+Aa-
    Zalo

    Giám đốc Sở đưa tiền cho nhà báo có bị xử lý?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, nếu có căn cứ xác định Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái đưa 200 triệu đồng cho PV Duy Phong để giảm nhẹ sai phạm thì hành vi này là hành vi “đưa hối lộ

    Theo luật sư, nếu có căn cứ xác định Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái đưa 200 triệu đồng cho PV Duy Phong để giảm nhẹ sai phạm thì hành vi này là hành vi “đưa hối lộ”. Tuy nhiên, nếu chủ động khai báo với cơ quan chức năng trước khi sự việc bị phát giác, thì Giám đốc Sở sẽ được miễn trách nhiệm hình sự…

    Tại buổi họp báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thông tin, theo báo cáo của Công an tỉnh Yên Bái, ngày 16/6, phóng viên Duy Phong lên Yên Bái, gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái nêu một số vi phạm của Sở, yêu cầu đưa 200 triệu đồng để giải quyết vụ việc.

    "Ông Sáng không có đủ tiền nên giao trước 100 triệu đồng. Số tiền còn lại đã được chuyển nốt vào buổi chiều”, trung tướng Tuyến thông tin.

    Vấn đề này khiến dư luận băn khoăn, hành vi của ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái sẽ bị xử lý như thế nào?

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi đưa hối lộ được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

    Luật sư Đặng Văn Cường – văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội

    Đối chiếu với quy định pháp luật theo điều 289 BLHS thì nếu có căn cứ xác định ông Giám đốc Sở đưa 200 triệu đồng cho PV Duy Phong ( PV này có chức vụ, quyền hạn trong việc viết bài đăng tin…) để giảm nhẹ sai phạm thì hành vi này là hành vi đưa hối lộ.

    Tuy nhiên, khoản 6, điều 289 BLHS cũng quy định: "Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ."

    Vì vậy, nếu vụ việc này thuộc trường hợp quy định tại khoản 6, điều 289 BLHS thì ông Giám đốc Sở này có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

    Nhận định thêm về vụ việc nhà báo Duy Phong bị Cơ quan CSĐT - Công an TP Yên Bái khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định pháp luật thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 280 BLHS thì chủ thể của tội danh này là chủ thể đặc biệt: Là người có chức vụ, quyền hạn.

    Người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

    Khái niệm chiếm đoạt ở đây có thể hiểu là việc chuyển quyền sở hữu tài sản bất hợp pháp, ép buộc chủ thể khác phải chuyển giao tài sản cho người có chức vụ một cách miễn cưỡng. Còn nếu là tặng cho, là tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu tài sản như là cảm ơn,tặng quà... mà không có sự cưỡng ép, đe dọa thì cũng không thể xác định là "chiếm đoạt".

    Như vậy, trong vụ việc bắt giữ nhà báo Duy Phong ở trên thì cơ quan điều tra cần làm rõ yếu tố chủ thể, hành vi và động cơ, mục đích của nhà báo Phong thì mới xác định được anh Phong có phạm tội theo Điều 280 BLHS hay không.

    Nếu mối quan hệ nhận tiền doanh nghiệp của anh Phong không phải là hành vi "chiếm đoạt", mà việc giao tiền này là hoàn toàn tự nguyện như quà tặng hoặc thanh toán trong quan hệ dân sự thì không đủ căn cứ kết tội anh Phong. Khi đó sự việc cũng giống như câu chuyện doanh nghiệp tặng xe ô tô sang cho cơ quan, lãnh đạo cơ quan Nhà nước trong thời gian qua mà báo chí đã phản ánh.

    Ngoài ra, nếu hành vi nhận tiền của anh Phong không vì lý do "chức vụ, quyền hạn", không nhân danh chức vụ, quyền hạn để nhận tiền thì anh Phong cũng không phải là chủ thể của tội danh này.

    Vấn đề này cơ quan điều tra cần làm rõ để đảm bảo tính khách quan, công bằng và đúng quy định pháp luật.

    Theo báo Tuổi trẻ, ngày 28/6, Văn phòng Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin tình hình kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm.

    Đề cập việc Công an Yên Bái bắt giữ nhà báo Lê Duy Phong (Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) ông Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết đã nhận được báo cáo về vụ việc từ Công an TP Yên Bái.

    Theo tài liệu điều tra, ngày 16/6, ông Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Yên Bái cung cấp một số thông tin vi phạm liên quan đến ông Sáng và yêu cầu chuyển 200 triệu để bỏ qua những sai phạm này. Thời điểm đó ông Sáng không đủ tiền nên chuyển trước 100 triệu đồng, buổi chiều ông Sáng tiếp tục chuyển cho ông Phong 100 triệu đồng nữa.

    Cũng theo báo cáo của Công an Yên Bái gửi Bộ Công an, từ các thông tin nắm được, ngày 22/6 cơ quan Công an đã bắt quả tang nhà báo Duy Phong đang nhận 50 triệu của một doanh nghiệp. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Duy Phong để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

    Liên quan đến hành vi đưa tiền của ông Sáng, trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết cơ quan công an đang tập trung điều tra làm rõ và không thể trả lời khi chưa có kết luận.

    “Sau khi có kết quả điều tra nếu đủ căn cứ việc đưa hối lộ thì xử lý. Vụ án mới bắt đầu, cơ quan công an cần thời gian để điều tra khách quan”, ông Tuyến nói.

    Tiểu Phương (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giam-doc-so-dua-tien-cho-nha-bao-co-bi-xu-ly-a194695.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan