+Aa-
    Zalo

    Loay hoay như cộng đồng làm... du lịch cộng đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đây là hai trong số vô vàn ví dụ cho thấy sự “tự phát” của du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay.

    Một đàn ngựa đang nhẩn nha gặm cỏ cạnh hồ Đồng Lâm thơ mộng thì có nhóm nhiếp ảnh đi qua tỏ ý muốn được chụp cảnh ngựa chạy qua hồ bọt tung trắng xóa. Lập tức một anh xe ôm đứng ra nhận “job” đuổi ngựa chạy và thu 700 nghìn đồng, mặc dù không được chủ ngựa cho phép. UBND xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức khóa tập huấn làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) cho bà con trong xã nhưng phải phát 50 nghìn đồng/người thì dân mới đi học. Đây là hai trong số vô vàn ví dụ cho thấy sự “tự phát” của du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay.

    Núi rừng đang say ngủ...

    Chỉ cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 2 giờ chạy xe là lên đến xã Hữu Liên (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Nơi đây sở hữu rừng tự nhiên rộng tới 8,9 nghìn ha, được ví như lá phổi xanh của vùng Đông Bắc, thác Khe Dầu hùng vĩ, danh thắng hồ Đồng Lâm sơn thuỷ hữu tình... song dấu ấn du lịch thì còn khá mờ nhạt. Nhìn một lượt chỉ thấy vài cơ sở lưu trú là có vẻ chuyên nghiệp, còn lại khá sơ sài. Ngày lễ có khá đông khách du lịch đến tham quan sáng tác và nghỉ dưỡng nhưng có rất ít lý do để thuyết phục họ ở lại qua đêm.

    Vào ngày nghỉ lễ 2/9/2020, khi chúng tôi có mặt ở đây, Cẩm Vân - Học sinh lớp 12 của trường THPT Hữu Lũng - được giới thiệu là tour guide của đoàn chúng tôi. Cô bé khá nhanh nhẹn và linh hoạt, nhưng khi được đề nghị giới thiệu nhà người Dao Hoa ở Hữu Liên thì Vân lộ rõ vẻ lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu. Chúng tôi phải gợi ý cho Vân những gì cần làm thì mới đến được ngôi nhà sàn của một gia đình người Dao Hoa ở thôn Liên Châu. Họ khá rụt rè, khi được thuê mặc trang phục Dao để chụp ảnh thì có người từ chối thẳng thừng vì không hiểu ý và còn bận đi ăn Tết Độc lập.

    Sau đó, chúng tôi đến hồ Đồng Lâm, muốn chụp ảnh với ngựa, dù đó chỉ là những con ngựa gầy guộc nuôi để đẻ và nấu cao là chính. Để có những bức ảnh đàn ngựa xô nhau phi nước đại trên hồ đầm lầy tạo nên thảm bọt nước trắng xóa, thì cần phải có người điều khiển ngựa. Hỏi mãi không thấy chủ ngựa đâu, chỉ thấy vài anh xe ôm đứng ra ngã giá 700 nghìn đồng cho khoảng 5 - 6 lần ngựa chạy qua hồ. Tất cả cho thấy sự “không sẵn sàng” làm du lịch cộng đồng ở nơi đây.

    “Hữu Liên chỉ bắt đầu làm du lịch vào cuối năm 2017, đến 2019 thì đông khách dần lên. Nhưng cơ sở vật chất thì chưa đầy đủ lắm, cả xã mới có 5 homestay” – Cẩm Vân nói với PV Đời sống & Pháp luật.

    Tiềm năng biển gọi...

    PV ĐS&PL đã hai lần đến Bình Định và nhận ra mảnh đất này quá tiềm năng cho DLCĐ (có thế mạnh về văn hoá làng chài đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên đẹp...) nhưng cũng như Hữu Liên, quá trình phát triển loại hình du lịch này vẫn đang ở giai đoạn đầu nên hết sức... loay hoay.

    Cuộc sống đời thường của người Dao Hoa ở thôn Liên Châu, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ảnh: Thái Bảo

    Tại hai huyện Nhơn Lý và Phù Mỹ là hai vùng “trọng điểm” phát triển DLCĐ, đa số người dân địa phương tham gia làm du lịch khá thụ động, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Họ xả rác còn nhiều hơn khách du lịch. Và chính trong cộng đồng đó, họ bán phá giá dịch vụ, tranh giành khách với nhau... Hệ quả tất yếu là hiệu quả làm DLCĐ tại đây hoàn toàn chưa xứng với tiềm năng.

    Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, bà Lê Thị Vinh Hương - Phó Giám đốc sở Du lịch Bình Định - cho biết, khu vực Bãi Xép (thuộc huyện Nhơn Lý) chỉ có 6 cơ sở kinh doanh lưu trú homestay và một số resort nhưng hiệu quả kinh doanh thấp. Năm 2018 các cơ sở lưu trú này đạt 10.000 lượt khách, tăng trưởng trung bình 15%/năm.

    Huyện Phù Mỹ thì hầu như chưa được biết đến. Từ năm 2017 đến nay, mới có công ty Bình Long Travel khai thác DLCĐ với tour đi về trong ngày. “Số lượng khách mỗi tour chỉ tối đa 40 người, có tour 5 - 7 người vì đường sá, cơ sở vật chất còn hạn chế. Một năm cũng chỉ có ba tháng 5, 6, 7 là có tour vì có bí đao khổng lồ và tắm, lặn biển được” – anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc công ty Du lịch Bình Long, cho hay.

    Cần những “đại sứ du lịch cộng đồng”

    Những năm gần đây, hình thức du lịch cộng đồng (do cộng đồng dân cư quản lý, dựa chủ yếu vào văn hóa bản địa, hướng đến phát triển bền vững cho địa phương - PV) có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Nhà nước cũng có chủ trương khuyến khích phát triển loại hình du lịch bền vững này, thể hiện ở luật Du lịch 2017.

    Được biết, ngày 4/11/2019, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn). Từ năm 2018, sở Du lịch tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển DLCĐ trong tỉnh để trang bị cho cộng đồng kiến thức cơ bản về du lịch bền vững, quy định pháp luật về hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy giá trị văn hóa...

    Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Nhơn Lý, nhiều người dân chưa ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với DLCĐ ở địa phương nên các lớp tập huấn phải trích quỹ phát cho người học 50 nghìn đồng/buổi thì họ mới đến học.

    Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Vinh Hương nhận định, để có thể phát triển DLCĐ một cách bài bản chuyên nghiệp và bền vững thì cần có sự tham gia của cả chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về chuyên môn lẫn các chuyên gia và cộng đồng dân cư làm du lịch. Trong đó mỗi người dân cần phải ý thức được rằng mình chính là một “đại sứ du lịch”.

    Minh Minh
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (143)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loay-hoay-nhu-cong-dong-lam-du-lich-cong-dong-a338710.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan