+Aa-
    Zalo

    Lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông sẽ chịu trách nhiệm nếu còn sim rác bán trên thị trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Cục Viễn thông (bộ Thông tin và Truyền thông) vừa thông tin về việc tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao

    (ĐS&PL) Cục Viễn thông (bộ Thông tin và Truyền thông) vừa thông tin về việc tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn tình trạng mua bán sử dụng sim kích hoạt sẵn.

    Theo đó, hiện nay tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 130 triệu và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao trên thế giới. Nước ta đã xuất hiện nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng SIM thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật (đe doạ tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo,…).  

    Việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho người dân tạo nền tảng cho các hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội trên mạng, đặc biệt là cho việc phát triển các dịch vụ mới như mobile money, định danh điện tử…

    Tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn tình trạng mua bán sử dụng sim kích hoạt sẵn, cục Viễn thông cũng nêu vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các thành phần xã hội trong hoạt động tăng cường, quản lý thông tin thuê bao và ngăn chặn sim kích hoạt sẵn.

    Theo đó, vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của người dân cụ thể là, theo quy định của pháp luật, các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho cá nhân khác mà không thực hiện thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông di động được coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt đến 500.000 đồng.

    Tin nhanh - Lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông sẽ chịu trách nhiệm nếu còn sim rác bán trên thị trường

    Ngăn chặn tình trạng mua bán sử dụng sim kích hoạt sẵn (Ảnh minh hoạ).

    Ngoài ra, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vụ án có liên quan đến số thuê bao di động mà một cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao nhưng không trực tiếp sử dụng, cá nhân hay tổ chức đó sẽ có trách nhiệm giải cần giải trình, chứng minh sự vô can của mình khi được cơ quan chức năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu các hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.

    Để chấm dứt tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn thì rất cần sự hưởng ứng, tham gia của người dân, các tổ chức, cá nhân trong xã hội đặc biệt là trong việc phối hợp, chỉ sử dụng sim thuê bao có thông tin đúng với thông tin cá nhân, tổ chức và mục đích sử dụng của mình; không mua bán sim kích hoạt sẵn, không cho các cá nhân, tổ chức khác mượn, sử dụng giấy tờ của mình để đăng ký thông tin thuê bao, thực hiện các thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

    Cục Viễn thông cũng nêu vai trò, trách nhiệm của các đại lý, điểm bán sim. Theo quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động, các hành vi “Bán sim thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng uỷ quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; giả mạo, sử dụng giấy tờ tuỳ thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” là những hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi bị phát hiện.

    Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm những vi phạm về quản lý thông tin thuê bao.

    Về phía doanh nghiệp viễn thông di động, ngày 26/3/2019, bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 866 nêu rõ: “Nếu vẫn còn hiện tượng bán sim rác trên thị trường trong thời gian tới, Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp viễn thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định của pháp luật”.

    Cụ thể, khi phát hiện tình trạng sim rác được bán trên thị trường, bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có công văn nhắc nhở Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp viễn thông lần thứ nhất và tiếp tục nhắc nhở lần hai nếu tình trạng này tiếp tục bị phát hiện.

    Nếu sau khi có văn bản nhắc nhở lần 2 mà vẫn phát hiện sim rác được bán trên thị trường, bộ Thông tin và Truyền thôn sẽ có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm hành chính, kỷ luật theo quy định của pháp luật, đồng thời không xem xét tặng các danh hiệu đối với Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp viễn thông.

    Nâng cao ý thức, bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của chính mình

    Cũng thông tin thêm, về vấn đề bảo mật thông tin đang được các thuê bao quan tâm đó là tính bảo mật của các thông tin này ra sao khi các vấn nạn lừa đảo, spam quảng cáo, quấy rối qua điện thoại di động vẫn xảy ra liên tục, các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung này ra sao?

    Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các quy định nghiêm cấm hành vi mua bán thông tin cá nhân trên mạng như Luật Viễn thông (điều 6); Luật An toàn thông tin mạng (điều 7); Nghị định 174/2013-NĐ-CP (khoản 4, khoản 5 điều 66); Chỉ thị số 11 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim sai quy định.

    Cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Cơ quan, tổ chức cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin đối với thông tin do mình xử lý.  

    Tiếp đó, điều 18 Luật An toàn thông tin mạng quy định chi tiết về thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân, cập nhật, sửa đổi, huỷ bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba. Ngay khi nhận được yêu cầu, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân hoặc cung cấp cho chủ thể thông tin cá nhân quyền tiếp cận để tự cập nhật, sửa đổi, huỷ bỏ thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đang lưu trữ.

    Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng, nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng. Tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ Luật hình sự.

    Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông hoàn thiện các quy trình, tăng cường bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp.  

    Thời gian tới, bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố có liên quan đến triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm (nếu có) để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị các cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức, bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của chính mình để từ đó bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của bản thân trước xã hội.

    Theo Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lanh-dao-doanh-nghiep-vien-thong-se-chiu-trach-nhiem-neu-con-sim-rac-ban-tren-thi-truong-a283003.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.