+Aa-
    Zalo

    Khoanh vùng điều tra các đối tượng phá rừng pơmu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cơ quan Công an đã có một số manh mối khả quan, khoanh vùng được đối tượng liên quan đến vụ phá rừng pơ mu ở biên giới Quảng Nam

    (ĐSPL) - Cơ quan Công an đã có một số manh mối khả quan, khoanh vùng được đối tượng liên quan đến vụ phá rừng pơ mu ở biên giới Quảng Nam.

    Tin tức đăng trên báo Công an nhân dân, sáng 27/7, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong ngày hôm qua, địa phương này đã có cuộc làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông (Lào).

    Theo ông Thanh, 2 nội dung lớn đã được thảo luận tại buổi làm việc gồm vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang và công tác liên kết bảo vệ rừng giáp biên.

    Hiện trường vụ phá rừng pơ mu ở biên giới (Ảnh: Công an nhân dân)

    Về vụ phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông tiến hành khởi tố vụ án để cùng vào cuộc điều tra, làm rõ. Và phía Sê Kông hứa là sẽ xem xét để sớm khởi tố vụ án.

    Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị phía bạn tiến hành kiểm tra, đình chỉ ngay các xưởng cưa xẻ gỗ ở trên phần đất tỉnh Sê Kông, gần khu vực cửa khẩu Nam Giang. Nếu phát hiện cơ sở nào có gỗ pơ mu thì tịch thu, tiến hành kiểm định xem có cùng loại với gỗ pơ mu được phát hiện trong vụ phá rừng xảy ra tại Tiểu khu 351 thuộc xã La Dêê hay không.

    “Hai bên đã thống nhất thành lập tổ công tác chung nhằm phối hợp xử lý vụ việc. Tổ công tác sẽ kiểm tra thực địa vụ phá rừng để thống kê rõ số lượng cây pơ mu bị đốn hạ, các điểm tập kết gỗ lậu ở mỗi bên như thế nào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị phía tỉnh Sê Kông tạo cơ chế đặc biệt trong việc qua lại khu vực biên giới nhằm giúp cơ quan chức năng đảm bảo nhanh nhất cho việc phá án và họ đã đồng ý, yêu cầu tỉnh Quảng Nam gửi danh sách tổ công tác cho họ”, ông Thanh nói.

    Tỉnh Sê Kông tiếp giáp 3 địa phương của Việt Nam gồm Huế, Kon Tum và Quảng Nam. Trước đây, khu vực giáp ranh giữa Sê Kông và Huế, Kon Tum đã từng xảy ra các vụ phá rừng. Riêng tại vùng giáp biên với Quảng Nam thì đây là lần đầu tiên xảy ra phá rừng.

    Về công tác bảo vệ rừng giáp biên, Quảng Nam và tỉnh Sê Kông nhất trí ra Quy chế phối hợp giữa 2 bên. Trước đây, khu vực rừng giáp biên có nhiều đơn vị tham gia bảo vệ, song trách nhiệm chưa rõ ràng.

    Sau cuộc làm việc lần này sẽ giao trách nhiệm rõ, hướng là giao cho lực lượng Biên phòng làm chủ rừng. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh biên giới, biên phòng còn có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

    Trả lời trên báo Lao Động, Đại tá Nguyễn Đức Dũng – Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn bộ hồ sơ vụ án phá rừng pơmu xảy ra ở khu vực biên giới huyện Nam Giang đã được công an huyện chuyển lên cho Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh tiếp tục thụ lý, điều tra... Hiện cơ quan điều tra đang tích cực điều tra làm rõ vụ án, có sự phối hợp với các cơ quan liên quan, kể cả Sở An ninh tỉnh Sê Kông (Lào).

    Qua quá trình điều tra, bước đầu công an đã khoanh vùng được các đối tượng nghi vấn bao che cho lâm tặc khai thác trái phép gỗ pơmu, các đối tượng trực tiếp chặt phá gỗ pơmu…

    Nhiều tình tiết vụ án cho thấy đây là đường dây phá rừng có tổ chức, hoạt động tinh vi suốt thời gian dài. Nhóm lâm tặc đã lọt vào tận khu vực kiểm soát an ninh nghiêm ngặt ở vùng phân định biên giới, tổ chức khai thác, vận chuyển, đưa qua Lào tập kết chờ hợp thức hóa thủ tục rồi tuồn trở lại qua cửa khẩu Nam Giang về xuôi tiêu thụ, gây thiệt hại lớn.

    Theo cơ quan kiểm lâm, với hơn 60 cây pơmu bị lâm tặc triệt hạ, bình quân mỗi cây có khối lượng 10m3 gỗ, sau khi khai thác và hợp thức hóa giấy tờ, mỗi mét khối gỗ có giá khoảng 17-20 triệu đồng. Khi chuyển về xuôi tiêu thụ, thì giá cả tăng lên gấp đôi - giá thị trường hiện nay mỗi khối gỗ pơmu khoảng 35-40 triệu.

    Như vậy, với 60 cây pơmu bị triệt hạ, ước tính giá trị lên đến 18-24 tỉ đồng. Đó chỉ là thiệt hại về số gỗ, còn thiệt hại về rừng, môi sinh thì vô giá. Chưa kể, thiệt hại lớn nhất là gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt đối với các cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý ở khu vực biên giới.

    NINH LAN(Tổng hợp)
    Nguồn nguoiduatin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khoanh-vung-dieu-tra-cac-doi-tuong-pha-rung-pomu-a141323.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan