+Aa-
    Zalo

    Hơn 90% doanh nghiệp du lịch kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh trong năm 2024

    (ĐS&PL) - Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành du lịch – khách sạn mà Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam vừa công bố, 66,7% số doanh nghiệp ngành du lịch cho rằng triển vọng ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn.

    Lượt khách tăng ấn tượng tại nhiều điểm đến du lịch

    Phong vũ biểu Du lịch Thế giới đầu tiên của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) trong năm cho thấy, ước tính có khoảng 1,3 tỷ khách du lịch quốc tế vào năm 2023, chiếm 88% mức trước đại dịch COVID-19.

    Báo Quảng Nam dẫn dữ liệu từ UNWTO cho hay năm 2023, nhiều điểm đến du lịch thế giới chứng kiến lượt khách tăng ấn tượng, thậm chí vượt ngoài mong đợt, trong đó nhiều điểm đến quá tải du khách.

    Khu vực Trung Đông dẫn đầu sự phục hồi mạnh mẽ nói trên, với lượng khách quốc tế tăng 22% so với 4 năm trước đó. Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập vừa cho biết, nước này ghi nhận con số kỷ lục 14,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023, đánh bại kỷ lục trước đó là 14,7 triệu lượt vào năm 2010.

    Thị phần du lịch toàn cầu của Ai Cập đạt 1,2% vào năm 2023, tăng từ 0,9% vào năm 2019, tăng 33% trong vòng 4 năm qua. Ai Cập đặt mục tiêu tăng lượng khách du lịch quốc tế 25 - 30% mỗi năm. Được biết, du lịch là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập, chiếm khoảng 12% GDP và sử dụng khoảng 3 triệu lao động. 

    Thế nhưng, UNWTO lo ngại diễn biến của cuộc xung đột Hamas - Israel có thể làm gián đoạn việc đi lại ở Trung Đông và ảnh hưởng đến niềm tin của du khách. 

    hon 90 doanh nghiep du lich ky vong chi tieu doanh thu tang truong manh trong nam 20241
    Khách du lịch tham quan Bảo tàng Đại Ai Cập. Ảnh: Xinhua

    So với mức năm 2019, lượng khách du lịch năm 2023 phục hồi lên 94% ở châu Âu, 96% ở châu Phi và 90% ở châu Mỹ. Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, "xứ sở hoa anh đào" đón hơn 25 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm ngoái, đạt khoảng 80% so với mức của năm 2019.

    Theo UNWTO, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tụt hậu so với các điểm đến khác về số lượng khách du lịch. Ngành du lịch chỉ phục hồi khoảng 65% vào năm ngoái so với năm 2019, sau khi một số thị trường điểm đến mở cửa trở lại.

    Sự phục hồi diễn ra chậm ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc khi nhu cầu du lịch quay trở lại chỉ đạt khoảng 55% so mức năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch trong và ngoài nước Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc trong năm 2024, khi Bắc Kinh cấp miễn thị thực cho công dân Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Malaysia, Thái Lan.

    Du lịch quốc tế dự kiến phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024

    Báo Nhân Dân dẫn dữ liệu của UNWTO cho biết một số điểm đến, bao gồm cả các điểm đến lớn, lâu đời cũng như các điểm đến nhỏ và mới nổi, báo cáo mức tăng trưởng hai con số về lượng khách quốc tế vào năm 2023 so với năm 2019. 4 tiểu vùng đã vượt mức đến năm 2019: Nam Địa Trung Hải, Caribbean, Trung Mỹ và Bắc Phi.

    UNWTO thống kê doanh thu du lịch quốc tế đạt 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2023, bằng 93% của mức 1,5 nghìn tỷ USD năm 2019. Tổng doanh thu xuất khẩu từ du lịch (bao gồm cả vận tải hành khách) ước đạt 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2023, gần 95% của mức 1,7 nghìn tỷ USD năm 2019.

    Ước tính sơ bộ về đóng góp kinh tế của du lịch, được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội trực tiếp (TDGDP) của du lịch đạt 3,3 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tương đương 3% GDP toàn cầu. Điều này cho thấy sự phục hồi của TDGDP trước đại dịch được thúc đẩy bởi hoạt động du lịch trong nước và quốc tế mạnh mẽ.

    Sự phục hồi bền vững còn được phản ánh qua hiệu quả hoạt động của các chỉ số ngành. Công cụ theo dõi phục hồi du lịch của UNWTO cho thấy, cả công suất hàng không quốc tế và nhu cầu hành khách đều phục hồi khoảng 90% mức trước đại dịch cho đến tháng 10/2023 (IATA). Tỷ lệ lấp đầy toàn cầu tại các cơ sở lưu trú đạt 65% trong tháng 11, cao hơn một chút so với 62% vào tháng 11/2022 (dựa trên dữ liệu STR).

    “Dữ liệu mới nhất của UNWTO nhấn mạnh khả năng phục hồi và phục hồi nhanh chóng của du lịch, với số lượng trước đại dịch dự kiến vào cuối năm 2024”, Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nói.

    Ông Zurab Pololikashvili cho biết thêm: “Sự phục hồi này đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế, việc làm, tăng trưởng và cơ hội cho cộng đồng ở khắp mọi nơi. Những con số này cũng nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy sự bền vững và hòa nhập trong phát triển du lịch”.

    XEM THÊM: Cảnh sát khuyến cáo về phòng chống cháy nổ dịp cuối năm và kỹ năng thoát nạn cần ghi nhớ

    Theo báo cáo của UNWTO,  “sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường châu Á” và sự gia tăng tương ứng về số lượng kết nối hàng không “dự kiến sẽ củng cố sự phục hồi hoàn toàn của du lịch quốc tế vào cuối năm 2024”.

    Hơn 90% doanh nghiệp du lịch kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh

    Theo TTXVN, kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành du lịch – khách sạn do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây ghi nhận, 66,7% số doanh nghiệp ngành du lịch cho rằng, triển vọng ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn.

    Trong đó, 92,9% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024, còn 85,7% doanh nghiệp kỳ vọng sự tăng trưởng về lợi nhuận và lượt khách. 

    Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, sự tự tin này của các doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở vì từ ngày 15/8/2023, chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày.

    Sau khi chính sách có hiệu lực đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp. Không nằm ngoài sự kỳ vọng, chính sách nới lỏng visa thực sự đã mang lại cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam khi 4 tháng cuối cùng của năm 2023 số lượng khách quốc tế đến đạt trên 1 triệu người, vượt xa kế hoạch ban đầu. 

    Đến năm 2024, chính sách nói trên tiếp tục được 92,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là “đòn bẩy” chính giúp du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.

    hon 90 doanh nghiep du lich ky vong chi tieu doanh thu tang truong manh trong nam 2024
    Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Ảnh minh họa: UNWTO

    Theo ông Vũ Đăng Vinh, trong bối cảnh ngành du lịch trên toàn thế giới đang sắp xếp lại trật tự, hành vi người tiêu dùng thay đổi rõ rệt, nếu Việt Nam có thể gây ấn tượng với du khách trong thời gian này thì có thể sẽ nắm lợi thế trong tương lai.

    Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức nhiều giải đấu quốc tế như Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, Giải bóng chuyền các Câu lạc bộ nữ châu Á… đã giúp quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua đó, có thể thấy rõ tầm quan trọng của các sự kiện thể thao, văn hóa đối với toàn ngành du lịch.

    Ngoài ra, năm 2023, Việt Nam đón nhận "cơn mưa" giải thưởng tại Lễ trao giải World Travel Awards 2023, được kỳ vọng là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. 

    Hiểu rõ được tầm quan trọng đó, 85,7% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát kỳ này của Vietnam Report đã lựa chọn việc đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm du lịch là kiến nghị quan trọng thứ hai trong năm 2024.

    Ngành du lịch Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024?

    Theo người đại diện của Vietnam Report, các báo cáo của thế giới cho biết, dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi tình hình thế giới trong năm 2023 và 2024 có nhiều biến động như xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu.

    Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn với giá cả phù hợp, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.

    Theo thống kê của World Data, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách, Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.

    Sở dĩ như vậy là bởi Việt Nam còn nhiều hạn chế về du lịch mua sắm, khi mới chỉ chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở bán đặc sản địa phương nhưng lại thiếu vắng các trung tâm mua sắm miễn thuế (duty free).

    Việc mở cửa hàng miễn thuế (factory Outlet) trong khu phi thuế quan đem lại 2 lợi ích chính. Thứ nhất, thu hút lượng khách lớn từ các quốc gia châu Á đến mua sắm, thay vì phải chi trả chi phí cao hơn để sang châu Âu, châu Mỹ mua sắm, họ có thể có một điểm mua sắm hấp dẫn với khoảng cách địa lý gần. Thứ hai, góp phần giảm thiểu việc “chảy máu” ngoại tệ khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm. 

    Ông Vũ Đăng Vinh kết luận, với những lý do nói trên, hoàn toàn có thể tin tưởng sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 của ngành du lịch Việt Nam.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hon-90-doanh-nghiep-du-lich-ky-vong-chi-tieu-doanh-thu-tang-truong-manh-trong-nam-2024-a609291.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan