+Aa-
    Zalo

    Hai cháu bé nước cuốn tử vong: Nỗi kinh hoàng mang tên "nắp cống"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Chỉ sau một cơn mưa như bao cơn mưa khác, hai gia đình mất con. Một bé đi học về bị nước mưa cuốn, một bé bị ngã xuống cống thoát nước khi đi ra ngoài lúc trời mưa.

    (ĐSPL)- Thông tin hai cháu bé bị cuốn chìm xuống cống thoát nước trong cùng một ngày ở hai địa điểm khác nhau trong tỉnh Bình Dương đang gây xôn xao dư luận. Chỉ sau một cơn mưa như bao cơn mưa khác, hai gia đình mất con. Một bé đi học về bị nước mưa cuốn, một bé bị ngã xuống cống thoát nước khi đi ra ngoài lúc trời mưa.
    Đó là tai nạn hi hữu, hay bản chất nó là sự tắc trách của người lớn đã khiến trẻ thơ chết tức tưởi?
    Nước mắt cuốn theo dòng nước oan nghiệt
    Chiều 6/9 đã trở thành cơn ác mộng với cha mẹ của hai cháu bé Lê Văn M. (SN 2007, ngụ phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) và La Văn T. (9 tuổi, tạm trú ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An). Mưa lớn đã cuốn trôi hai cháu bé này xuống cống thoát nước. Thi thể bé Lê Văn M. đã được tìm thấy vào tối cùng ngày, còn bé T. thì mất tích nhiều ngày sau mới tìm thấy. Được biết, khoảng 16h30’ ngày 6/9, lúc trời mưa lớn, xe đưa đón học sinh chở M. từ trường tiểu học Tân Hiệp về nhà. Khi đến gần nhà, M. xuống xe và bị nước cuốn trôi vào một ống cống rất lớn rồi tử vong.
    Trong khi đó, đến 0h ngày 9/9, tức là sau ba ngày mất tích, cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể cháu La Văn T.. Cha mẹ cháu T. được mời đến nhận mặt và xác của con trai. Chị Hằng ngã quỵ khi thấy đúng là con trai đã chết dưới cống lạnh suốt nhiều ngày. Theo lời của chị Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi, mẹ cháu La Văn T.), chiều 6/9, chị đi làm về và đi tìm con nhưng không thấy. Nghe người quen cho biết con chị đi tắm mưa, chị Hằng liền tất tả ra đường 22-12 tìm kiếm và hỏi thăm khắp nơi. Thấy một cháu bé trạc tuổi con mình, chị Hằng hỏi thăm và biết được con trai đã bị nước cuốn trôi xuống cống trong lúc tắm mưa. 
    Ngoài bé trai này, còn có một người đàn ông khẳng định đã thấy con chị bị trôi xuống cống thoát nước. "Phút chốc, tôi nghe tim mình đau nhói. Tự dưng, tôi mất con một cách oan ức. Thằng bé ngoan lắm nhưng bị ngọng nên dù cháu đã 9 tuổi, tôi vẫn chưa cho đi học. Tôi làm công nhân, cha nó phụ hồ, còn đứa em gái nhỏ chưa tròn 2 tuổi. Cuộc sống nghèo khó, có con cái làm niềm an ủi mà giờ con lại chết dưới nước cống lạnh lẽo", chị Hằng ứa nước mắt chia sẻ với chúng tôi.
    Hàng loạt “hố tử thần” và nỗi kinh hoàng mang tên: Nắp cống

    Chị Nguyễn Thị Hằng thẫn thờ trông tin con ngày 8/9.

    Cô Nguyễn Thị Nhàn (54 tuổi, ngụ phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) cho biết: "Không hiểu sao nắp cống đã được đậy kín, nặng lắm chứ đâu có nhẹ mà hễ mưa lớn là lại bị bật nắp. Tội nghiệp, nghe người ta đi xem về kể lại, lúc tìm thấy, xác thằng bé nằm co quắp trong ống cống đang làm dang dở. Nó trôi theo đường cống ra tận cuối trục thoát nước Chòm Sao-Suối Đờn, cách đường 22-12 đến tận 1km".
    Những hố ga sâu, nguy hiểm không được rào chắn hay gắn biển báo cẩn thận có mặt ở khắp các tỉnh thành phố. Đặc biệt là ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, những thành phố đang nỗ lực xây dựng, sửa chữa hệ thống thoát nước đã cũ và xuống cấp.
    Tắc trách và chủ quan gây hậu quả nghiêm trọng?
    Qua thực tế ghi nhận, hệ thống thoát nước của ba tỉnh, thành phố bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương còn rất nhiều điểm đáng lưu ý và cần thay đổi. Đó là vấn đề được nhiều người dân cũng như các đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thường xuyên nêu ra và yêu cầu có giải pháp sửa đổi, khắc phục. Thế nhưng, sau nhiều năm, hễ đến mùa mưa, người dân các tỉnh thành này lại ca thán "đường phố thành sông, người dân sống ở đô thị thấp thỏm nỗi lo nước tràn vào nhà...".
    Tại TP.HCM, ở tuyến đường Phan Huy ích, Phạm Văn Chiêu (Q. Gò Vấp, TP.HCM), những đoạn đường thường xuyên ngập sâu sau mưa, các nắp cống trở thành bẫy nguy hiểm. Trên đường Phạm Văn Chiêu, nắp cống là khung thép có khe hở để thoát nước, cách làm này cũng nhằm giảm sức ép khi mưa quá lớn nước thoát không kịp giội ngược trở lại. Tuy nhiên, những nơi mới xây lắp thì rất chắc chắn nhưng một số chỗ đã bắt đầu rỉ sét, nứt gãy, phía dưới lại không có lưới rào chắn phòng sự cố sụt nắp cống. PV đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng nắp hố ga trên vỉa hè ngay ngã ba Cây Trâm-Phạm Văn Chiêu bằng xi măng bị nước đẩy giội ngược kéo lệch sang một bên miệng cống. Đường Nguyễn Thị Tú (Q. Bình Tân, TP.HCM) có rất nhiều nắp cống bằng thép đã đứt gãy và rời rạc.
    Hàng loạt “hố tử thần” và nỗi kinh hoàng mang tên: Nắp cống

    Các nắp hố ga hư hỏng trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM.

    Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều tuyến đường bị ngập nặng khi mưa nhưng hệ thống thoát nước, hố ga nhiều nơi chưa đảm bảo. Những tuyến đường như Nguyễn ái Quốc, Đồng Khởi..., nhiều hố ga, nắp cống bị bể nát nhưng không được sửa chữa, người dân dùng cây cắm vào che chắn, cảnh báo người đi đường. Ngoài những ghi nhận thực tế của PV, bạn đọc cũng thông qua đường dây nóng của báo để chia sẻ bức xúc cũng như đưa thông tin về một số nơi có hệ thống thoát nước chưa đảm bảo an toàn. Những quận, huyện tại TP.HCM được phản ánh nhiều nhất là Bình Chánh, Thủ Đức, Q.2, Gò Vấp... Bạn đọc cho biết, nhiều lần vô ý vấp phải hố ga, nắp cống bị hư nhưng may mắn thoát nạn. Thế nhưng, lúc mưa xuống, liệu mấy người may mắn thoát nạn khi mặt đường biến thành sông, nước cống trào lên đen ngòm? Những tuyến đường đã có hố ga, nắp cống chắc chắn thì lại bị bật tung sau mưa như trong vụ việc bé T. bị nước cuốn ở phường Thuận Giao, trở thành cái bẫy giết người khó lường.
    Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: "Đoạn đường 22-12, nơi phát hiện cháu bé bị nước cuốn xuống cống do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Trách nhiệm quản lý và duy tu đoạn đường này thuộc về cấp thị xã Thuận An, phường chỉ quản lý đường giao thông nông thôn. Theo tôi, lý do mỗi khi mưa lớn nắp cống ở khu vực này bị bật tung là do rác ứ đọng ở cống ngang quá nhiều, nước thoát đi không kịp nên tạo sức ép lên các nắp cống".
    Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương khẳng định hệ thống cống hai bên đường 22-12 do phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An chịu trách nhiệm duy tu sửa chữa. Và phòng Quản lý đô thị thị xã xác nhận, cơ quan này chịu trách nhiệm duy tu nạo vét. Cơ quan đã thực hiện đúng quy trình và thường xuyên thay mới các tấm đan (nắp cống-PV) bị hư. Thế nhưng, mưa lớn vẫn làm bật tung những nắp cống vừa thay mới này. Người dân khu vực Hòa Lân 2 (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) xác nhận đơn vị này cũng mới sửa chữa các nắp cống khi liên tục bị người dân ca thán về việc ngập úng. Nhưng ai ngờ khi đem bịt kín các miệng cống thì nước vẫn ngập và gây ra cái chết thương tâm cho các cháu bé. Chẳng hiểu rồi đây, trách nhiệm thuộc về ai và đâu mới là giải pháp hiệu quả để chữa căn bệnh chủ quan của các đơn vị có liên quan?

    Có sự chủ quan trong kỹ thuật xây dựng

    Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: "Dù trước đó, các đơn vị quản lý đã duy tu, sửa chữa nhưng do kỹ thuật làm cống ban đầu sai nên khi dọn rác bên trong lòng cống rất khó khăn. Đoạn cống ngang dài, không công nhân nào có thể chui xuống và vớt rác hay nạo vét. Khi mưa lớn, nước giội ngược làm bật nắp cống. Thật ra, thiết kế, làm cống thoát nước khó hơn rất nhiều so với làm đường, nên cần tính toán cẩn trọng và đưa ra những thiết kế thích hợp với đặc thù của mỗi nơi và tính đến việc tạo thuận lợi cho công tác dọn vệ sinh cống sau này".

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-chau-be-nuoc-cuon-tu-vong-noi-kinh-hoang-mang-ten-nap-cong-a50226.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan