+Aa-
    Zalo

    “Lạm phát” đầu vào đe dọa chất lượng đào tạo ở ĐH Hải Phòng - Kỳ 2: Thành tích tuyển sinh kiểu… “vung tay quá trán”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong lễ khai giảng năm học 2021-2022, trường Đại học (ĐH) Hải Phòng cho biết đã có gần 4.500 tân sinh viên, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Tuy nhiên, đi kèm với “kỷ lục” này, liệu có kéo theo sự lo ngại về đe dọa chất lượng đào tạo của nhà trường?

    Thành tích… “nổi”!

    Theo Đề án tuyển sinh năm 2021 trường ĐH Hải Phòng được Hiệu trưởng là ông Nguyễn Hoài Nam ký ngày 10/8/2021, mục 3.1.4 về “Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển” nêu cụ thể: “Năm 2021, trường xác định 3.791 chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy”.

    Thế nhưng, tính đến tháng 10/2021, số thí sinh trúng tuyển được trường ĐH Hải Phòng ban hành Quyết định trúng tuyển là 15.038 thí sinh, trong đó 12.662 thí sinh trúng tuyển theo phương thức 1 (Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2021); và 2.376 thí sinh trúng tuyển theo phương thức 2 (xét tuyển theo tổ hợp, có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp môn đạt từ 16,5 điểm trở lên). Đáng lưu ý là con số thí sinh đã nhập học để trở thành tân sinh viên của trường ĐH Hải Phòng năm học 2021-2022 hiện nay là 4.364 sinh viên.

    12

    Thành tích tuyển sinh của trường ĐH Hải Phòng đang đạt con số “kỷ lục”, nhưng lại đang là mối đe dọa chất lượng đào tạo.

    Một giảng viên có thâm niên công tác ở trường ĐH Hải Phòng đã bày tỏ: “Đó có thể là con số “khủng” trong lịch sử tuyển sinh của trường ĐH Hải Phòng mà ai cũng phải thừa nhận. So với kỳ tuyển sinh gần nhất, năm học 2020-2021, Đề án tuyển sinh của trường chỉ đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh gồm: 2.404 thí sinh đại học chính quy và 50 thí sinh cao đẳng chính quy.

    Nhưng kết quả tuyển sinh năm học 2020-2021 của trường ĐH Hải Phòng chỉ có khoảng 1.500 thí sinh trúng tuyển nhập học; hay năm học 2019-2020, trường cũng chỉ có khoảng 1.800 thí sinh trúng tuyển nhập học…”.

    Trong điều kiện tuyển sinh ngày càng khó khăn đối với các trường ĐH thuộc “top dưới”, nhất là khi một số trường còn không có “tân sinh viên” nhập học, nhìn vào con số của kết quả tuyển sinh năm học 2021-2022 ở trường ĐH Hải Phòng, chắc hẳn không ít đơn vị tuyển sinh phải “thèm thuồng”, ao ước…

    Thế nhưng ít ai thấy rằng, thành tích ấy đang là sự “đe dọa” đến chất lượng đào tạo trong tương lai ở trường ĐH Hải Phòng, có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng đầu ra là nguồn lực phục vụ cho xã hội. Bởi, xét về quy mô đào tạo, liệu trường ĐH Hải Phòng có cam kết được, đào tạo để gần 4.500 tân sinh viên vừa nhập học sẽ trở thành nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng sau này?

    Hệ lụy… “chìm”!

    Đề án tuyển sinh năm 2021 của trường ĐH Hải Phòng đặt chỉ tiêu tuyển sinh là 3.791 sinh viên; trong đó, đáng lưu ý, chỉ tiêu sinh viên ngành Tiếng Trung đặt ra là 150, nhưng đến nay, nhà trường đã tiếp nhận 611 tân sinh viên ngành tiếng Trung nhập học (đạt 407% so với chỉ tiêu đề ra).

    Tương tự, Đề án tuyển sinh đề ra chỉ tiêu tuyển sinh 150 sinh viên ngành Công nghệ thông tin, nhưng số tân sinh viên nhập học ngành này hiện nay là 428 sinh viên (đạt 285% chỉ tiêu đề ra). Ngành Quản trị Kinh doanh được trường ĐH Hải Phòng đặt chỉ tiêu tuyển sinh 170 sinh viên, nhưng con số tân sinh viên  nhập học đã là 530 (đạt 278% chỉ tiêu đề ra).

    Ngoài ra, trường ĐH Hải Phòng còn một số ngành có số tân sinh viên nhập học cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh. Chẳng hạn, ngành Kinh tế có số tân sinh viên nhập học 483 (đạt 193% so với chỉ tiêu đề ra là 250);  ngành Kế toán có số tân sinh viên nhập học là 419 (đạt 167% so với chỉ tiêu đề ra là 250); ngành Ngôn ngữ tiếng Anh có số tân sinh viên nhập học 247 (đạt 145% so với chỉ tiêu đề ra là 170)…

    222
    Nhiều mã ngành đang được trường ĐH Hải Phòng tuyển sinh vượt chỉ tiêu từ 150-300% so với đề án tuyển sinh.

    Khi mà tuyển đủ chỉ tiêu trong Đề án tuyển sinh, trường ĐH Hải Phòng đã phải xếp hàng chục giảng viên có trình độ đại học là giảng viên chủ trì tính chỉ tiêu đại học. Vậy có những ngành, con số tuyển sinh thực tế cao đến 407% thì chất lượng giảng viên chủ trì của trường ĐH Hải Phòng cho những ngành này sẽ ra sao?

    Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT) cho hay: “Chỉ tiêu tuyển sinh đã được các nhà trường làm việc với bộ GD&ĐT, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... để xác định quy mô tối đa. Tuy nhiên, nếu sau đó, nhà trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu ở mức quy định, bộ GD&ĐT nếu thành lập đoàn thanh tra, xác định được vi phạm thì sẽ bị xử lý.

    Trên thực tế, có thể có trường hợp, các năm trước, trường lấy điểm sàn ở mức này thì thiếu sinh viên do quá nhiều thí sinh ảo, nên năm nay đã hạ điểm sàn xuống thì lại gặp phải tình huống không nhiều thí sinh ảo nên số thí sinh trúng tuyển lại cao vượt lên. Tuy nhiên, trước tình huống ấy, phía nhà trường phải có sự điều chỉnh để cân đối hài hòa, nếu tiếp tục giữ nguyên, tức là đã vi phạm”.

    “Không chỉ có chuyện vượt chỉ tiêu, từng có những cơ sở giáo dục vướng phải các tiêu cực khác, như tự ý mở mã ngành và tuyển sinh đào tạo khi chưa được bộ GD&ĐT cho phép, như bài học từ trường ĐH Đông Đô trước đây. Nếu phía nhà trường đã sai phạm mà không kịp thời chấn chỉnh, để đến khi các cơ quan chức năng làm việc thì sẽ còn rất nhiều chuyện rầy rà.

    Mặc dù những tiêu cực trong các cơ sở giáo dục vốn dĩ không thể bao che, song, vẫn còn những người rất “liều”, cố tình làm dù biết khi bị phát hiện, sẽ phải chịu trách nhiệm rất nặng nề, như vụ bê bối ở trường ĐH Đông Đô là một ví dụ. Thông thường, sau khi xác định được có chuyện gian dối ở trường, không chỉ cán bộ quản lý của trường bị xử lý, mà có khi còn liên đới đến các chuyên viên, cán bộ ở Bộ...

    Đối với vấn đề tuyển sinh quá đông dẫn đến bức xúc của một số giảng viên khi bị “quá tải” giờ dạy, tôi cho rằng, bản thân các giảng viên phải trực tiếp có ý kiến lên Bộ, để sớm có hướng giải quyết. Xét theo từng mức độ vi phạm, có thể yêu cầu nhà trường điều chỉnh lại cho phù hợp, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động giảng dạy... Còn sinh viên nếu chỉ vô tình “bị kéo vào”, sẽ được Bộ tạo điều kiện, gửi sang trường đại học khác để hoàn thành chương trình học. Tuy nhiên, thời gian càng kéo dài, những vấn đề này sẽ càng trở nên phức tạp hơn”, TS. Lê Viết Khuyến đề cập.

    Theo luật sư Vũ Lợi (đoàn luật sư TP.Hà Nội), tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với Đề án tuyển sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng đào tạo, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào mức độ vi phạm của đơn vị tuyển sinh.

    “Đối với trường ĐH Hải Phòng, mã ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu tới hơn 300% là khó thể chấp nhận được. Việc này cần được bộ GD&ĐT sớm vào cuộc, nếu đúng như Đời sống & Pháp luật phản ánh thì cần xử lý theo Điều 10 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP” - luật sư Vũ Lợi nêu quan điểm.

    Tại Khoản 3 Điều 10, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định:  Phạt tiền  từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên. Ngoài ra đơn vị vi phạm phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu đối với hành vi vi phạm.

    (Còn nữa…)

    Nguyễn Khuê

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-phat-dau-vao-de-doa-chat-luong-dao-tao-o-dh-hai-phong-ky-2-thanh-tich-tuyen-sinh-kieu-vung-tay-qua-tran-a520037.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan