+Aa-
    Zalo

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 4: Anh nuôi không “danh”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tàu không có biên chế đầu bếp nên anh em trên tàu chia phiên để nấu, vì vậy mọi người cứ nói đùa chúng ta là “ăn nuôi”.

    Đầu bếp không phải, anh nuôi cũng chẳng đúng từ để gọi các anh lúc đứng bếp. Vì lẽ các tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư không có biên chế đầu bếp nên các chiến sĩ, kiểm ngư viên vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa chia phiên vào bếp để đảm trách công việc nấu nướng, phục vụ lẫn nhau.

    “Bếp ba”

    Trên tàu mọi người quen gọi nhà ăn là “bếp ba” (ba người, ba ca, ba cơm). Một ngày phân công ba người vào một kíp nấu, một kíp đảm nhận cả ba ca sáng, trưa, chiều và ba bữa nấu đều là cơm.

    Đàn ông, con trai vào bếp đã khó, nấu nướng trên biển khó hơn, nấu cho bốn mươi, sáu mươi người ăn lại càng không dễ dàng gì. Mỗi người một khẩu vị, một cách nấu, cách chế biến khác nhau nhưng yêu cầu món ăn phải phổ thông, ai cũng nấu được, ăn ngon và đủ chất dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho mọi người để làm nhiệm vụ. Người nấu quen, nấu ngon thì bày bảo và kèm cặp người mới chưa biết hay còn nấu dở.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 4: Anh nuôi không “danh”
    Bữa cơm của anh em trên tàu KN - 628 giữa biển trời sông nước, đơn sơ, nhanh gọn và ý nghĩa.

    Buổi sáng đầu tiên trên biển ở tàu CSB 8003, 6h kéo ba hồi chuông báo hiệu đến giờ ăn. Phòng ăn của tàu chỉ rộng khoảng dưới 10m2 nhưng có tới hơn 60 người ăn, tốp này ăn xong thì tốp khác lại vào. Món ăn đơn giản nhưng tôi thấy ngon miệng. Bùi Văn Sơn chịu trách nhiệm chính “bếp ba” hôm nay lại gần hỏi “các anh có ăn được không”. Chúng tôi đều cùng chung một đánh giá “ngon, ăn được nhiều hơn ở đất liền”. Mọi người ăn xong, hơn 8h kíp trực bếp mới dọn mâm để ăn. Tôi hỏi Sơn là anh nuôi à? Sơn cười rồi nói: Lấy đâu ra anh nuôi, tàu không có biên chế đầu bếp nên anh em trên tàu chia phiên để nấu, vì vậy mọi người cứ nói đùa chúng ta là “ăn nuôi”. Sơn chỉ tay vào món canh và nói: Ở đất liền “canh cua rau muống”, còn ở đây thì chỉ có “rau muống canh”, nhiều người ăn nên tỷ lệ nước gấp nhiều lần rau mới đủ khẩu phần. Các em mới vào ngành, bước xuống tàu nấu không ngon nhưng mọi người đều động viên “ăn ngon”. Mỗi kíp trực bếp phải dậy từ 4h30 để chuẩn bị cho bữa ăn sáng, bữa trưa phải chuẩn bị từ 8h, cơm chiều chuẩn bị từ 14h. Lúc đầu vào bếp cũng khó khắn lắm, mỗi người một quê, không ai giống ai nhưng mình phải nghĩ nấu món nào, thay đổi ra sao cho phù hợp và ngon miệng anh em.

    Sơn còn kể cho chúng tôi nghe về cô con gái lớn Bùi Ngọc Anh, học sinh lớp 7 xem ti vi, thấy bố đang cùng các bác, các chú đứng trên boong tàu chào cờ buổi sáng thì xúc động khóc. Ngọc Anh đến trường vận động các bạn gom giấy vụn, sách cũ không sử dụng nữa bán lấy tiền ủng hộ các gia đình CSB, kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Tàu vào bờ để tiếp nhiên liệu và lương thực thực phẩm, Sơn điện về, vợ con động viên “bố cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để về với vợ con nhé! Vợ con tự hào về bố”.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 4: Anh nuôi không “danh”
    Những chuyến làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, nuôi lợn vừa có thức ăn tươi sống, vừa có tiếng súc vật kêu cho đỡ nhớ gia đình, vợ con.

    Thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng trực lên buồng chỉ huy nên xuống phòng ăn sáng muộn. Vừa ăn, vừa nói chuyện, anh Hưng cho biết: “Tàu bảo đảm ở trên biển làm nhiệm vụ được trên 40 ngày, khó khăn vẫn là rau xanh, vì không thể để được lâu nên chỉ ăn trong vòng hai tuần; còn quả bí, khoai sọ, khoai tây thì để được hơn tháng nên đủ ăn cho cả chuyến. Chuyến nào phát sinh thêm người thì hậu cần phải tính toán cắt giảm bớt từng khẩu phần, sao cho hợp lý và đủ cho chuyến đi. Có chuyến gặp thuyền đánh cá của ngư dân thì mình mua cá để có chất tươi, bà con nhất định không lấy tiền thì mình gửi lại gạo, thịt và nước ngọt, vì những thứ này thuyền cá rất thiếu. Sức khỏe của anh em cán bộ, chiến sĩ tốt, trước khi ra biển, đơn vị tổ chức khám sức khỏe, ai không bảo đảm thì cho ở nhà. Tàu quán triệt phải ăn chín, uống sôi nên sức khỏe tốt, chỉ sổ mũi, cảm cúm nhẹ uống thuốc sẽ khỏi ngay”. Hưng lấy mũ đội trên đầu ra và nói, các anh nhìn là biết, đến tóc cũng cắt ngắn để tiết kiệm dầu gội và nước ngọt. Nghe vậy, mọi người cười ồ lên.

    Nuôi lợn, ngan giữa Biển Đông

    Chắc không ai tin giữa Biển Đông, muôn trùng sóng nước mênh mông lại nuôi được lợn, gà, ngan, vì vị trí này cách xa đất liền khoảng hơn 110 hải lý. Nhưng hôm đầu tiên đặt chân lên tàu KN - 628 đang làm nhiệm vụ tại thực địa, tôi đã được ngửi mùi phân lợn và thấy mấy con ngan đang xù lông, chạy lạch bạch trên boong tàu. Hỏi ra mới biết, các tàu kiểm ngư làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, mỗi chuyến đi phải hơn một tháng mới vào bờ. Một mặt để bảo đảm thức ăn tươi cho anh em, mặt khác lâu ngày trên biển, quẩn quanh mấy trăm mét vuông nên nhìn thấy con lợn, con ngan cho đỡ nhớ gia đình, vợ con.

    Kiểm ngư viên Lê Đức Trung, thủy thủ boong phụ trách công tác hậu cần của tàu KN - 628 cho biết: Do tủ đông lạnh không đủ cấp đông và để có thức ăn tươi nên mỗi chuyến tàu mua 10 con lợn, mỗi con nặng khoảng hơn 50kg, mổ một con ăn được 4 ngày; hơn 100 con ngan và mang thêm mấy con gà ăn trong tuần đầu, vì gà yếu không sống lâu trên biển được. Rau xanh chỉ ăn hai tuần, còn thì cũng hư hỏng. Ngoài ra, anh em còn làm giá đỗ, trồng rau mầm và tối câu cá, mực để cải thiện bữa ăn.

    Đức Trung còn nói thêm: “Các anh lên tàu cũng phải theo quy định, nước ngọt rất hạn chế nên bốn ngày mới được tắm một lần, tắm giặt nước mặn trước rồi xối nước ngọt qua là được”.

    Trên tàu KN - 628, cuối giờ chiều tôi nghe loa thông báo “giờ ăn cơm, cơm giờ ăn”. Mâm cơm dọn sẵn ở ngoài boong tàu, mọi người tập trung đúng giờ ăn. Tôi hỏi thuyền phó Nguyễn Xuân Quý về khẩu hiệu thông báo ăn cơm sao hay vậy? Quý nói: "Hôm nay sóng nhỏ thì dùng khẩu hiệu thông báo vậy, hôm sau sóng to, thuyền chao mạnh thì có khẩu hiệu khác là “tàu chia cơm, cơm chia tàu” để mọi người nhanh chóng xuống bếp bưng và giữ các thứ không bị hất đổ hết…".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-hoang-sa---bai-4-anh-nuoi-khong-danh-a46787.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua nhưng trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn thổn thức khi nghe Tổ quốc gọi tên mình.