+Aa-
    Zalo

    Ký ức về xin và cho chữ đầu Xuân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Xin chữ đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa gắn với Tết của người Việt. Người xưa quan niệm tìm thầy giỏi, “đức cao vọng trọng” mà xin được chữ là phúc cả đời.

    Xin chữ đầu xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa cổ truyền gắn với Tết của người Việt. Người xưa quan niệm tìm được thầy giỏi, “đức cao vọng trọng” mà xin được chữ là phúc cả đời.

    GS. AHLĐ Vũ Khiêu một tấm gương lao động không ngưng nghỉ

    Chữ và cốt cách của Nho gia

    Nhà nho Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng của tỉnh Nam Định. Từ thủa nhỏ ông là người ham học và học giỏi có tiếng Đất Thành Nam.

    Ông tốt nghiệp tú tài trường Bonnal tại Hải Phòng, ngoài việc học ở thầy, ở lớp, giáo sư luôn luôn tự học, tự nghiên cứu để có một khối lượng kiến thức đồ sộ, sâu rộng. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, đã từng làm việc với nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Thế Lữ, Thanh Tịnh, Trần Dần, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân…

    Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện xã hội học, Phó Tổng giám đốc TTXVN.

    Từ năm 1958, ông đã viết gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn với tập thể chừng 30 cuốn nữa ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào... Nhiều tác phẩm của ông ca ngợi tư tưởng Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Ngoài ra, ông còn dồn tâm sức tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội; đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang. Ông còn trực tiếp tham gia hàng trăm hội thảo về Văn Hiến Việt Nam, Hà Nội - Thăng Long cùng nhiều đề tài văn hóa xã hội khác.

    Với bề dày kiến thức có được cộng với uy tín, trong những năm qua, ông đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương tin tưởng, đặt hàng soạn nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối,...tại nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; hoặc trong các đền đài, các công trình văn hóa trên phạm vi cả nước, ca ngợi, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.

    Di sản mà ông để lại cho đời không gì ngoài những công trình thể hiện trí tuệ uyên bác Đông Tây Kim Cổ và cốt cách nho nhã thanh cao của một nho sĩ Bắc Hà. Với ông quan niệm Nho sĩ thì điều quan trọng không phải là tiền tài, sự nghiệp, danh vọng, thậm chí cả tri thức cao xa mà là cốt cách con người.

    Ông cho rằng: “Nhắc đến nhà Nho nhiều người vẫn nhầm hiểu rằng đó chỉ là những người có “nhiều chữ”. Với nhà Nho Việt, học chữ không quan trọng bằng học hồn cốt, đạo lý của Nho. Tính chất của nhà Nho biểu hiện ở sự khí khái mà tinh tế, hiểu biết mà khiêm nhường, giản dị mà thanh cao. Chất Nho học thể hiện ở nhân cách, phong cách. Nhà Nho coi trọng người quân tử, khinh ghét kẻ tiểu nhân. Không phải ai học Nho thì cũng thấm được chất Nho. Học để có nhiều chữ là một chuyện, nhưng khó nhất là thấm nhuần được cốt cách của Nho để sống cho xứng đáng. Học chữ để làm người”.

    Chúng ta có thể tìm thấy phần nào những cốt cách nho sĩ Việt đáng quý ấy qua một số tác phẩm của ông như: Đẹp (1963), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Cách mạng và nghệ thuật (1979). Tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang, cuốn Bàn về Văn hiến Việt Nam. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có "Cao Bá Quát" (1970), "Ngô Thì Nhậm" (1976), "Nguyễn Trãi" (1980), "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam" (1980), "Bàn về văn hiến Việt Nam" (3 tập, năm 2000)…

    Điều mà ông thường nhắc nhở học trò của mình rằng, tri thức không chỉ mang đến niềm vui của sự lao động sáng tạo mà còn là nỗi khổ hạnh. Phải biết chấp nhận những khổ hạnh đó thì mới vươn lên được. Ông treo trong nhà một chữ “tri” trong đó có lời nhắc “sinh nhi tri, học nhi tri, khốn nhi tri” nghĩa là con người sinh ra vì tri thức, học hành vì tri thức và rồi khốn khổ cũng vì tri thức. Ông cũng nhắc lớp hậu sinh về câu nói của cụ Nguyễn Trãi rằng “cổ lai thức tự đa ưu hoạn” nghĩa là xưa nay những người có tri thức thường gặp ưu tư, hoạn nạn. Bởi vậy nhân cách con người mới là quan trọng, nếu không giữ được nhân cách thì chữ nghĩa, tri thức, học vấn cũng là vô ích.

    Những câu đối của ông luôn truyền cảm hứng cho người được tặng

    Nhà nho cho chữ để giữ đạo

    Người xưa quan niệm cho chữ phải phù hợp với sở nguyện và gia cảnh của người xin. Người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ lộc, người cầu con cái xin chữ phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ thọ…Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình.

    Với nhà nho Vũ Khiêu cho chữ là để động viên, khuyến khích họ làm tốt những công việc tốt đời hợp đạo lý mà họ đang làm. Nhà nho cho chữ còn để răn đời giữ đạo hiếu với ông bà, tổ tiên, các anh hùng dân tộc. Mỗi chữ của ông đề tặng mang một thông điệp riêng mà chỉ có người nhận mới hiểu hết ý nghĩa thực sự của nó. Những câu đối ông cho đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng, tiếp thêm năng lượng cho người được nhận có thêm động lực để hoàn thiện công việc của mình ở đời.

    Những về đối có chiều sâu mang tính hệ thống, đánh giá công tích với đất nước của các bậc tiền nhân, anh hùng, chí sĩ yêu nước lại được nhà nho Vũ Khiêu đặc biệt trân trọng và dành nhiều tâm huyết.

    Khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại, nhà nho Vũ Khiêu đã viết:

    “Nối nghiệp Hùng Vương: Giữ vững sơn hà cho vạn thế

    Theo gương Các Mác: Sáng ngời trí dũng trước năm châu”.

    Hay vế đối viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà thiên tài quân sự Văn – Võ song toàn, ông lại viết:

    “Võ công truyền Quốc sử

    Văn đức quán nhân tâm”.

    Đôi khi những câu đối của nhà nho Vũ Khiêu có chút thâm thúy, sâu sắc pha âm hưởng hài hước mà phải suy nghĩ đôi chút mới thấu hiểu hết. Ông có một người bạn thân rất tài hoa, am hiểu văn hóa sâu sắc, là cán bộ cách mạng nhưng bỏ việc về nhà đọc sách ngâm thơ và làm thợ đồng hồ kiếm sống. Đồng cảm với bạn, ông viết tặng câu đối ngày xuân:

    “Bảy mươi xuân, quay ngược thời gian, từng giờ, từng phút, từng khắc, từng giây, nghĩ mình chẳng thẹn

    Mồng một tết, nhìn ngang thế lộ, ai chậm, ai nhanh, ai sai, ai đúng, rót rượu cùng say”.

    Đọc câu đối, ban đầu chỉ thấy toàn là thời gian và đồng hồ, nhưng suy ngẫm kỹ mới nhận ra cái ông thợ đồng hồ này không tầm thường chút nào, đầy khí phách, đầy tài hoa, vậy mà vẫn thấy có gì đó làm ta cay cay sống mũi, một cái gì đó như oan trái , như bi thương…

    Vế đối của của ông tặng nhà nhiệp ảnh Võ An Ninh là đôi câu đối có “tứ” khá hay. Cụm từ “Nửa mắt nhìn đời...” khiến vế đầu không trở thành câu cầu khiến, mà có thể hiểu là cách ngợi ca, đánh giá khả năng khái quát tài tình của người nghệ sĩ trong những bức ảnh nghệ thuật:

    “Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại

    Bảy tuần thưởng Tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi”.

    Có nhiều về đối của nhà nho Vũ Khiêu được ông sáng tác ngẫu hứng ngày từ những lần gặp mặt đầu tiên. Về đối nhà nho Vũ Khiêu tặng ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh năm 2009 là một trong những vế đối như vậy. Khi biết Tập đoàn Taxi Mai Linh chuyên làm công tác vận tải với hệ thống trải dài khắp Bắc – Trung – Nam ông đã ngẫu hứng đề tặng:

    “Mai hạnh trường huy, ngang dọc sơn hà muôn dặm đất

    Linh quang viễn chiếu, ngược xuôi xa mã bốn phương trời”.

    Người viết bài này, cũng vinh dự nhiều lần được nhà nho Vũ Khiêu cho chữ, nhưng ấn tượng khó quên nhất là lần đầu tiên dẫn bạn gái tên Minh Châu đến thăm ông vào cuối năm 2006. Ông rất vui và ứng khẩu đọc câu đối chúc phúc:

    "Châu tâm tỏa xuống cùng hoa thảo

    Nguyên khí bừng lên với núi sông"

    Ông giảng nghĩa dặn dò và chúc tụng chúng tôi: Khi phẩm hạnh của người vợ ví như một viên ngọc quý tỏa hương sắc cùng với cỏ cây hoa lá, vạn vật ở đời thì tài năng của người chồng phải phấn đấu xứng đáng là mạch nguồn của sự sống và ngược lại. Nếu biết hài hòa cả hai thứ đó trong mỗi con người và còn trong một gia đình hai vợ chồng bổ sung cho nhau thì có lẽ nào lại không hạnh phúc được.

    Tết đến xuân về, hoài niệm về nét đẹp xin và cho chữ của người xưa và đôi dòng bày tỏ sự trân quý nhà nho uyên bác, Giáo sư Vũ Khiêu một trong những “nhà nho cuối cùng” trong thế kỷ XXI năm nay đã bước vào khánh thọ 104 tuổi. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của người viết bài, xin cầu chúc Giáo sư  mãi “Trường Lạc Vĩnh Khang”. Xin kính tặng Giáo sư Vũ Khiêu đôi câu đối với mong ước cụ tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho nền văn hóa Việt Nam:

     Liêm trinh, minh triết thâu kim cổ

    Nghệ sĩ, anh hùng vạn đại ca.

    Vương Xuân Nguyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-ve-xin-va-cho-chu-dau-xuan-a262289.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan