+Aa-
    Zalo

    Kỳ 1: Chàng trai 21 tuổi và bà lão 93 thoát chết thần kỳ sau cơn nhồi máu cơ tim

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian để cứu sống bệnh nhân chỉ được tính bằng phút. Ít ai nghĩ rằng, cụ bà 93 tuổi mắc bệnh nhồi máu cơ tim lại vượt qua được tình huống thập tử nhất sinh.

    (ĐSPL)- Trường hợp đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập đến là trường hợp đến bệnh viện chỉ với triệu chứng đau thượng vị. Tuy nhiên thật bất ngờ sau đó không lâu, bệnh nhân bỗng đột ngột ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập) ngay tại phòng khám Ngoại, thời gian để cứu sống bệnh nhân chỉ được tính bằng phút. Ít ai nghĩ rằng, cụ bà 93 tuổi mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp có thể vượt qua được tình huống thập tử nhất sinh một cách đầy kỳ diệu…

    Ảnh minh họa (Ảnh: CAND)

    Nhập viện đau thượng vị, cấp cứu... ngừng tuần hoàn

    Bệnh viện Xanh Pôn một ngày giữa tuần, dù đã 10h sáng nhưng tại khoa Khám bệnh, số lượng bệnh nhân đứng khám vẫn khá đông. Theo hướng dẫn của một tình nguyện viên nữ tại quầy tiếp đón, tôi tìm đến gặp các y, bác sỹ đã tham gia ca cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn do bệnh nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp.

    Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Đình Hiến, Phó phụ trách khoa Nội tim mạch, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, đây là trường hợp rất đặc biệt. Theo lời bác sỹ Hiến, đây là ca “may mắn và ngoạn mục”.

    Khi tiếp nhận thông tin từ người trực tiếp thực hiện ca cấp cứu này, tôi có cảm giác như đang chứng kiến sự hối hả của ê-kíp ngày hôm đó. Bác sỹ Hiến kể: “Bệnh nhân là một cụ bà 93 tuổi, trú tại phố Yên Thế (quận Ba Đình, Hà Nội). Sáng hôm đó, cụ đến khám tại bệnh viện vì thấy đau thượng vị, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp từ nhiều năm nay.

    Trong khi các bác sỹ đang tiến hành làm các xét nghiệm, thật bất ngờ ngoài sức tưởng tượng bệnh nhân bỗng đột ngột ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim bóp bóng. Ê-kíp do bác sỹ Quang, khoa Phẫu thuật thần kinh cấp cứu”.

    Bác sỹ Hiến kể lại, ngay khi phòng khám thông báo có bệnh nhân bị NMCT cấp ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã liên lạc với người nhà để thông báo tình trạng cụ thể và ê-kíp thực hiện can thiệp mạch vành cũng được huy động. “Tôi phải nói cụ là một bệnh nhân may mắn khi mà thời điểm đó, ê-kíp thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch vành vừa thực hiện xong một ca can thiệp mạch vành.

    Toàn bộ ê-kíp vẫn trong phòng can thiệp. Không một giây phút vàng nào bị bỏ qua. Chính vì thế mà cụ bà được cứu sống ngoạn mục. Giả sử như hôm đó, ê-kíp 5 y, bác sỹ không ở trong phòng can thiệp thì có lẽ cũng khó có thể cứu sống được cụ”, bác sỹ Hiến cho biết.

    Sau hơn 1 giờ can thiệp mạch vành qua da, cụ thể các y, bác sỹ dùng loại ống thông nhỏ (catheter) để đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt Stent (giá đỡ) để tái thông dòng máu. Bệnh nhân đã thoát cơn thập tử nhất sinh.

    “Với ca bệnh này, theo đánh giá của giới chuyên môn là tỉ lệ thành công rất thấp, nguy cơ tử vong cao do bệnh nhân tuổi cao, đã ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, với phương châm “còn nước còn tát” là động lực thôi thúc chúng tôi nỗ lực hết mình để giành giật lại sự sống cho người bệnh”, bác sỹ Hiến tâm sự.

    Theo tìm hiểu của PV, chi phí cho mỗi ca can thiệp động mạch vành trung bình vào khoảng 70 – 75 triệu đồng. Với các bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, bệnh nhân sẽ được giảm bớt đáng kể chi phí phải bỏ ra.

    Mạng sống được tính bằng...giây, trở về từ cõi chết

    Đặc biệt, một ca bệnh cũng khiến bác sỹ Hiến nhớ như in là trường hợp bệnh nhân N.V.H., nam 21 tuổi (trú tại Hải Dương). Bệnh nhân khi bị bệnh đang theo học tại trung cấp y Hải Dương ngành kỹ thuật viên X-quang.

    Trong thời gian thực tập tại một bệnh viện tại Hà Nội, khi thấy bị tức ngực, khó thở dồn dập, H. đã đến bệnh viện Xanh Pôn khám. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân có nguy cơ bị NMCT cấp.

    Tuy nhiên, bệnh nhân quá trẻ nên các bác sỹ cần phải tiến hành thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để phân biệt NMCT cấp với bệnh viêm cơ tim cấp.

    Bác sỹ Hiến chia sẻ: “Có lẽ các y, bác sỹ khó có thể nghĩ một nam thanh niên 21 tuổi lại có thể mắc bệnh NMCT cấp. Khi còn là bác sỹ học tại viện Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai, tôi cũng có biết một trường hợp bệnh nhân bị NMCT cấp khi mới 28 tuổi.

    Đó là bệnh nhân được xem là trẻ nhất miền Bắc mắc bệnh này khi đó. Bệnh nhân này có tiền sử nghiện thuốc lá nặng.

    Trường hợp của H., chúng tôi cũng nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị NMCT. Bởi, thông thường, bệnh viêm cơ tim có thêm các triệu chứng là sốt, có tình trạng nhiễm trùng, qua các xét nghiệm nhanh thì bệnh nhân lại không thấy tình trạng này.

    Qua hỏi han, bệnh nhân cho biết cũng nghiện thuốc lá nặng. Thậm chí H. hút thuốc nhiều đến nỗi không nhớ một ngày hút hết bao nhiêu điếu”.

    Chính vì thế, các bác sỹ tiếp tục cho H. làm các xét nghiệm chuyên sâu như tính động học và định khu tổn thương của điện tim, siêu âm tim, chụp mạch vành để chẩn đoán bệnh NMCT cấp.

    Đồng thời trong khoảng thời gian đó, nhân viên bệnh viện đã liên hệ với gia đình bệnh nhân tại Hải Dương để thông báo tình hình và bàn bạc về phương án điều trị. “Với bệnh này, mỗi phút bị bỏ qua là bệnh nhân mất đi cơ hội vàng để sống sót. Vừa khám, làm xét nghiệm, chúng tôi vừa phải chuẩn bị ê-kíp sẵn sàng cho ca can thiệp”, bác sỹ Hiến cho biết thêm.

    Từ lúc H. đến khám đến khi lên bàn can thiệp tim mạch vành chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Sau hơn 1 giờ thực hiện kỹ thuật can thiệp, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

    Theo tìm hiểu của PV, hiện mỗi tháng, anh H. vẫn đều đặn lên kiểm tra, theo dõi sức khoẻ tại viện và đang chuẩn bị lập gia đình với những hy vọng mới.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Hiện tại khoa Nội tim mạch có 35 giường điều trị nội trú.

    Từ đầu năm đến nay, khoa đã khám ngoại trú cho 3.200 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho trên 1.600 bệnh nhân tim mạch. Đặc biệt với thoả thuận hợp tác toàn diện với bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Xanh Pôn đã được chuyển giao kỹ thuật tim mạch, giúp đỡ đào tạo chuyên môn cho y, bác sỹ một cách toàn diện sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giúp chăm sóc toàn diện, tốt hơn nữa sức khoẻ của người dân Thủ đô”.

    Được biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ tiến tới đưa ghép tạng trở thành một kỹ thuật thường quy. 

    Khuyến cáo của bác sỹ về “căn bệnh tử thần” Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Đình Hiến, Phó phụ trách khoa Nội tim mạch, bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo, với những người có yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành: Tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, gia đình từng có người đột tử, người mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh NMCT cấp. Những người này khi có triệu chứng khó chịu ở ngực, khó thở, nôn, đau thượng vị cần đến các cơ sở y tế kiểm tra.

    Bác sỹ Nguyễn Đình Hiến khuyến cáo, khi có các cơn đau tức ngực, người bị đau ngực như vậy hãy nằm yên và gọi người ngay gần giúp đỡ hoặc gọi điện thoại. Không được cố gắng đi lại hoặc tiếp tục làm bất cứ việc gì.

    Đón đọc Kỳ 2: "Kỳ diệu ca cứu sống bệnh nhân đạn nằm trong tim và em bé chào đời" vào 7h30 ngày 15/9.

    ĐỖ THƠM

    Xem thêm video:

    [mecloud]yYnErRG36Y[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1-chang-trai-21-tuoi-va-ba-lao-93-thoat-chet-than-ky-sau-con-nhoi-mau-co-tim-a109718.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.