+Aa-
    Zalo

    Giàn khoan Trung Quốc: Từ 'cơ bắp' tới học thuyết Monroe

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc Trung Quốc cho triển khai giàn khoan ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam là ví dụ điển hình mới nhất cho chủ nghĩa đơn phương "cơ bắp" của Trung Quốc.

    Việc Trung Quốc cho triển khai giàn khoan ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam dưới sự hộ tống của tàu bán quân sự, máy bay là ví dụ điển hình mới nhất cho chủ nghĩa đơn phương "cơ bắp" của Trung Quốc.
    Đổi lại, với những hành động khiêu chiến trên, Trung Quốc đang tự cô lập mình và nhận được vô số sự phản đối, chỉ trích từ quốc tế, các cuộc biểu tình lớn nhỏ không chỉ từ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia Châu Á khác.
    Giàn khoan TQ: Từ 'cơ bắp' tới học thuyết Monroe

    Tàu chiến Trung Quốc phô trương sức mạnh.

    Chuyến đi bành trướng sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông
    Báo The Australian vừa đăng bài viết của GS Alan Dupont, chuyên ngành an ninh quốc tế của Đại học New South Wales phân tích, đánh giá về những "chuyến đi bành trướng sức mạnh" đến các quốc gia láng giềng trong khu vực Biển Đông thời gian gần đây, cũng như đưa ra một số nhận định về lý do Trung Quốc đưa ra một chiến lược sai lầm và những ảnh hưởng, hậu quả mà Bắc Kinh chưa lường trước được.
    Theo GS Alan Dupont thì một điều hiển nhiên dễ nhận thấy là thời gian gần đây Trung Quốc đang có ý định thách thức hiện trạng ở Châu Á, thông qua việc sử dụng cưỡng chế bằng sức mạnh thể hiện qua tiềm lực kinh tế và quân sự ghê gớm của nước mình.
    Bằng chứng rõ ràng nhất tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược thống trị các vùng biển cùng tài nguyên xung quanh.
    Tác giả nhận định rằng, việc Trung Quốc cho triển khai một giàn khoan dầu ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam dưới sự hộ tống của tàu bán quân sự, máy bay là ví dụ điển hình mới nhất cho chủ nghĩa đơn phương "cơ bắp" của Trung Quốc. Và rõ ràng, đây là một quyết định chiến lược tính toán trước đã được phê duyệt ở cấp cao nhất của Bắc Kinh.
    Không chỉ riêng với Việt Nam, Trung Quốc còn thực hiện mô hình cưỡng chế và đơn phương sử dụng sức mạnh "cơ bắp" đối với nhiều nước quốc gia láng giềng khác.
    Kể từ năm 2010, Trung Quốc tiến hành leo tháng quân sự trên biển tại cả hai vùng Biển Đông và Nam Trung Quốc về mặt số lượng và quy mô. Trung Quốc triển khai hạm đội đánh bắt cá lớn nhất thế giới, tổ chức các tàu thực thi pháp luật và giám sát đội đánh cá, trong đó, phần lớn các tàu được trang bị vũ khí.
    Chiến thuật "cá, bảo vệ, tranh chấp, chiếm giữ" được các tàu đánh cá Trung Quốc áp dụng như một phương án hoàn hảo, "bật đèn xanh" cho Chính phủ nước này. Nếu quốc gia đối phương có những biện pháp ngoại giao phản đối hoặc thách thức sự hiện diện của Trung Quốc, ngay lập tức, các tàu bán quân sự sẽ được điều đến "điểm nóng" với nhiệm vụ "bảo vệ ngư dân Trung Quốc" và tiến hành chiếm đóng hoặc thường xuyên lui tới rặng san hô, đảo gần đó.
    Đổi lại với những hành động khiêu chiến trên, Trung Quốc đang tự cô lập mình và nhận được vô số sự phản đối, chỉ trích từ quốc tế, các cuộc biểu tình lớn nhỏ không chỉ từ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia châu Á khác.
    Philippines thì vẫn đang "bị khóa" trong cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc, liên quan đến vùng biển ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Trăng Khuyết.
    Mới đây, Jakarta cũng đã lên tiếng đưa những bằng chứng về việc xâm nhập trái phép thường xuyên của các đội tàu đánh cá Trung Quốc vào khu vực đặc khu kinh tế Indonesia, đảo Natuna, rìa phía Nam của Biển Đông, cách Trung Quốc hơn 2.000km.
    Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Bắc Triều Tiên cũng đều là nạn nhân của những cuộc quấy rối, đối đầu từ các tàu bán quân sự và tàu đánh cá Trung Quốc. Mức độ thấp là quấy rối, nghiêm trọng hơn là đâm, đánh chìm tàu, nổ súng,...
    Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng làm thế giới “bất ngờ” với việc công bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
    Tác giả đưa ra nhận định rằng, dường như Bắc Kinh tin rằng với tầm ảnh hưởng lớn của mình, các nước láng giềng nhỏ và yếu ớt sẽ cung cấp nguồn tài nguyên, lãnh thổ, các khu vực đặc quyền. Và đó là di sản hợp pháp của Trung Quốc. Nhưng điều này là một tính toán sai lầm cực kỳ nghiêm trọng của Trung Quốc, cái mà họ nhận được chỉ là tình hình mối quan hệ giữa các nước láng giềng với Trung Quốc ngày càng xấu đi.
    Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Bắc Kinh đã có động thái gây tranh cãi liên quan chủ yếu đến các điểm nóng ở cả hai vùng biển Thái Bình Dương là Biển Đông và Biển Hoa Đông: Đó là tại Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật Bản; tại Hoàng Sa với Việt Nam và tại bãi cạn Trăng Khuyết (Scarborough), bãi Cỏ Mây (Second Thomas) với Philippines. Đây là những điểm mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”.
    Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng từ các nước trung khu vực vì các hành động hiếu chiến của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực, sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa các nước.
    Giàn khoan TQ: Từ 'cơ bắp' tới học thuyết Monroe

    Giàn khoan trái phép của TQ trên Biển Đông.

    5 trong số 10 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei đều có tranh chấp hàng hải nghiêm trọng với Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Nếu bao gồm cả Đài Loan thì tổng số nước, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang gây hấn chiếm hơn một nửa các nước tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
    Tác giả cho biết, kịch bản tồi tệ nhất rất có thể xảy đến với Trung Quốc là Nhật Bản tái vũ trang. Mỗi cuộc đụng độ gây chiến do Trung Quốc khơi mào trên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) được ví như là một cú huých, đẩy Tokyo đến dần với quyết định cho phép lực lượng tự vệ triển khai chiến đấu bên ngoài Nhật Bản.
    Không chỉ thế, chính sự bành trướng của Trung Quốc đã khiến Mỹ phục hồi và tăng cường hiệu quả liên minh khu vực châu Á để tạo thế cân bằng với Trung Quốc.
    Vậy thì tất cả điều này đặt ra một câu hỏi: Tại sao Bắc Kinh lại thực hiện một chiến lược phản tác dụng như vậy, gây hậu quả bôi xấu hình ảnh và phá vỡ mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng?
    Học thuyết Monroe Trung Quốc và hậu quả?
    GS Alan cho rằng, có một số cách giải thích có thể lý giải được. Giống như các cường quốc đang lên, Trung Quốc muốn thay đổi trật tự khu vực để thúc đẩy tham vọng chiến lược của mình, không cần phải theo trật tự do Mỹ đưa ra.
    Theo các nhà phân tích thì đây được gọi là học thuyết Monroe Trung Quốc.
    Vào năm 1823, Tổng thống Mỹ James Monroe và Ngoại trưởng Mỹ John Quincy Adams đã sử dụng thông điệp hàng năm của Tổng thống trước Quốc hội Mỹ để đưa ra học thuyết chính sách ngoại giao mới. Họ tuyên bố rằng, Mỹ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng biển bên trong đường ranh giới bao gồm phần lớn vùng biển Caribbe và Vịnh Mexico.
    Monroe và Adams tuyên bố rằng những yêu sách này cấu thành nên “lợi ích cốt lõi” của Mỹ - lợi ích mà nước Mỹ đã sẵn sàng dùng đến chiến tranh để bảo vệ. Chắc chắn là họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự phản đối nào từ các quốc gia Mỹ La-tinh yếu kém hơn mình. Xa hơn nữa, họ cũng yêu cầu các cường quốc hải quân bên ngoài khu vực như Hải quân Hoàng gia Anh phải chấm dứt hoạt động tại "các vùng biển gần” của Mỹ.
    Từ góc độ "giấc mộng Trung Hoa", học thuyết này có ý nghĩa chiến lược hoàn hảo. Nếu một nước Mỹ có thể xây dựng một Học thuyết Monroe trong thế kỷ 19 với những tính chất hung hăng quá mức và lý luận cùn như vậy lại hiệu quả trong việc đẩy các cường quốc khác ra khỏi phía Đông Thái Bình Dương, thì tại sao một nền kinh tế lớn như Trung Quốc trong thế kỷ 21 không tìm kiếm một kết quả tương tự ở Tây Thái Bình Dương?
    Câu hỏi trên đã được một số học giả đưa ra tại Diễn đàn Chiến lược thường niên của Học viện Hải chiến, khi so sánh chính sách của Trung Quốc tại những vùng biển gần với chính sách của Mỹ tại biển Caribbe và Vịnh Mexico trong suốt thời kì hoàng kim của Học thuyết Monroe.
    Và câu trả lời chung được phần lớn các học giả gật gù là “bởi vì đó là Trung Quốc”. Ẩn ý rằng, Mỹ và các đồng minh châu Á không chấp nhận Trung Quốc có những đặc quyền đặc biệt mà Mỹ có được trong quá trình trở thành siêu cường quốc biển.
    Và để ngăn chặn điều này, hạm đội 7 hùng mạnh của Mỹ đang đóng quân tại căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản, với các đơn vị đóng gần Hàn Quốc và Nhật Bản, dưới quyền chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương thừa sức có thể khống chế được Trung Quốc.
    Thách thức này trong mối quan hệ quốc tế được chiến lược gia nổi tiếng của Mỹ Graham Alison gọi là "bẫy Thucydides". Giới quan sát trong những năm qua đã nhiều lần viện dẫn cụm từ "bẫy Thucydides" để dự tính quỹ đạo tương lai mối quan hệ giữa một Trung Quốc mới nổi và một cường quốc hiện nay như Mỹ.
    Thucydides là một nhà sử học Hy Lạp. Ông từng nghiên cứu về cuộc chiến Peloponnesian ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, xảy ra giữa hai thành phố Sparta và Athens.
    Theo ông, khi một cường quốc đang "trỗi dậy" thì chắc chắn sẽ xung đột với cường quốc "đang tại vị" chính bởi "sự phát triển" và "nỗi lo sợ" của mỗi bên. Và hơn 500 năm qua, lịch sử đã cho thấy khi một quốc gia đang phát triển tranh chấp thế lực với một quốc gia hùng mạnh nhất, hậu quả tất yếu đều không nằm ngoài kết cục chiến tranh.
    Điều này có thể xảy ra ở Đông Á? Những người hoài nghi cho rằng ám chỉ lịch sử như vậy là xa vời, sự phụ thuộc thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Mỹ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xung đột bởi vì cả hai bên đều tính toán thiệt hại và chi phí dành cho chiến tranh.
    Tất nhiên, điều này đúng, nhưng bài học lịch sử chỉ ra rằng, Anh và Đức trong những năm đầu thế kỷ 20 vốn có mối quan hệ thương mại hợp tác rộng lớn nhưng điều này không ngăn cản họ đi đến chiến tranh vào năm 1914. Và một nghiên cứu gần đây của Đại học Georgetown Oriana Mastro cho thấy rằng, các nước Đông Á, bao gồm Trung Quốc, có thể chấp nhận thiệt hại kinh tế đáng kể để bảo vệ chủ quyền của họ.
    Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng mức độ phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc thương mại có thể đảm bảo hòa bình một cách chắc chắn.
    Phân tích một cách cụ thể, thì ngoài ý muốn tham vọng, an ninh tài nguyên cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy Trung Quốc tăng cường chủ nghĩa đơn phương "cơ bắp". Dự kiến, đến năm 2030, 80\% dầu và 50\% khí đốt của Trung Quốc sẽ được nhập khẩu bằng đường biển, qua eo biển Malacca - vốn nổi tiếng vì tắc nghẽn do số lượng tàu đi qua khu vực này luôn quá tải mà eo biển vừa hẹp lại nông.
    Như tác giả nổi tiếng Lester R.Brown trình bày trong cuốn sách "Who will feed China?" (Tạm dịch: Ai sẽ nuôi Trung Quốc), thì quốc gia 1,3 tỷ người này phải chịu nhiều gánh nặng để có thể duy trì và nuôi sống cho dân chúng. Điều này dẫn đến tình trạng, Trung Quốc trở thành đất nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu: Nhập khẩu lương thực, dầu (lượng dầu khí nhập khẩu mỗi năm chiếm tỷ lệ khoảng 55\%), khí đốt,...
    Thậm chí, vốn là đất nước có trữ lượng than khổng lồ, tuy nhiên, Trung Quốc cũng không cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước... Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ròng than trong năm 2007 và vượt qua Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới than vào cuối năm 2011.
    Ngư trường phong phú tại Tây Thái Bình Dương cũng là một nguồn lợi quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, góp phần ổn định an ninh lương thực trong tương lai tại quốc gia này, cùng với các loại tài nguyên khác như khí đốt, dầu, than đá... Trung bình, mỗi năm sản lượng đánh cá thu được kiếm về cho Trung Quốc khoảng 330 tỷ USD, chiếm 3,5\% tổng sản phẩm quốc nội. Cho nên, bảo vệ biển và chiếm biển đã thành mục tiêu chiến lược đối vơi Trung Quốc.
    Nguồn tài nguyên dễ bị tổn thương bởi nhiều rủi ro: Khủng bố, cướp biển, gián đoạn nguồn cung, chưa kể điểm quyền kiểm soát của Mỹ đối với eo biển Malacca... đã khiến Trung Quốc tìm lối thoát bằng cách dùng "lưỡi bò" lấn át các quốc gia láng giềng.
    Tuy nhiên, tác giả Alan Dupon vẫn khẳng định rằng chính sách chiến lược chính trị sai lầm của Trung Quốc sẽ mang tới nhiều hậu quả không mong muốn. Đầu tiên là Trung Quốc với đường lối gây chiến với các nước láng giềng sẽ không thể nào khẳng định với thế giới rằng thời đại Pax Sinica (nền hòa bình dưới sự thống trị của Trung Quốc) sẽ yên ổn, hòa bình và phát triển hơn thời đại Pax Americana (nền hòa bình thế giới dưới sự bá chủ của Mỹ).
    Ngoài ra, bằng việc gây chiến với các quốc gia ở khu vực Đông Á như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản... Trung Quốc muốn thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ vốn đang thống trị tại vùng biển Thái Bình Dương thì chắc hẳn Mỹ sẽ có những đáp trả lại đáng kể đối với thách thức trên kể cả Trung Quốc có là một nền kinh tế đáng gờm.
    Tác giả còn để cập đến vai trò của Úc trong vấn đề của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông, Úc sẽ không chỉ đóng vai trò là người quan sát vô tư trong bất kỳ cuộc xung đột trong tương lai ở phía Tây Thái Bình Dương bởi vì hầu như tất cả lợi ích quốc phòng, kinh tế cốt lõi nước Úc cũng đều mật thiết liên quan đến lĩnh vực hàng hải, chưa kể đến mối quan hệ "thân thiết" trên nhiều lĩnh vực với Mỹ và việc Úc còn có mối quan hệ làm ăn với một số đối tác châu Á như Indonesia, Nhật Bản...
    GS Alan Dupont cho rằng, đã đến lúc Trung Quốc nên hành xử có trách nhiệm và ngay lập tức có những bước đi làm giảm các xung đột trên biển, tuân thủ theo Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được lên quan đến vấn đề trên Biển Đông, bao gồm các vấn đề liên quan đến ngành ngư nghiệp, dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên biển, trong đó điều 1 là cam kết thực hiện đúng Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 - UNCLOS).
    Ông nhấn mạnh rằng, cách tiếp cận như vậy sẽ làm tăng sự tin tưởng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, giảm căng thẳng trong khu vực và xứng đáng với vai trò là một đối tác, một nước lớn tại châu Á.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gian-khoan-trung-quoc-tu-co-bap-toi-hoc-thuyet-monroe-a34938.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan