+Aa-
    Zalo

    Giáo viên dạy thêm giờ được chi trả tiền lương như thế nào?

    (ĐS&PL) - Để đảm bảo quyền lợi có giáo viên trong các trường hợp buộc phải dạy thêm giờ ngoài định mức, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan đã ban hành các quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ, cách tính lương dạy thêm giờ của giáo viên.

    Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở công lập, tiền lương dạy thêm giờ được tính theo các công thức sau:

    Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%.

    Trong đó:

    - Tiền lương 1 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học): (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần].

    Đối với giáo viên làm công tác quản lý, làm tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội được tính theo công thức nêu trên với định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.

    giao vien day them gio duoc tinh them tien luong nhu the nao
    Quy định căn cứ tính lương giáo viên khi phải dạy thêm giờ. Ảnh minh họa.

    - Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).

    - Định mức giờ dạy/năm được tính như sau: Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07: Định mức giờ dạy/năm được tính theo quy định tại các văn bản quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư liên tịch này. Cụ thể: 

    * Đối với trường mầm non:

    + Định mức với giáo viên = (Số giờ dạy trẻ học 2 buổi/ngày) x (Số ngày làm việc/tuần) x (Số tuần dạy trẻ/năm học).

    + Định mức với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng = (Số giờ trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) x (Số tuần dạy trẻ/năm học).

    * Đối với trường tiểu học, THCS, THPT:

    + Định mức với giáo viên = [Định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ giảng)/tuần] x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học).

    + Định mức với hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, giáo viên là cán bộ Đoàn, Hội = (Định mức tiết dạy/tuần của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giáo viên làm Tổng phụ trách; cán bộ Đoàn, Hội) x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học).

    Bên cạnh cách tính tiền lương chi trả cho giáo viên dạy thêm giờ, Thông tư cũng quy định Nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ tại Điều 3, cụ thể như sau:

    - Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo, bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

    - Năm học quy định tại Thông tư liên tịch này được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.

    - Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ nghề được áp dụng định mức giờ dạy/năm quy định cho cấp học, trình độ nghề cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

    - Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí tiền lương dạy thêm giờ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cơ sở giáo dục công lập quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư liên tịch này, căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.

    Cần lưu ý, không phải trường hợp nào giáo viên dạy thêm giờ cũng được chi trả thêm tiền lương. Theo quy định, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Trong trường hợp đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

    Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.

    Một điểm quan trọng nữa là số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

    Theo quy định, nguồn kinh phí để chi trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước nếu là cơ sở giáo dục công lập.

    Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và từ nguồn ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

    Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ được đảm bảo từ các nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-vien-day-them-gio-duoc-tinh-them-tien-luong-nhu-the-nao-a599969.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan