+Aa-
    Zalo

    Lấy máu không qua xét nghiệm: Trách nhiệm giám sát thuộc sở Y tế TP.HCM

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liên quan việc TT Hiến máu nhân đạo TP.HCM, thuộc hội Chữ thập đỏ lấy máu của người hiến máu không qua xét nghiệm, PV đã liên hệ với TS.BS.Trần Quý Tường.

    (ĐSPL) - Liên quan đến việc trung tâm Hiến máu nhân đạo (TT HMNĐ) TP.HCM, thuộc hội Chữ thập đỏ TP.HCM, lấy máu của người hiến máu không qua xét nghiệm được báo ĐS&PL liên tục đăng tải, PV đã liên hệ với TS.BS.Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh (bộ Y tế) để làm rõ hơn thông tin. Đặc biệt là việc sở Y tế TP.HCM cho rằng, Trung tâm này lấy máu rồi mới tiến hành xét nghiệm là phù hợp quy định tại Điều 10, Thông tư 26 của bộ Y tế hướng dẫn hoạt động truyền máu.

    Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM.

    Trong nội dung trả lời báo ĐS&PL, sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc TT HMNĐ lấy máu rồi mới tiến hành xét nghiệm là phù hợp quy định tại Điều 10, Thông tư 26 của bộ Y tế. Thưa ông, việc viện dẫn của sở Y tế TP.HCM có đúng với quy định hiện tại?

    Theo quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 của bộ Y tế hướng dẫn hoạt động truyền máu, có quy định về điều kiện hiến máu, tiêu chuẩn người hiến máu. Người hiến máu là người có đủ tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe và các điều kiện khác. Rõ ràng, trước khi lấy máu của người hiến máu, cơ sở lấy máu phải thực hiện khám lâm sàng, khai thác tiền sử và đặc biệt làm các xét nghiệm theo quy định, trong đó có xét nghiệm nhanh HbsAg với người đăng ký hiến máu lần đầu. Đây là quy định bắt buộc.

    Trong quy định này, không bắt buộc làm xét nghiệm HbsAg khi khám tuyển chọn với người đăng ký hiến máu đã có kết quả sàng lọc HbsAg lần gần nhất không có phản ứng hoặc có kết quả âm tính trong 12 tháng. Trong trường hợp những người bị nghi ngờ có HbsAg dương tính muốn hiến máu phải có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp trong 6 tháng bằng kỹ thuật Elisa mới cho phép hiến máu. Trong quy định, cơ quan quản lý đã rất thận trọng trong việc xét nghiệm sàng lọc trước khi hiến máu.

    Thực tế xảy ra trường hợp xét nghiệm HbsAg dương tính nhưng sử dụng thuốc điều trị, chế độ ăn uống, luyện tập trong thời gian dài có thể trở về âm tính. Chính vì thế, để đảm bảo chính xác, quy định còn nói rõ là phải hai lần xét nghiệm âm tính trong 6 tháng bằng kỹ thuật Elisa mới cho phép hiến máu. Các quy định chặt chẽ về tuyển chọn, sàng lọc người hiến máu như vậy để đảm bảo chất lượng và an toàn truyền máu. Đặc biệt nhấn mạnh hai nhóm xét nghiệm quan trọng là xét nghiệm huyết học (đảm bảo các chỉ số huyết sắc tố, số lượng hồng cầu...) và xét nghiệm nhóm bệnh truyền nhiễm (HbsAg, HIV...).

    Tôi xin khẳng định lại, các xét nghiệm sàng lọc quy định tại Điều 8 của Thông tư số 26 là bắt buộc. Và đã là bắt buộc thì không được viện dẫn điều gì để không làm các xét nghiệm này. Nếu cơ sở đó chưa có đủ điều kiện làm đầy đủ các xét nghiệm thì phải khắc phục, nếu tiếp tục không đủ điều kiện thì không được làm.

    Với các TT HMNĐ, việc giám sát chuyên môn nghiệp vụ thuộc trách nhiệm của đơn vị nào, thưa ông?

    Về trách nhiệm thực hiện, tại Điều 65 của Thông tư số 26 nêu ở trên cũng quy định rõ: “Giám đốc sở Y tế thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, đánh giá hoạt động truyền máu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở truyền máu trên địa bàn quản lý”. Ở đây trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động lấy máu của TT HMNĐ thuộc hội Chữ thập đỏ TP.HCM là thuộc thẩm quyền của sở Y tế TP.HCM.

    TT HMNĐ có nói lý do không đủ trang thiết bị máy móc để làm xét nghiệm, vậy trách nhiệm cung cấp trang thiết bị máy móc này thuộc đơn vị nào, thưa ông?

    Hội Chữ thập đỏ hay bất kỳ tổ chức, cơ sở nào cũng có thể tham gia hoạt động khám chữa bệnh, truyền máu nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện trang thiết bị, chuyên môn theo quy định. Về trang thiết bị, TT HMNĐ thuộc hội Chữ thập đỏ TP, chính vì vậy trách nhiệm chăm lo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc thu gom máu, lấy máu đầu tiên thuộc hội Chữ thập đỏ TP. Nếu như hội Chữ thập đỏ TP không đủ điều kiện có thể kêu gọi xã hội hóa hoặc nếu không kêu gọi được xã hội hóa phải báo cáo Chủ tịch TP để được hỗ trợ.

    Tôi đề nghị sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động truyền máu trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt là thực hiện đúng quy định của Thông tư số 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 của bộ Y tế về hướng dẫn hoạt động truyền máu, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền cần báo cáo Chủ tịch TP.HCM hoặc bộ Y tế để xem xét, giải quyết kịp thời, luôn bảo đảm đủ máu và an toàn truyền máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng.

    Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

    ĐỖ THƠM

    [mecloud]lpX7jFjqcf[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lay-mau-khong-qua-xet-nghiem-trach-nhiem-giam-sat-thuoc-so-y-te-tphcm-a139160.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan