+Aa-
    Zalo

    Điều kiện để sinh viên được học cùng lúc 2 chương trình, việc sở hữu 2 bằng đại học có tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên?

    (ĐS&PL) - Thị trường lao động ngày càng đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, nhiều sinh viên chọn học 2 bằng đại học cùng lúc như một "điểm tựa", với mong muốn có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi ra trường.

    Điều kiện để sinh viên được học cùng lúc 2 chương trình, tốt nghiệp 2 bằng

    Theo quy định tại Điều 17, Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT nêu rõ về học cùng lúc hai chương trình.

    Học cùng lúc hai chương trình dành cho sinh viên có đủ điều kiện dưới đây và có nhu cầu đăng ký học thêm một chương trình thứ hai để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng.

    dieu kien de sinh vien duoc hoc cung luc 2 chuong trinh viec so huu 2 bang dai hoc co tang them co hoi viec lam cho sinh vien
    Hiện nay, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, nhiều trường công lập và tư thục đã mở chương trình song ngành, liên ngành theo hướng nội bộ. Nếu sinh viên thu xếp được thời gian, sức khỏe, tài chính… thì đây là cơ hội rất đáng để tận dụng. Ảnh minh họa

    Điều kiện để học cùng lúc hai chương trình:

    Thứ nhất, ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất.

    Thứ hai, sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu.

    Thứ ba, trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 2,00 thì phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.

    Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất. Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

    Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

    Quy định này có hiệu lực đến trước ngày 3/5/2021.

    Từ ngày 3/5/2021, Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học quy định chi tiết tại điều 18.

    Đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép, nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai.

    Sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau và các điều kiện khác của cơ sở đào tạo:

    a) Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

    b) Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

    Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai.

    Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất. Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được công nhận kết quả của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.

    Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng kí muộn nhất 2 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

    Cơ sở đào tạo chỉ tổ chức đào tạo chương trình thứ hai cho sinh viên khi đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng về chỉ tiêu tuyển sinh, năng lực đào tạo; đồng thời có quy định chi tiết về quy trình, thủ tục, điều kiện đăng ký học và cấp bằng tốt nghiệp chương trình thứ hai.

    Học 2 bằng có tăng thêm cơ hội việc làm?

    Trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường hướng đến tối ưu hóa nguồn nhân lực, một trong những yêu cầu được nhiều nhà tuyển dụng đặt ra với ứng viên là khả năng làm việc đa nhiệm. Đồng thời, để thành công trong công việc, không chỉ cần đến kiến thức chuyên môn mà còn cần hiểu biết về lĩnh vực liên quan. 

    Việc sở hữu hai bằng đại học giúp bạn mở ra cơ hội nghề nghiệp gấp đôi và có thể đa dạng hóa khối lượng kiến thức trong giai đoạn học đại học. Khi nộp đơn vào các công ty sẽ giúp hồ sơ kỹ năng của bạn nổi bật trong đám đông ứng viên. Từ đó, bạn có thể tự tin đàm phán về mức lương và phúc lợi phù hợp.

    Học song ngành còn giúp sinh viên tiết kiệm thời gian học tập. Thay vì phải học tới 6 hoặc thậm chí 8 năm để có 2 bằng đại học qua phương thức học riêng biệt, bạn có thể lựa chọn học song bằng khi chỉ cần 4 - 5 năm là đã có thể giữ 2 bằng đại học cùng lúc trong tay.

    Hiện nay, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, nhiều trường công lập và tư thục đã mở chương trình song ngành, liên ngành theo hướng nội bộ. Nếu sinh viên thu xếp được thời gian, sức khỏe, tài chính… thì đây là cơ hội rất đáng để tận dụng.

    Một số trường đại học đang cho phép sinh viên học 2 bằng đại học cùng lúc như: Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Khoa học xã hội và Nhân văn, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế - Tài chính, Hoa Sen...

    Lưu ý khi học 2 bằng đại học cùng lúc

    Trên thực tế, việc học hai ngành cùng một lúc chưa bao giờ dễ dàng. Để quyết định lựa chọn học song ngành, sinh viên phải luyện cho mình tính kỷ luật, tự giác cao và nên bắt đầu học từ đầu năm thứ 2 của ngành 1.

    Khi sắp xếp lịch học, sinh viên cần đối chiếu chương trình đào tạo và thời khóa biểu của 2 ngành thật kỹ để lựa chọn thời khóa biểu hợp lý nhất.

    Đặc biệt với các học phần là điều kiện tiên quyết thì phải ưu tiên học đúng lộ trình mà thời khóa biểu đã lên, tránh việc để lỡ sẽ khó tham gia và mất đi kế hoạch dành cho học phần liên quan kế tiếp. Với học phần không dính đến điều kiện tiên quyết, sinh viên có thể đăng ký ở bất kỳ lớp học nào. 

    Đồng thời, học hai chương trình cùng một lúc sẽ khiến mức đóng học phí cao hơn bình thường. Ngoài việc trả học phí, bạn cũng phải chi tiêu cho việc mua sách, vật dụng học tập và các hoạt động liên quan đến lớp học. Vì thế, trước khi quyết định học song ngành, cần suy nghĩ kỹ về vấn đề tiền bạc để tránh tình trạng bỏ cuộc giữa chừng.

    Để đăng ký học hai ngành song song, sau năm thứ nhất sinh viên phải có kết quả học tập đạt loại khá trở lên và đáp ứng yêu cầu về chất lượng chương trình văn bằng 2. Học lực dựa trên điểm trung bình chung tích lũy đạt mức trung bình khá và phải đáp ứng điều kiện đầu vào cho văn bằng thứ hai.

    Thời gian học song ngành không thể vượt quá thời gian học tập của ngành chính nhân hai. Ví dụ, nếu bạn học ngành chính trong 4 năm, thì khi học song ngành, bạn không được học quá 8 năm. 

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dieu-kien-de-sinh-vien-duoc-hoc-cung-luc-2-chuong-trinh-viec-so-huu-2-bang-dai-hoc-co-tang-them-co-hoi-viec-lam-cho-sinh-vien-a606693.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan