+Aa-
    Zalo

    Giải mã trận lôi đình khi đấng mày râu nổi máu Hoạn Thư

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liên tiếp những thông tin về những vụ án chồng sát hại vợ, người tình đốt nhau, chồng ghen vợ ném con xuống sông… khiến nhiều người hoang mang, kinh hãi.

    (ĐSPL) - Liên tiếp những thông tin về những vụ án chồng sát hại vợ, người tình đốt nhau, chồng ghen vợ ném con xuống sông… khiến nhiều người hoang mang, kinh hãi.

    Chứng kiến sự dày đặc các cuộc ghen tuông đình đám của giới mày râu cũng đủ thấy có một loại “vũ khí” nổ chậm còn kinh khủng hơn cả bom nguyên tử. Vậy mà ít ai biết rằng, phía sau cơn “bão tố”, còn ẩn chứa cả những giọt nước mắt đắng chát...

    Kinh hoàng “Cơn ghen của đàn ông”

    Mới đây, ngày 25/5, trong cơn ghen tuông điên loạn Trần Hữu Toàn (SN 1977, ngụ tại TP.Long Xuyên, An Giang) đã dùng xăng đốt người yêu dẫn đến thiệt mạng. Nạn nhân trong tình trạng bỏng nặng ở vùng ngực và bụng, phải đưa đi cấp cứu. Toàn khai do quá ghen tuông nên định mang xăng theo hù dọa người yêu, sau đó, Toàn nổi điên đã đổ xăng lên người nạn nhân rồi bật lửa đốt.

    Đầu tháng 4/2015, trong cơn cuồng ghen, chỉ vì vợ mặc váy ngắn đi ăn cưới, một cán bộ kho bạc tỉnh Hải Dương (Vũ Trung Hiếu, 41 tuổi) đã đánh vợ vỡ tim, rách phổi, gãy 13 xương sườn dẫn đến tử vong. Cũng trong tháng 4/2015, thầy giáo V.Đ.T.C. (Nghĩa Trung, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nghi vợ ngoại tình khi chị này đang đi bón phân ngoài ruộng. Ông C. đã bắt vợ về nhà, đánh đập không thương tiếc dẫn đến đa chấn thương, phải cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.

    Ảnh minh họa.

    Ngày 23/2/2015 (mùng 3 Tết), Lục Văn Dùng (SN 1984, trú tại Mường Khương, Lào Cai) vì nổi máu ghen tuông, nghi vợ có quan hệ bất chính đã ra tay giết vợ ngay trong ngày tết. Vợ Dùng đã tử vong trên đường đi cấp cứu vì những nhát dao oan nghiệt.

    Trước đó, vào cuối năm 2014, Võ Văn Luận (SN 1985, quê An Giang) đã bóp cổ vợ đến chết ngay tại nhà trọ tại tỉnh Bình Dương. Luận khai nhận vì thấy vợ nói chuyện và nhắn tin điện thoại với một người lạ nên y nổi cơn ghen.

    Xin mượn một truyện ngắn của ông vua phóng sự đất Bắc một thời – Vũ Trọng Phụng – để làm tiêu đề phụ cho bài viết này, ngõ hầu sáng tỏ thêm chút ít về chuyện ghen của đấng mày râu. Khi đó, ông vua phóng sự đất Bắc cho ra đời truyện ngắn “Cái ghen đàn ông” kể chuyện anh giáo Hiển tra bức quá khứ của người vợ yêu rồi suy diễn, dằn vặt nàng đến nỗi nàng trầm cảm gầy mòn mà chết sau cơn hậu sản.

    Trong tiếng Hán, chữ ghen có bộ nữ đi kèm – cứ như thể ghen là phẩm chất đặc thù của đàn bà vậy. Lục tìm cổ kim, đông tây thấy trong văn chương kịch nghệ, dễ dàng điểm mặt chỉ tên những “nhân vật điển hình” cho chứng “ba máu sáu cơn” của đàn bà. Nào Hoạn Thư, đào Huế, cả cô vợ cả trong bức “Đánh ghen” của tranh Đông Hồ... Thế còn đàn ông thì sao?

    Để tìm hiểu rõ hơn cái sự ghen của đám mày râu, cánh PV chúng tôi phải cất công mời cho được chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn – người được ví như rành nhất về chuyện ghen trên mạng.

    Theo vị chuyên gia này, ghen tuông là cảm xúc tự nhiên của mọi người khi họ cảm thấy cái gì đó thuộc sở hữu của mình có nguy cơ bị người khác lấy mất, không phụ thuộc vào tuổi tác. Ghen tuông cũng không phải vì yêu, mà chủ yếu vì “tinh thần sở hữu”, nghĩa là “của tao”, dù không dùng đến cũng kệ tao, không ai được đụng đến. Nó giống như việc đứa trẻ, bình thường vứt kẹo bánh lung tung vì không muốn ăn, nhưng trẻ hàng xóm sang cầm kẹo của nó, nó lao vào giữ, lăn ra khóc ăn vạ. Trẻ ghen đã đành, già lại càng ghen... kinh khủng hơn.

    Ví như câu chuyện sau, nhà ông H. có mỗi cô con gái, nên khi lấy chồng, con rể dọn về ở cùng ông bà. Tuy đã ngoài 60, nhưng vợ ông H. còn “nhuận sắc”, trong khi ông đã hom hem. Đi đâu vợ ông cũng nhờ con rể đưa đi. Ngồi quán nước có mấy người “độc mồm” bảo ông già yếu, còn bà vẫn sung sức, không làm được gì nữa là bà ấy tìm “của lạ” ngay.

    Rồi có ông bồi thêm một câu: “Thời buổi này chuyện con rể với mẹ vợ không hiếm”. Nỗi hờn ghen cứ lớn dần trong ông. Rồi một đêm ông bắt bà mở toang cửa phòng ngủ vợ chồng để ông “làm việc”. Bà bảo, ông dở người à, làm thế con cái nó cười cho. Ông cương quyết đòi “làm” khi cửa phòng mở. Ông bảo để con rể thấy ông vẫn khỏe, không phải “nhờ” đến nó. Bà kiên quyết ra đóng cửa, bảo ông nghĩ vớ vẩn, nhưng ông không cho đóng. Giằng co nhau thế nào, bà bị ông đẩy ngã đập đầu vào thành giường, ngất lịm, phải đưa đi cấp cứu.

    Già có kiểu ghen của già, vậy giới mày râu trẻ thì sao. Bản báo xin không bình luận về những hành động của họ là đúng hay sai, mà chỉ đưa ra những ví dụ để mô tả ngọn nguồn cho những cơn ghen của đàn ông. Vô tình để lộ mình có facebook riêng, Th. bị chồng ghen dữ dội. Nguyên nhân là vì trên fecebook còn sót lại một đoạn Th. viết về người yêu cũ. Ph. – chồng Th. nhất định cho rằng, vợ mình và gã bạn trai cũ còn quan hệ mờ ám với nhau.

    Mặc Th. ra sức thanh minh: “Chuyện đó là quá khứ rồi, anh ấy đã du học bên Pháp”. Nhưng đời nào Ph. tin, Ph. cho rằng, “tình cũ không rủ cũng đến” là điều tất nhiên, bởi bản thân anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh đó.

    Khác với Ph., lý do khiến H. nghi ngờ vợ là vì anh này đã từng “trăng hoa” vô tổ chức. Y. – vợ H. đã quá quen với việc đi “đánh ghen” nên chán nản buông xuôi: “Anh đi đâu thì đi, đừng mang bệnh về cho vợ là được”. Có khi cả tháng trời, Y. ôm gối sang phòng con ngủ, mặc chồng “nằm không”. H. cho rằng, nhất định vợ đã dan díu với kẻ khác nên mới thờ ơ với chồng như thế.

    Tìm mãi không được bằng chứng lật tẩy vợ, H. lại xuất hiện tâm lý ghen tuông bóng gió. Hễ thấy vợ đặt điện thoại ở chế độ rung, H. "mát mẻ": “Sợ tôi phát hiện trai gọi hay sao mà phải để chế độ rung” dù Y. đã một mực giải thích: “Em sợ con nghe tiếng chuông điện thoại nên giật mình”. Hôm nào vợ trang điểm đẹp để đi ăn cưới, H. nhếch miệng bảo: “Kiếm thằng nào mà ngủ qua đêm rồi hãy về. Cô xinh đẹp thế cơ mà?”, khiến Y. luôn trong trạng thái bị nghi ngờ, cạnh khóe.

    Còn trường hợp của Tr. thì phi lý hơn. Sau hồi trai trẻ “bôn ba trên tình trường”, Tr. cưới được cô vợ ngoan hiền, tốt tính. Thế mà, mỗi lần thấy vợ tươi cười với bất kỳ người đàn ông nào, Tr. như ngồi trên đống lửa. Anh cứ hình dung ra cảnh vợ mình cũng “dễ dãi” như các cô nhân tình của anh trước đây, những lúc như vậy, anh muốn “phát điên”.

    Hàng ngày, Tr. phải gọi điện “kiểm tra” vợ hàng chục lần mới yên tâm. Có lần, L. – vợ Tr. đi du lịch cùng cơ quan. Hôm ấy, điện thoại di động của L. hết pin nên cô phải mang sang phòng đồng nghiệp nam bên cạnh xin sạc nhờ. Tr. gọi điện cho vợ thì có một giọng đàn ông bắt máy. Ngay sau đó, Tr. hùng hổ bắt xe đến tận nơi vợ đang nghỉ mát, làm ầm cả đoàn, vợ anh được phen bẽ bàng.

    “Cuồng phong” cuốn tan cửa nhà

    Nhiều chuyên gia tâm lý khi được cánh PV tham vấn đều có chung nhận định, đàn bà ghen tuông là để phòng ngự, nên thường ghen bóng ghen gió, còn đàn ông đã ghen là ghen thật sự. Đàn bà ghen với mục đích bảo vệ hạnh phúc gia đình, nên họ sẽ trút căm hờn vào kẻ thứ ba.

    Ngược lại, với đàn ông, cơn ghen xuất hiện khi cái thể diện của họ có nguy cơ đem ra thành trò đàm tiếu của thiên hạ, nên cơn ghen sẽ tập trung vào “người nhà” để rửa mối nhục bị cắm sừng. Trên mặt báo, trong đời thực, chẳng thiếu những chuyện đàn bà tổ chức những cuộc đánh ghen để “trả nợ”, còn đấng mày râu lẳng lặng đánh đập, thậm chí là đốt nhà, giết vợ... để rửa hận.

    Đàn bà xưa nay vốn “sâu sắc như cơi đựng trầu”, buồn đau, giận dữ thường khó giấu. Họ luôn có nhu cầu bộc bạch, chia sẻ về mối lo, nỗi bất hạnh của mình với những người thân quen nên cái năng lượng dồn vào cơn ghen cũng phần nào tản bớt.

    Trong khi đó, đàn ông “nông nổi giếng khơi”, sợ bị coi là yếu đuối, tầm thường, nhỏ nhen nên ngấm ngầm chịu đựng tích gió thành bão và khi bão nổi thì đổ nhà, nát quán là chuyện thường. Cũng tương tự thế, đàn bà sau cơn ghen có thể dễ dàng tha thứ cho đối phương và đầy thiện chí sống tiếp, trong khi tính ích kỷ thường trực trong đàn ông khiến họ chẳng dễ bỏ qua. Và đương nhiên, khi đã xảy ra cơ sự ghen tuông thì tình cảm vợ chồng cũng khó mà toàn vẹn.

    Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thương Huyền (viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam), ghen là một trạng thái tâm lý, xuất phát từ suy nghĩ, nhận thức dẫn đến hành động. Ghen thường được biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau và được chia thành nhiều loại.

    “Phạm vi ảnh hưởng” của ghen tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như môi trường sống, nhận thức, tính cách của từng cá nhân. Hơn hẳn chị em ở sức mạnh thể chất, đàn ông khi ghen dễ dàng chuyển từ giận dữ sang bạo lực mù quáng. Họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người họ yêu, người chung sống với họ. Chính vì vậy, hậu quả thật khó lường.

    Từng gắn bó với nhiều công trình nghiên cứu văn hóa gia đình, nhà nghiên cứu Thương Huyền nhận định: Những người làm cha, làm mẹ đã dùng chính bàn tay của mình để đập tan hạnh phúc, mái ấm của chính mình. Những kết thúc đắng lòng như cha ngồi tù, mẹ mất, con thơ mồ côi, để lại nỗi đau, sự mất mát cho những người thân xung quanh và cả xã hội.

    Đây không chỉ là bức tranh nhiều mảng tối, phản ánh sự suy thoái nhân cách của riêng một cá nhân hay gia đình nào mà là một thực trạng nhức nhối, sự bức xúc và nỗi lo của xã hội. Chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn về xã hội hiện nay để có một cái nhìn đúng đắn, đồng thời làm bài học cá nhân cho mỗi người.

    “Thật buồn cười là có nhiều bà vợ phải thấy chồng ghen lồng lộn lên thì mới yên tâm là anh ấy yêu mình. Đây là loại phụ nữ yếu đuối tình cảm. Họ luôn muốn chồng mình tỏ ra nồng nàn với mình và chọn cách hay nhất là lả lơi với người khác để anh ấy phát sốt lên vì ghen thì mới thỏa mãn. Thường thì người chồng tưởng thật và bị mắc bẫy ghen tuông. Nhưng trò chơi này cũng nguy hiểm như con dao hai lưỡi. Có khi anh ta không ghen mà âm thầm trao tình cho người con gái khác thì rắc rối to”, nhà nghiên cứu Thương Huyền chia sẻ.

    Chuyên gia tâm lý gia đình Tống Thị Thu Hương (đại học FPT): Khi bị “cầm tù”, người phụ nữ dễ dẫn đến ngoại tình

    Thực tế cho thấy, khi người phụ nữ ghen, cuộc sống gia đình sẽ lâm vào tình trạng đảo lộn, cơm không lành, canh không ngọt. Còn nếu người đàn ông ghen thì cuộc sống gia đình như chìm trong tù ngục. Khi chồng hay ghen, cứ xét nét, cấm đoán, nghi kỵ, kiểm soát người vợ quá mức khiến cho cuộc sống và sinh hoạt vợ chồng trở nên ngột ngạt.

    Người vợ sẽ cảm thấy như bị cầm tù trong cuộc hôn nhân của mình. Và khi mà người ta mất đi sự tự do, họ sẽ rơi vào sự tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh ấy, nếu nhận được sự sẻ chia, động viên, an ủi của những người đàn ông khác, họ rất dễ xiêu lòng và dẫn đến ngoại tình.

    Qua nhiều năm tư vấn tâm lý gia đình, tôi nhận ra rằng, việc ngoại tình hầu hết xảy ra do vợ chồng không có tiếng nói chung, thiếu sự quan tâm chia sẻ. Khi cuộc sống gia đình tù túng thì cả hai đều dễ dàng sa ngã vào những mối quan hệ ngoài luồng.

    Điều tôi muốn nói là những ông chồng hay ghen không biết rằng chính những hành xử không đúng của mình đôi khi lại dẫn đến những kết quả đau lòng, không mong muốn.

    TS. Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng: Cần loại bỏ những đặc quyền của đàn ông

    Qua nghiên cứu cũng như thực tế cho thấy, vấn đề bạo lực gia đình phần lớn xuất phát từ ghen tuông. Không ít đàn ông ghen một cách mù quáng dẫn đến không kiểm soát được hành vi, có những đối xử cực đoan, thậm chí dã man đối với vợ của mình. Một trong những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tư tưởng của người Việt qua nhiều thế hệ chính là tư tưởng đặc quyền của người đàn ông.

    Họ cho rằng mình có quyền sở hữu về tài sản, nhà cửa và sở hữu cả vợ, tức là vợ của riêng họ. Từ xưa đến nay, nhiều người chồng vi phạm đạo đức, lối sống nhưng gần như xã hội vẫn chấp nhận, xem đó như đặc quyền đàn ông được hưởng, còn phụ nữ thì không. Trong khi đó phụ nữ luôn phải sống nghiêm túc, khép mình, thủy chung với chồng, chỉ cần có một điều tiếng gì dù là nhỏ cũng sẽ bị làng xóm, xã hội chê cười. Cần thiết hơn hết để kéo gần khoảng cách bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cần phải bỏ những đặc quyền của đàn ông.

    TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển xã hội: Đã đến lúc xã hội cần thay đổi cách hành xử với phụ nữ

    Xã hội thường khắt khe với phụ nữ và phần nào ưu ái đàn ông hơn. Những hành vi để trừng phạt người phụ nữ được cho là không đoan chính lại được xã hội nhất loạt đồng tình. Trong khi đó, người đàn ông, nếu mắc lỗi thì xã hội lại dung dưỡng, bao che, tặc lưỡi “đàn ông như thế là bình thường” và sẵn sàng tha thứ.

    Khi người đàn ông ghen tuông một cách mù quáng, vô căn cứ dẫn đến xúc phạm, đánh đập phụ nữ, xã hội cũng cho là bình thường. Sự phân xử đúng sai của chị em, không phải là nắm đấm, vũ lực, càng không phải là mạng người, như thế thật bất công với phụ nữ bởi họ cũng làm việc như đàn ông, ngoài ra còn thiên chức chăm sóc con cái. Đã đến lúc xã hội cần thay đổi cách hành xử theo tập quán xưa cũ, góp phần chống bạo lực gia đình, để người phụ nữ được bình đẳng như nam giới trong xã hội hiện đại.

    Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất: Khi đàn ông ghen sẽ không kiểm soát được suy nghĩ và hành động

    Đàn ông nổi máu Hoạn Thư không hẳn do vợ đi lăng nhăng với người đàn ông khác, đôi khi đó chỉ là do cách ăn mặc, hoặc có những cử chỉ khác lạ, thái độ coi thường chồng. Với người đàn ông, một khi đã ghen thì họ không dễ dàng bao dung, tha thứ.

    Họ nghĩ một nửa của mình phản bội, có tâm lý bị “cắm sừng”, cảm thấy nhục nhã với chính mình và gia đình nên dễ bùng phát những hành động thiếu suy nghĩ. Lúc này, họ như một con thú, không thể kiểm soát được cả suy nghĩ và hành động của mình.

    Theo tôi, ghen tuông vừa là gia vị của tình yêu vừa là dấu hiệu cảnh báo sự rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng. Mỗi người có rất nhiều mối quan hệ trong xã hội, trong đó có những người bạn khác giới, có thể là bạn học, bạn thân, bạn đồng nghiệp... và từ những mối quan hệ này, nếu không thấu hiểu, mất lòng tin dễ dẫn đến sự ghen tuông từ chồng hoặc vợ của mình.

    TS. Hoàng Thị Nga (khoa Xã hội học, đại học Công Đoàn): Sợ “vạch áo cho người xem lưng”, phụ nữ luôn chịu thiệt thòi

    Trước đây, nhiều người thường nghĩ “yêu thì mới ghen”, “càng yêu thì càng ghen”. Việc ghen tuông thường gắn với người vợ như “ớt nào là ớt chẳng cay,...”. Cách hiểu này đã không còn phù hợp trong xã hội hiện đại, bởi đàn ông cũng ghen, nhiều ông ghen một cách mù quáng, theo cách rất tàn nhẫn với một nửa thân yêu của mình.

    Khi cơ hội dành cho người phụ nữ ngang bằng nam giới thì người phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội tham gia các công việc xã hội, tham gia các nhóm, tổ chức đoàn thể cũng như mối quan hệ xã hội ngày càng được mở rộng hơn. Bởi vậy, khi bị chồng bạo hành, thay vì nhẫn nhịn chịu đựng, không nói với ai vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”, thì nay phụ nữ nên tố cáo bạo lực gia đình, tố cáo hành vi bạo lực của những người chồng đối với vợ trước xã hội và pháp luật.

    Chúng ta đã có luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhưng trên thực tế chưa có hiệu quả bởi nhiều người còn bị ảnh hưởng từ yếu tố văn hóa xóm làng, họ hàng. Luật quy định đầy đủ, chế tài nghiêm minh, nhưng ai sẽ là người đứng ra tố cáo, ai là người đứng ra xử phạt? Điều này nói lên sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn hạn chế, chưa làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình khiến nạn bạo lực gia đình ở nước ta vẫn bùng phát.

    Cuồng ghen có dấu hiệu của bệnh tâm thần

    Theo nghiên cứu của trung tâm Điều trị các chứng hoảng loạn và chấn thương tinh thần ở New York và New Jersey (Mỹ), giận dỗi, ghen tuông là gia vị cần thiết trong tình yêu. Tuy nhiên, khi sự nghi ngờ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày và phá hoại mối quan hệ của bạn, nó không còn ngọt ngào nữa mà trở thành một dấu hiệu của bệnh tâm thần.

    Các chuyên gia tâm lý đã phân loại “bệnh cuồng ghen” và thái độ ngờ vực bản thân trong quan hệ tình cảm là sự rối loạn ám ảnh, cưỡng chế tình cảm. Đây là một dạng rối loạn lo âu khiến người bệnh có những ý nghĩ, cảm xúc lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, khiến họ có những hành vi không kiểm soát được, luôn ám ảnh bị phản bội hay giận dỗi khi không được quan tâm. Người mắc “bệnh cuồng ghen” rất dễ bị kích động bởi một cuộc điện thoại, một vài giọng nói hoặc cách mà bạn tình của họ rời khỏi nhà. Từng bị lừa dối trong quá khứ cũng là một nguyên nhân mắc chứng cuồng ghen.

    Trần Quyết - Vũ Phương - Văn Chương 

    Xem thêm video:

    [mecloud]uMna4AxIML[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tran-loi-dinh-khi-dang-may-rau-noi-mau-hoan-thu-a97896.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.