+Aa-
    Zalo

    Gia cảnh cơ cực của hai cụ già 10 năm xích chân con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Cực chẳng đã, cụ Sản nhờ người xích chân con trai vào cột nhà. Song cũng vài lần, Đan nhờ đám trẻ lấy hộ con dao rựa chặt đứt xích, đòi đốt nhà, đuổi đánh bố mẹ.

    (ĐSPL)- Cực chẳng đã , vợ chồng cụ Sản nhờ người xích chân con trai vào cột nhà. Song cũng vài lần, Đan nhờ đám trẻ lấy hộ con dao rựa chặt đứt xích, đòi đốt nhà, đuổi đánh bố mẹ.
    “Lúc nó lên cơn thì dữ lắm , bị xích thế này rồi mà nhiều lần tôi bị nó ném bát cơm , hất nước mắm vào mắt cay xè, mờ tịt. Trước chưa bị xích chân , nó không bỏ nhà đi lang thang thì cũng vác dao rựa chém vợ chồng tôi mấy lần rồi. Cho nó vào bệnh viện tâm thần Ba Thá chữa trị được mấy hôm thì nó khóc lóc đập phá suốt ngày đêm. Thương xót con, chúng tôi đành xin về nhà rồi nhốt xích nó từ đó đến nay”, đó là lời tâm sự đầy nước mắt của cụ ông Trần Gia Sản (sinh năm 1936) ở thôn Vĩnh Hạ, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
    Nỗi lòng ông lão 10 năm xích chân con
    Cụ Thoa bên người con trai tâm thần và đứa cháu nội thiểu năng trí tuệ.
    Nước mắt chảy xuôi
    Ở cái thôn Vĩnh Hạ nhỏ bé, không ai là không biết đến ngôi nhà có đôi vợ chồng đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ngày ngày vẫn phải bươn chải đầu tắt mặt tối để chăm lo cho đứa con điên loạn và hai đứa cháu nội thơ dại.
    Nhắc đến người con trai Trần Văn Đan (sinh năm 1975), cụ Sản không khỏi xót xa. Ngày chưa phát bệnh, anh Đan khỏe mạnh, chăm chỉ làm lụng nức tiếng trong làng. Sau nhiều lần mai mối của người thân, cuối cùng năm 2002, anh Đan cũng bén duyên với cô gái huyện bên tên Nguyễn Thị Hưởng, hơn anh 2 tuổi, là người rất chịu thương chịu khó. Không lâu sau đó, hai đứa trẻ Trần Văn Thoáng (sinh năm 2004) và Trần Thị Hiền (sinh năm 2007) lần lượt ra đời, bụ bẫm và đáng yêu
    Cứ ngỡ từ đây niềm vui, niềm hạnh phúc đã đến với gia đình nghèo khó nơi vùng quê chiêm trũng. Nào ngờ, khi vợ chồng Đan sinh đứa thứ hai chưa được bao lâu thì chẳng hiểu sao bỗng một ngày cuối năm 2007, bệnh tật từ đâu kéo tới khiến anh Đan đang từ một thanh niên lực điền thành một kẻ tâm thần vô dụng.
     
    Những giọt nước mắt đau đớn, buồn tủi chưa kịp khô, thì lại một lần nữa, số phận nghiệt ngã vẫn bám riết lấy gia đình cụ Sản, khi đến năm 2010, hai cụ lại đối mặt với tin dữ khi người con dâu Nguyễn Thị Hưởng mang trong mình bệnh tim, bệnh ung thư giai đoạn cuối đột ngột qua đời, để lại hai cháu nội thơ dại và người con trai tâm thần.
     
    Cụ Sản cho hay, đã vài lần , cụ bị con trai trong cơn điên loạn đã hắt hết bát nước mắm đến ném bát cơm đến tím mặt. Đau điếng người nhưng cũng chẳng biết làm sao. Có lúc cụ lại bị con trai cầm dao rựa rượt đuổi khắp làng, đòi chém chết bố mẹ già. Lần nào cũng may mắn thoát chết là nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, can thiệp đúng lúc. Cuối cùng cực chẳng đã, vợ chồng cụ đành nhờ người xích chân con trai vào cột nhà. Song cũng vài lần, anh Đan nhờ đám trẻ nhỏ lấy hộ con dao rựa chặt đứt xích thoát thân rồi đòi đốt nhà, đòi đuổi đánh bố mẹ.
     
    Cố nén tiếng thở dài, cụ Sản tâm sự:Giờ tôi già rồi, sức như ngọn  đèn trước gió, nhìn việc gì cũng muốn làm, kiếm tiền nuôi con , nuôi cháu nhưng lực bất tòng tâm”.  
     
    Nhìn hai đứa cháu thơ dại, cụ lại nuốt nước mắt, tự động viên gắng gượng cho con cháu được nhờ. Nói tới đây, cụ Thoa, mẹ anh Đan lại hướng mắt ra cổng xót xa: “Cũng tội cho ông nhà tôi, vài năm nay yếu nhiều rồi, chân đi không vững, lưng còng ngang mặt đường mà vẫn phải đi làm thuê kéo phân trâu thuê cho người ta gom tiền nuôi cháu ăn học, chỉ mong chúng nhanh lớn, có đủ sức nuôi bố, chúng tôi mới yên lòng, chẳng biết ông trời có rủ lòng  thương không”.
     
    Về phần cụ Thoa, do nhiều năm bươn chải vắt kiệt sức lao động nên hiện nay cụ bị căn bệnh viêm khớp, dạ dày quái ác hành hạ nên đi lại cũng rất khó khăn.
     
    Không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn nữa nhưng để có tiền nuôi con cháu, cụ sản vẫn cố nhận 2 sào đất bồi ngoài bãi nổi, trồng táo mong kiếm thêm vài đồng đóng học cho hai đứa cháu nội. Nhưng từ ngày nhận bãi tới giờ, ông trời như thể trêu ngươi người nghèo, năm nào trúng mùa nhất cũng chỉ vừa đủ thanh toán tiền thuê bãi cho hợp tác xã. Cụ Sản thở dài như thanh minh: “Người ta khỏe thì còn có sức chăm bón tốt cho cây, còn tôi già yếu rồi, cây cũng cằn cỗi theo vì mình không có sức chăm sóc nên mới vậy. Táo của tôi trồng ra cũng xấu hơn của người khác nên không bán được giá nhưng chẳng biết làm sao, đành chịu. Gần như chỉ trồng táo để chặt cành thừa, cây cằn cỗi về phơi khô để mùa đông sưởi cho gia đình qua cơn giá lạnh. Nghĩ mà tủi nhưng số phận là vậy , không cưỡng lại được ”
     
    “ Bà ơi, mẹ con đâu….”
     
    Nhớ tới người con dâu hiếu thảo, hai cụ không khỏi ngậm ngùi: “Ngày còn sống một tay nó lo toan mọi chuyện lớn bé trong nhà. Có đợt thấy nó xanh xao, chúng tôi bảo nó đi khám bệnh , ở nhà nghỉ ngơi nhưng nó không nghe”. 
     
    Phát hiện con dâu mắc bệnh tim, bệnh ung thư giai đoạn cuối , hai cụ đã làm hết những gì có thể, cố gắng giằng được sự sống cho con. Nào ngờ vài tháng sau con dâu cụ đột ngột qua đời , để lại gắng nặng gia đình lên đôi vai héo rũ của cha mẹ già
     
    Chỉ vài tháng nữa là đầy 3 năm ngày con dâu mất, cũng là thời điểm “tắm rửa, chuyển nhà mới ” cho người con dâu xấu số. Tuy nhiên món tiền “thay áo ” cho con dâu được ngậm ngùi nơi chín suối, hai cụ có cố tới mấy cũng chỉ là chuyện xa vời….
     
    Chúng tôi đang nói chuyện với ông bà thì cô cháu gái Trần Thị Hiền bỗng tần ngần hỏi cụ Thoa: “Bà ơi, mẹ cháu đâu rồi mà mãi không về mua kẹo cho cháu? ”. Câu hỏi đó như nhát dao cứa tận tâm can ông bà, nước mắt lã chã rơi trên 2 khuôn mặt nhăn nheo của hai con người ở cái tuổi “gần đất xa trời” khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa
     
    Nhìn hai đứa cháu nội , đôi mắt mờ đục của cụ Sản ánh lên niềm vui khoe, đứa cháu gái lên 7 đã biết tới bữa ra ruộng mót rau sam về nấu canh, biết thu dọn nhà cửa giúp ông bà.
     
    Nỗi lòng ông lão 10 năm xích chân con
    Cơ thể cháu nội của cụ Sản biến dạng sau một tai nạn điện giật.
    Khi được hỏi về ước mơ tương lai sau này của mình, cháu Hiền nói sẽ mong có tiền để học tập thật giỏi để trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà và bố thoát khỏi căn bệnh nan y.
     
    Hiện tại anh Đan đang được trợ cấp 450.000 đồng / tháng nhưng số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu với thuốc thang cho mỗi lần anh lên cơn chứ nói gì đến tiền sinh hoạt cho cả gia đình và tiền đóng học cho hai đứa trẻ. Chính vì vậy, 2 chấu nhỏ của cụ Sản đang có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng
     
    Nói về trường hợp của cụ Sản, ông Lê Xuân Dân – Chủ tịch xã Sơn Công chia sẻ: “Chưa thấy ai khổ như gia đình cụ Sản. Cả hai cụ sức đã yếu, lực đã cạn nhưng hằng ngày vẫn phải oằn lưng kéo xe chở phân làm thuê cho người làng kiếm tiền nuôi hai cháu nhỏ còn thơ dại và con trai bị tâm thần bị nhốt suốt gần 10 năm qua. Qua đây đại diện cho chính quyền xã Sơn Công, chúng tôi mong các nhà hảo tâm cùng chung tay quan tâm chia sẻ cho gia đình cụ sản qua cơn bĩ cực.”
      
                                                              
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-canh-co-cuc-cua-hai-cu-gia-10-nam-xich-chan-con-a39570.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nữ tử tù có hoàn cảnh éo le

    Nữ tử tù có hoàn cảnh éo le

    Nữ tử tù ấy đang đếm ngược thời gian cảm nhận cái chết một cách từ từ, đau đớn trong căn phòng biệt giam lạnh lẽo, cô quạnh.