơn vị chức năng tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các nhà cao tầng, nhất là các nhà kính dễ xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.

    Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho rằng, các trận mưa lũ, bão vừa qua khiến công tác khôi phục, tái thiết hạ tầng ở miền Trung đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình bị đổ sập nhà cửa, hư hỏng do gió bão chưa thể khôi phục được nên người dân vẫn phải ở tạm nơi sơ tán.

    Qua các nhận định hiện nay, miền Trung sẽ hứng chịu liên tiếp 2 cơn bão thì các điều kiện ứng phó phải sẵn sàng cho tình huống bão chồng bão, không loại trừ các đợt mưa liên tiếp sau bão tiếp tục xuất hiện tổ hợp thiên tao nguy hiểm như đã xảy ra thời gian qua.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dien-bien-moi-nhat-ve-con-bao-so-12-cac-tinh-nam-trung-bo-bat-dau-bi-anh-huong-a345514.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan