+Aa-
    Zalo

    Giải mã cách đại gia Trương Mỹ Lan xoay chuyển "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hàng ngàn "chân rết"

    (ĐS&PL) - Để có thể điều hành được hệ thống các công ty "ma" trong "đế chế" Vạn Thịnh Pháp", Trương Mỹ Lan khôn khéo đưa người nhà vào làm việc, nắm giữ những vị trí quan trọng để dễ bề hợp thức hóa các sai phạm. Các bộ phần trong hệ thống được chia thành 4 nhóm, có quan hệ chặt chẽ và hoạt động rất thuần thục, kín kẽ.

    Đằng sau "hệ sinh thái" Vạn Thinh Phát

    Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị.

    Trong 86 bị can, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

    Trong nhóm cán bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - NHNN, bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ. Bị can Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN - bị đề nghị tội Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ.

    Bị can Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Văn Lang và Công ty Capella, bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Các bị can khác bị cáo buộc các tội danh: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Hiện, còn 7 bị can là cựu lãnh đạo SCB vẫn đang bị Bộ Công an truy nã.

    giai ma cach truong my lan xoay chuyen de che van thinh phat voi hang ngan chan ret2
    Trụ sở Tập đoàn VTP ở TP.HCM. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư.

    Cơ quan điều tra đã xác định được chiêu thức hoạt động theo một hệ thống thống nhất trong và ngoài nước của Vạn Thịnh Phát dưới sự điều hành của Trương Mỹ Lan. Theo Cơ quan CSĐT, hệ sinh thái VTP được xây dựng và hoạt động theo mô hình Công ty CP Tập đoàn VTP giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Tập đoàn VTP với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản (BĐS), nhà hàng, khách sạn...

    Theo Tạp chí Nhà đầu tư, để dễ bề hoạt động, Trương Mỹ Lan đã cùng các đồng phạm tạo dựng lên một hệ sinh thái VTP với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn VTP; được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể:

    Nhóm 1 - nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công vụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái VTP.

    Trong nhóm định chế tài chính, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được bị can Trương Mỹ Lan sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái. Mọi hoạt động của ngân hàng này đều cơ bản phục vụ hoạt động của nữ chủ tịch tập đoàn. Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát", bị can Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần rồi thao túng. 

    Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 01/01/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 01/01/2018.

    Nhóm 2 - nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhà hàng, khách sạn ... đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chỉ phối các công ty con, công ty thành viên, như Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...

    Nhóm 3 - nhóm các công ty được gọi công ty "ma" tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công...

    Nhóm 4 - mạng lưới công ty tại nước ngoài, bà Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan tại nước ngoài.

    Chiêu thức "gia đình trị" trong "đế chế" Vạn Thịnh Phát

    Rất dễ để thấy được những người đứng đầu trong hệ thông các doanh nghiệp của "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát đều có quan hệ huyết thống với Trương Mỹ Lan, hoặc phần nhiều là quan hệ thân quen. Chỉ đối với các công ty "ma" nhằm mục đích lập hồ sơ khống để rút ruột chiếm đoạt cả ngàn tỷ của SCB, mới được thuê người để thực hiện.

    Công ty CP Tập đoàn VTP có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật: Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc chính là cháu bà Lan. Tập đoàn này gồm 4 cổ đông gồm: Trương Mỹ Lan sở hữu 60% cổ phần; bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng), con Trương Mỹ Lan, sở hữu 10%; bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn), con gái Trương Mỹ Lan, sở hữu 10%; Công ty CP Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân, sở hữu 20%.

    HĐQT gồm 6 thành viên gồm: Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT; Ngô Thanh Nhã, Phó Chủ tịch HĐQT; 4 thành viên HĐQT là bà Chu Duyệt Hằng, bà Chu Duyệt Phấn, ông Trương Lập Hưng (cháu bà Lan), Trương Huệ Vân.

    giai ma cach truong my lan xoay chuyen de che van thinh phat voi hang ngan chan ret0
    Trương Mỹ Lan xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với sự giúp sức của người nhà, trong đó có cháu gái ruột Trương Huệ Vân. Ảnh: VNE.

    Tương tự, ở Công ty CP Tập đoàn Đầu Tư VTP, vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng. Tổng Giám đốc là Ngô Thanh Nhã chính là em dâu bà Lan. Công ty gồm 4 cổ đông: Tập đoàn VTP, sở hữu 49% cổ phần; bà Chu Duyệt Hằng sở hữu 15,5%; bà Chu Duyệt Phấn sở hữu 15,5%; Công ty CP Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân, sở hữu 20%.

    HĐQT gồm 3 thành viên: Ông Trương Chí Trung (em bà Lan), Chủ tịch HĐQT; Ông Trương Lập Hưng và Trương Huệ Vân là thành viên HĐQT. Các dự án đầu tư do Công ty Đầu tư VTP làm chủ đầu tư: Dự án Khu dân cư Sterling Residence thuộc Khu II - Khu 6A thuộc Khu chức năng số 6A - Đô thị mới Nam Thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM với quy mô 264.633 m2 và nhiều dự án, hợp đồng khác.

    Trong khi, Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân. Người đại diện pháp luật Nguyễn Ngọc Dương, Tổng Giám đốc (đã qua đời). HĐQT gồm: Trương Vincent Kinh, Chủ tịch và 2 thành viên: Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Phương Anh.

    Còn tại Công ty CP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú, vốn điều lệ 2.868 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là Trương Huệ Vân, sở hữu 50,50% cổ phần.

    Bên cạnh đó, còn có một số công ty có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho nhóm VTP gồm: Công ty CP Tập đoàn Quản lý BĐS Windsor; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông; Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam; Công ty CP Xuất nhập khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc; Công ty TNHH Vinametric…

    "Cánh tay phải" đắc lực là người cháu ruột Trương Huệ Vân

    Có thể thấy, người được Trương Mỹ Lan đặc biệt tin tưởng giao nhiều chức vụ quan trọng là Trương Huệ Vân. Trước khi bị bắt, Vân đứng tên cho 35 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

    Trương Huệ Vân sinh năm 1988, là người Việt gốc Hoa, cháu gái của chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Bà Vân là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, được biết đến là người có ảnh hưởng lớn trong "đế chế" Vạn Thịnh Phát, tin trên báo Tuổi trẻ.

    Từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật (50 khoản vay), tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.

    Kết quả điều tra xác định tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay trên liên quan đến Trương Huệ Vân còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cáo buộc đủ căn cứ xác định nữ tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát Trương Huệ Vân đã thực hiện hành vi giúp sức, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội "tham ô tài sản".

    Vân chịu trách nhiệm liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ đồng.

    Để hành vi phạm tội không bị phát hiện, Trương Mỹ Lan đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, trước tiên bằng hệ thống các loại công ty có mối quan hệ chằng chịt, kỳ thực đều do một tay bà ta chi phối theo mục đích riêng của bản thân. 

    Kết quả điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu, theo báo Công an TP.HCM

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-cach-truong-my-lan-xoay-chuyen-de-che-van-thinh-phat-voi-hang-ngan-chan-ret-a600245.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan