+Aa-
    Zalo

    Đối tượng làm giả văn bản cho "học sinh nghỉ học" để phòng Covid-19 bị xử lý thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cần làm rõ đối tượng làm giả công văn cũng như xác định hậu quả đã gây ra cho xã hội để có hình thức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp.

    Theo luật sư, cần làm rõ đối tượng làm giả công văn cũng như xác định hậu quả đã gây ra cho xã hội để có hình thức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp.

    Mới đây, trên mạng xã hội có lan truyền một văn bản giả mạo sở GD-ĐT TP.HCM gửi các đơn vị trực thuộc về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến ngày 21/2/2020 để phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) gây ra. Ngay sau khi văn bản giả giả lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Thành Trung - chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - khẳng định: "Đây là văn bản giả mạo, không đúng!". Đồng thờ, đến sáng 13/2, sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản khẳng định văn bản cho nghỉ học đến hết ngày 21/2 là giả.

    Tương tự, ngày 6/2 trước đó, trên các trang mạng thông tin cũng xuất hiện Công văn số147/SGDĐT-VP ngày 06/02/2020 với nội dung tỉnh Sóc Trăng tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 10/2 đến hết ngày 16/2, ngày 17/2 đi học trở lại. Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng xác định đây là văn bản giả mạo, đăng tải thông tin sai sự thật.

    Văn bản thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học được sở Giáo dục& Đào tạo TP.HCM xác định là giả mạo. 

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về hành vi và mức phạt đối với người đăng tải văn bản giả mạo, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, kể từ thời gian dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virút corona (Covid-19) gây ra đã có rất nhiều thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau.

    Những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật như vậy làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình phòng, chống dịch bệnh và gây hoang mang trong dư luận. Tuy không ít trường hợp đã bị phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật nhưng tình trạng này vẫn chưa dừng lại.

    Đáng nói, các đối tượng còn lợi dụng việc học sinh, sinh viên trên cả nước được nghỉ học để tung tin đồn, gây nhiễu loạn về thời gian nghỉ, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch học tập, làm việc, sinh hoạt của các em học sinh, phụ huynh và cả chính sách phòng, điều trị bệnh hiện nay.

    Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc xác minh làm rõ người nào đã đưa thông tin này, làm rõ hậu quả đã gây ra cho xã hội để có hình thức xử lý là xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về việc tung tin đồn thất thiệt.

    Đối với hành vi đưa tin sai sự thật mà chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng, được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Nếu hành vi vi phạm là của cá nhân thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt nếu trên.

    Trong trường hợp hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội cái ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288 bộ luật hình sự.

    Riêng đối với hành vi làm giả văn bản của sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thì đây là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự

    "Người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự và có thể phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cần xử lý nghiêm các trường hợp như thế này để duy trì an ninh trật tự trên không gian mạng và để răn đe phòng ngừa chung trước tình trạng hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay", luật sư Cường cho hay.

    Cũng đồng ý kiến với luật sư Cường, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông luật) cho biết, làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức đang là vấn đề nóng trong xã hội hiện nay. Hành vi làm giả con dấu, giấy tờ để thực hiện trục lợ bất chính và hoạt động phạm tội của nhóm tội phạm này ngày càng trở nên tinh vi và thủ đoạn hơn, dẫn đến không ít người dân bị lừa và phải chịu thiệt thòi từ hành vi này.

    Giấy tờ giả có thể được xác định giả về mặt hình thức thể hiện như “chứng minh nhân dân giả, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm bằng phôi giả. Cũng có thể được thực hiện thông qua việc làm giả về quá trình, về thẩm quyền cấp, nơi cấp. Hoặc thể hiện ở trường hợp giấy tờ có chữ ký, có con dấu và mẫu giấy thật nhưng tên của người trong tài liệu và thông tin trên tài liệu là giả hoặc được cấp cho người không đủ điều kiện, không thực hiện đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định.

    Sử dụng giấy tờ giả không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận loại giấy tờ này từ người sử dụng giấy tờ giả, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho người có thông tin bị đưa ra để làm giấy tờ giả. Và trước hết, việc sử dụng giấy tờ giả còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội.

    Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 167/2013, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi Khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả.

    Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 07 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Công văn giả mạo sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sóc Trăng.

    Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội đã khiến thông tin lan truyền rất nhanh chóng. Một số người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt nhằm câu like, từ đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận.

    Tại Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

    Trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20.000.000-30.000.000 đồng đối với tổ chức, 10.000.000-15.000.000 đồng đối với cá nhân.

    Qua quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

    "Đối với người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mục đích của việc làm này. Nếu cá nhân chia sẻ nhưng không biết đó là tin thất thiệt và không vì động cơ, mục đích xấu thì được miễn xử lý. Tuy nhiên, người nào tìm kiếm, chia sẻ thông tin sai sự thật với động cơ, mục đích xấu hay tư lợi cá nhân thì cũng đủ căn cứ xử lý", luật sư Bình phân tích.

    Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

    1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Phạm tội 02 lần trở lên;

    c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

    d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

    đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

    e) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

    b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

    c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Nguyễn Phượng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-tuong-lam-gia-van-ban-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-de-phong-covid-19-bi-xu-ly-the-nao-a311714.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan