+Aa-
    Zalo

    Hệ sinh thái kín tiếng của đại gia Võ Duy Tấn- ông chủ Lovico Group

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hệ sinh thái của Lovico Group bao gồm 8 công ty liên kết và hợp tác, trong đó các thành viên lõi đều là những doanh nghiệp hoạt động trong mảng điện gió, sở hữu nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

    Mới đây, CTCP Điện gió Phong Liệu (Phong Liệu) công bố phát hành thành công 914 tỷ đồng trái phiếu, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảm đảm và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.

    Mục đích của đợt phát hành là nhằm thanh toán các chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu tại xã Tân Thành và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án này có công suất 48 MW với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.

    he sinh thai kin tieng cua dai gia vo duy tan ong chu lovico group dspl
    Hệ sinh thái kín tiếng của đại gia Võ Duy Tấn bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong mảng năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa

    Theo tìm hiểu, điện gió Phong Liệu được thành lập vào tháng 8/2019, trụ sở tại thôn Xa Lăng, xã Đakrông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị.

    Vốn điều lệ ban đầu là 310 tỷ đồng, trong đó, CTCP Đầu tư Mai Phong nắm giữ 99% vốn, hai cổ đông còn lại gồm: bà Lê Thị Ái Loan (0,5%) và CTCP Thuỷ điện Đakrông (0,5%).

    Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là ông Võ Duy Tấn (SN 1959). 

    Sau nhiều lần thay đổi, đến giữa tháng 6/2020, Phong Liệu nâng vốn điều lệ lên mức 352 tỷ đồng, cổ đông lúc này bao gồm: Công ty cổ phần Long Việt (40% VĐL), CTCP Thương mại Đầu tư Huy Hoàng (20% VĐL), CTCP Thủy điện Đakrông (10% VĐL), ông Võ Duy Tấn - bà Lê Thị Ái Loan (30% VĐL).

    Đáng chú ý, nhóm cá nhân và pháp nhân nêu trên đều có liên quan mật thiết tới Công ty cổ phần Long Việt (Lovico Group).

    Được biết, Lovico Group (tiền thân là công ty Xây lắp Nội thương Đà Nẵng) được thành lập năm 1975 theo quyết định thành lập của bộ Nội Thương, nay là bộ Công Thương. Lovico Group được cổ phần hoá vào năm 2004. Chủ tịch HĐQT là ông Võ Duy Tấn- một doanh nhân có tiếng tại Đà Nẵng.

    Tại tháng 10/2020, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 430 tỷ đồng, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, bất động sản.

    Hệ sinh thái của Lovico Group bao gồm 8 công ty liên kết và hợp tác, trong đó các thành viên lõi có thể kể đến là CTCP Thủy điện Đa Krông hay CTCP Thương mại Đầu tư Huy Hoàng- những pháp nhân thường xuyên đồng hành với Lovico Group trong các dự án năng lượng.

    Thủy điện ĐaKrông được thành lập năm 2007, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, là chủ đầu tư của hàng loạt dự án thủy điện nghìn tỷ như: Nhà máy thủy điện Đồng Văn (vốn 1.100 tỷ đồng); Dự án thủy điện Trà Khúc- Quảng Ngãi (vốn 1.120 tỷ đồng); Thuỷ điện Đắk Ba (vốn 690 tỷ đồng),...

    Thủy điện ĐaKrông cũng hoạt động năng nổ trong mảng năng lượng tái tạo thời gian gần đây. Doanh nghiệp này từng giới thiệu là chủ đầu tư dự án Điện gió Hướng Linh - Hướng Phùng tại Quảng Trị có công suất 112,5MW, tổng vốn đầu tư lên tới 5.159 tỷ đồng và dự án điện mặt trời Buôn Choah tại Đăk Nông có công suất 125MW, tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng.

    Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 600 tỷ đồng, trong đó Thương mại Đầu tư Huy Hoàng nắm 50,9%, ông Võ Duy Tấn (4,3%), ông Đỗ Thành Vinh (0,083%) và bà Lê Thị Ái Loan (40,7%). 

    Về Đầu tư Huy Hoàng, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 7/2008, trụ sở tại TP.HCM, với vốn điều lệ 1.440 tỷ đồng và thuộc về gia đình doanh nhân Võ Duy Tấn.

    Vị đại gia sinh năm 1959 này cùng ba cá nhân cùng địa chỉ thường trú là bà Lê Thị Ái Loan, ông Võ Duy Tấn Huy (SN 1985) và Võ Duy Tấn Hoàng (SN 1991) thời gian qua hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tổng mức đầu tư các dự án năng lượng mà gia đình doanh nhân Đà Nẵng đã và đang tham gia lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.

    Mặc dù sở hữu nhiều dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn nhưng kết quả kinh doanh của tập đoàn Lovico cũng như một số thành viên cốt lõi lại không thực sự nổi bật. 

    Từ năm 2016 - 2019, doanh thu của Lovico đạt đỉnh với 316,1 tỷ đồng (năm 2017), tuy nhiên giảm nhanh 2 năm sau đó, về còn 124,1 tỷ đồng năm 2019. Lỗ sau thuế 17,8 tỷ đồng năm 2019, dù 2 năm trước đó đều báo lãi. Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Lovico ở mức gần 684 tỷ đồng.

    Doanh thu của Thuỷ điện Đakrông có xu hướng tăng lên nhưng năm 2019 vẫn báo lỗ sau thuế 10,8 tỷ, giảm mạnh so với khoản lãi 2 con số các năm 2017-2018. Tổng tài sản đạt 1.751,5 tỷ đồng (năm 2019).

    Ngược lại, Đầu tư Huy Hoàng là thành viên tích cực hơn cả trong hệ sinh thái của đại gia Võ Duy Tấn khi lãi sau thuế 21,3 tỷ đồng năm 2019, dù 3 năm trước lỗ nhẹ.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-sinh-thai-kin-tieng-cua-dai-gia-vo-duy-tan-ong-chu-lovico-group-a514119.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan