+Aa-
    Zalo

    Đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào trường phổ thông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không có gì vướng mắc khó khăn khi giảng dạy về phòng chống tham nhũng. Mỗi giáo viên cần vận dụng một cách sáng tạo, giúp các em có ý thức đấu tranh...

    (ĐSPL) - “Không có gì vướng mắc khó khăn khi giảng dạy về phòng chống tham nhũng (PCTN). Mỗi giáo viên cần vận dụng một cách sáng tạo, giúp các em có ý thức đấu tranh với hiện tượng tham nhũng ngay trong chính lớp học, nhà trường của mình”.
    Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho ý kiến xung quanh việc triển khai thí điểm giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục phổ thông.
    Vẫn còn nhiều lúng túng
    Sau khi triển khai thí điểm giảng dạy ở tám trường trung học phổ thông (THPT), ba trường đại học, cao đẳng và một trường trung cấp chuyên nghiệp, năm học 2013 – 2014, nội dung học PCTN đã chính thức được thực hiện đại trà trên tất cả các cơ sở GD&ĐT ở bậc THPT. Đây cũng là nội dung mới, được thực hiện theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy cho các sở GD&ĐT.
    Tại hội nghị tập huấn trực tuyến triển khai nội dung này của Bộ GD&ĐT, nhiều đại diện sở, trường đã bày tỏ băn khoăn trong việc lấy ví dụ khi giảng dạy về PCTN. Bởi họ sợ rằng, những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn non trẻ của học sinh.
    Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã thừa nhận, trên địa bàn thành phố có nhiều trường THPT e ngại nội dung học này vì khó lấy ví dụ thực tế và dễ làm học sinh hoang mang, lo lắng trước vấn đề tham nhũng của đất nước.
    Nhiều giáo viên khác cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm lo sợ học sinh có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến mất niềm tin về thành phần cán bộ và xã hội khi học qua nội dung PCTN.
    Thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Tổ trưởng tổ Giáo dục công dân, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đã Nẵng lại chia sẻ khó khăn với PV báo Đời sống và Pháp luật ở một khía cạnh khác.
    Theo thầy Tuân, môn Giáo dục công dân là tích hợp của nhiều nội dung học khác nhau, từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đến an toàn giao thông, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, và nay thêm nội dung PCTN.
    Ở nhiều trường, giáo viên dạy môn học này chủ yếu được chuyển từ các tổ bộ môn khác như văn, sử sang đảm nhiệm, nên quá trình truyền thụ kiến thức cho các em gặp không ít khó khăn. Mặt khác do mới được tập huấn thực hiện nên giáo viên phải từng bước vận dụng.
    “Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức. Tôi nghĩ, để công việc dạy học có kết quả tốt, giáo viên không nên giảng ngay về những hiện tượng tham nhũng mà nên đi từ những quy luật của xã hội để các em hiểu tiêu cực là mặt trái tất yếu của sự phát triển. Dẫn dụ ngay hiện tượng tiêu cực trong bài giảng, các em dễ bị choáng ngợp nhưng lồng ghép từ từ, các em sẽ hiểu. Điều quan trọng nhất là củng cố niềm tin, giúp các em hiểu bản chất xã hội này là những điều tốt đẹp”, thầy Tuân chia sẻ kinh nghiệm.
    Xung quanh việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào trường PT
    Phải đẩy lùi tham nhũng tiêu cực ngay trong chính ngành giáo dục.
    Ví dụ có ngay trong lớp học
    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề nằm ở cách mà giáo viên triển khai bài giảng cho học sinh.
    "Họ phải linh hoạt, sinh động, tinh tế. Trước khi lấy chuyện tiêu cực của xã hội để làm ví dụ, thầy cô nên hỏi học sinh về những biểu hiện tham nhũng ở chính môi trường, điều các em có thể nhận thấy và cần tránh xa", ông Vinh nói.
    Theo ông Vinh, trong mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô giáo và người cán bộ quản lý cũng có thể nảy sinh cái gọi là tham nhũng. Nếu ngay trong nhà trường, ngành giáo dục mà PCTN còn chưa triệt để thì hãy khoan nói đến những câu chuyện tham nhũng ngoài xã hội. Bài giảng về PCTN nên chỉ rõ ngay cả việc quay cóp bài, nói dối thầy cô, lười học, “chạy” điểm cho qua các kỳ thi. Đó cũng là biểu hiện của tiêu cực, của tham nhũng.
    “Không nên cho rằng, ví dụ về tham nhũng là khó, là nhạy cảm. Bởi, trên thực tế, câu chuyện tham nhũng không còn mới mẻ, xa lạ. Việc làm này chỉ khó khi bản thân giáo viên không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ của tiêu cực trong thi cử và tự thấy tâm mình không sáng. Chính phủ đang làm rất mạnh về công tác PCTN, thì không có lý do gì để ngành giáo dục thờ ơ, đứng ngoài cuộc”, ông Vinh bày tỏ quan điểm.
    Như vậy là, qua những bài học về PCTN, học sinh có thể hiểu, nếu các em lười học, "chạy" thầy "chạy" điểm, hổng kiến thức, sau này ra trường không xin được việc thì bản thân mình phải chịu hậu quả đầu tiên.
    Yếu tố tham nhũng tồn tại ngay trong mỗi con người, sẵn sàng tiềm ẩn đâu đó, chỉ đợi khi bản lĩnh yếu mềm là trỗi dậy. Vì thế, dạy về PCTN là dạy cho học sinh nhận thức đúng đắn, rèn luyện bản lĩnh bản thân, ngăn chặn sự phát triển của ý thức tham nhũng tiêu cực.
    Bản thân giáo viên phải giúp học trò có lòng tin vào giáo dục. Nhờ vào giáo dục, con người lương thiện, tử tế hơn, không tham lam những cái không phải của bản thân mình. Không có nền giáo dục nào, thầy cô nào lại dạy trò tham nhũng, tiêu cực.
    Mọi người có thể thấy rằng, nếu có một nền giáo dục tốt thì việc dạy PCTN có thể không cần thiết. Bên cạnh đó, nếu nền giáo dục còn tiêu cực thì sẽ rất khó dạy được học sinh ý thức PCTN.
    "Giáo viên cũng có thể dẫn dụ cho các em những bài học đơn giản. Như việc ở nhà, bố mẹ cho các em tiền tiêu mỗi tháng khoảng một triệu đồng nhưng các em có thể bịa ra lý do này, lý do khác để tăng số tiền gấp đôi, gấp ba lần. Như thế cũng là biểu hiện tham nhũng mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Tôi nghĩ, lấy dẫn chứng về PCTN không có gì là khó, nếu người giáo viên thực tâm với nghề và hiểu được bản chất của vấn đề PCTN", ông Vinh nhấn mạnh.
    Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng, bản chất của nghề sư phạm đã là dạy các em làm người tử tế. Vì vậy, chưa cần đến nội dung học PCTN thì ngay chính trong cách giáo dục từ ngàn xưa đã hướng các học trò tránh xa tham nhũng, tiêu cực. Cũng không nên coi chuyện một giáo viên phải được đào tạo kiến thức về xã hội, pháp luật chuyên sâu mới có thể dạy được nội dung PCTN.
    Nhiều phụ huynh, không được học chuyên ngành luật, vẫn giáo dục con cái rất tốt. Trong khi đó, giáo viên đều đã được đào tạo ở trình độ đại học hoặc cao đẳng thì kiến thức và năng lực tự học, đều có thể giảng dạy nội dung này mà không nhất thiết phải đào tạo chuyên môn sâu.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-noi-dung-phong-chong-tham-nhung-vao-truong-pho-thong-a29105.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan