+Aa-
    Zalo

    Lãi suất tiền gửi kỳ hạn nào tại ngân hàng đang cao nhất tháng 10/2015?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đang được điều chỉnh tăng, mức lãi suất cao nhất ở 1 số ngân hàng thương mại tập trung ở kỳ hạn 13 tháng...

    (ĐSPL) - Lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đang được điều chỉnh tăng, mức lãi suất cao nhất ở 1 số ngân hàng thương mại tập trung ở kỳ hạn 13 tháng...

    Nhằm thu hút tiền gửi trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất VND với mức từ 0,2\% - 0,4\%/năm.

    Hôm qua (21/10), Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã tiếp tục công bố điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi VNĐ thêm 0,2\%/năm ở các kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 7 tháng sẽ được nâng lên là 6,5\%/năm, kỳ hạn 8 tháng 6,6\%/năm, kỳ hạn 9 tháng 6,7\%/năm, kỳ hạn 10 tháng 6,7\%/năm và kỳ hạn 11 tháng 6,8\%/năm.

    Cùng ngày, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng công bố biểu lãi suất tiền gửi với mức tăng 0,1- 0,2\% ở một số kỳ hạn.

    Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng được áp dụng mức 5\%/năm, mức 6,4\%/năm dành cho kỳ hạn 6 tháng, kỳ hạn 13 tháng là 7,5\%/năm, kỳ hạn 36 tháng là 6,8\%/năm và kỳ hạn 24 tháng áp dụng mức 6,6\%/năm.

    Trước đó, hôm 19/10, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng 0,2\% - 0,4\% đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Trong đó, kỳ hạn 3 được áp dụng mức lãi suất là 4,8\%/năm; 4,95\%/năm áp dụng cho kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng và lãi suất kỳ hạn 6 tháng 5,45\%/năm (tăng 0,2\% so với biểu lãi suất trước đó).

    Lãi suất kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng được áp dụng mức lần lượt 5,55\%/năm và 5,65\%/năm (tăng 0,3\%). Đặc biệt, kỳ hạn 10 tháng lãi suất tăng tới 0,4\%, lên 5,85\%/năm.

    Nhằm thu hút tiền gửi trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất VND với mức từ 0,2\% - 0,4\%/năm.

    Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) mới đây công bố biểu lãi suất huy động tiền đồng mới với bước tăng 0,4\% tập trung ở hai kỳ hạn là 1 và 2 tháng; từ 4,6\% một năm trước đó lên 5\% mỗi năm.

    Một số ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank... hôm cuối tháng 9 cũng đã có đợt tăng lãi suất đầu vào và đồng loạt đưa mức niêm yết cao nhất lên 7,5-7,55\% mỗi năm cho kỳ hạn 13 tháng.

    Đây là lần thứ tư kể từ đầu tháng 8, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục tăng, với tổng mức gần 1\%. Theo lý giải của các ngân hàng thì động thái tăng này chủ yếu nhằm cân đối lại nguồn vốn, tức thu hút vốn dài hạn nhiều hơn nhằm phục vụ cho vay trung dài hạn.

    Đưa ra nhận định về mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng hiện nay, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, hiện nhu cầu vốn – tín dụng đang tăng cao. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78\% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7\% cùng kỳ 2014.

    Theo VEPR, tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng 0,2 - 0,5\% lên sát mức trần 5,5\% quy định cho tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.

    Tuy vậy, VEPR cũng cho rằng, việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5\%/năm) đã dẫn đến khó khăn cho hoạt động thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

    "Tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép lên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy, lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ", VEPR cảnh báo.

    Sự đắn đo giữa việc gửi ngân hàng hay rút ra đầu tư kênh khác đang là tâm lý chung của nhiều người dân nắm giữ lượng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang nhích lên, còn các kênh khác thì chưa thể hiện xu hướng rõ ràng.

    Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết trên VnExpress, bỏ tiền vào đâu là tuỳ vào sự cân nhắc và tính toán của mỗi người. Tuy nhiên, theo ông thì thời gian qua, với việc lạm phát thấp, lãi suất huy động tiền đồng lại nhích lên, trong khi lãi tiền gửi USD hạ xuống sát 0\% cùng cam kết ổn định tỷ giá trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước thì giá trị tiền đồng đang dần có vị thế.

    Đến cuối tháng 9, ông Minh cho biết tổng huy động vốn trên địa bàn TP HCM tăng trên 11\% so với cuối năm ngoái. Đây là dấu hiệu khả quan để các ngân hàng thu hút nguồn vốn tiền gửi VND trong thời gian tới, phục vụ sản xuất kinh doanh.

    Chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất tiền đồng tăng lên có thể khiến một số người từ bỏ ý định rút tiền ra mua USD, vàng hoặc các kênh đầu tư khác. Khi đó, nguồn vốn của ngân hàng sẽ ổn định hơn.

    Bởi theo ông Hiếu, hiện nay cơ bản thì các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, USD vẫn khá rủi ro. "Tỷ giá theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước biến động rất ít nên đầu tư thì tiền cũng không sinh lợi nhiều, còn vàng thời gian này lên xuống khá thất thường, chứng khoán thì phức tạp.... Do đó người dân nếu an toàn vẫn có thể chọn gửi ngân hàng", ông Hiếu phân tích.

    Thực tế là hơn 9 tháng qua, lãi suất tiết kiệm tuy không phải cao lắm nhưng lượng tiền nhà băng huy động vẫn không hề giảm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn đến cuối tháng 9 tăng khoảng 9\% so với cuối năm 2014.

    Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cũng tự tin nguồn vốn huy động ngân hàng sẽ ổn định khi hiện nay, các kênh đầu tư khác chưa mấy sáng sủa. Do đó, gửi tiết kiệm được xem là kênh phù hợp cho những người có tiền nhàn rỗi, muốn sinh lời nhưng không thích mạo hiểm", ông nói.

    Ông Toại cho biết thêm, hiện nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng đang chiếm đa số. Nếu người dân muốn lãi suất cao hơn thì có thể gửi dài hạn. "Việc nâng dần lãi suất ở các kỳ hạn dài còn có thể giúp nguồn vốn kỳ hạn dài của ngân hàng tăng lên, là xu hướng tốt", ông nói.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-suat-tien-gui-ky-han-nao-tai-ngan-hang-dang-cao-nhat-thang-102015-a115994.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.