+Aa-
    Zalo

    LS lý giải vì sao không dẫn độ nghi phạm hành hạ trẻ em

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Tiến sĩ luật Trần Minh Ngọc: “…Thông lệ quốc tế đều như vậy cả. Các nước sẽ không dẫn độ công dân của mình ra nước ngoài là có căn cứ..."

    (ĐSPL) – Theo Tiến sĩ, Trưởng Bộ môn Tư pháp Quốc tế Trường Đại học luật Hà Nội Trần Minh Ngọc: “…Thông lệ quốc tế đều như vậy cả. Các nước sẽ không dẫn độ công dân của mình ra nước ngoài…”

    Vụ việc Nguyễn Thành Dũng công dân Việt Nam bạo hành bé trai Campuchia tại một nông trường ở Campuchia đã gây phẫn nộ trong dư luận trong thời gian qua. Nguyễn Thành Dũng hiện đang bị cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam mà không dẫn độ về Campuchia.

    Phóng viên có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Lê Minh Ngọc về vấn đề dẫn độ công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Tiến si Trần Minh Ngọc hiện là Trưởng Bộ môn tư pháp quốc tế của trường Đại học luật Hà Nội - Một trong những trường Đại học hàng đầu về đào tạo chuyên gia pháp lý, cán bộ, luật sư tại Việt Nam. 

    PV: Ông có thể cho biết Pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc xử lý người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài chưa? 

    TS. Trần Minh Ngọc: Hiện nay Pháp luật Việt Nam đã có quy định về việc xử lý người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 6 Bộ Luật Hình sự 1999 quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì: “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này…”

    Ngoài ra, cũng theo khoản 1 và khoản 2 Điều 6, việc xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội ở nước ngoài còn áp dụng đối với trường hợp người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Ví dụ: tội chống loài người, tội phạm chiến tranh.

     Tiến sĩ, Trưởng Bộ môn Tư pháp Quốc tế Trường Đại học luật Hà Nội Trần Minh Ngọc

    PV: Việc không dẫn độ anh Nguyễn Thành Dũng về Campuchia có nằm trong khuôn khổ Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Campuchia?

    T.S. Trần Minh Ngọc: Khoản 1 Điều 4 Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Campuchia năm 2013 có hiệu lực từ 9/10/2014 quy định rõ: Mỗi Bên có quyền từ chối dẫn độ công dân của quốc gia mình. Quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ được xác định vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội nêu trong yêu cầu dẫn độ.” Như vậy, căn cứ vào điều luật này của Hiệp định thì việc không dẫn độ anh Nguyễn Thành Dũng (vào thời điểm phạm tội mang quốc tịch Việt Nam) về Campuchia hoàn toàn nằm trong khuôn khổ Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Campuchia.

    Theo khoản 2 Điều 4 của Hiệp định, trong trường hợp từ chối dẫn độ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thành Dũng, đồng thời yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Campuchia cung cấp các tài liệu và chứng cứ có liên quan đến vụ án.

    PV: Đặt giả thiết nếu tội phạm người Campuchia sang Việt Nam gây những tội đăc biệt nghiêm trọng thuộc khung hình phạt tử hình và sau đó bỏ trốn sang Campuchia (Hiện nay Campuchia không áp dụng hình phạt tử hình), trong trường hợp này xử lý thế nào?

    TS. Trần Minh Ngọc: Về nguyên tắc chung của Luật quốc tế, các quốc gia khi đã ký kết điều ước quốc tế phải ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Vì Việt Nam và Campuchia đã có hiệp định dẫn độ nên trong trường hợp này nếu Việt Nam có đề nghị dẫn độ thì Campuchia cũng sẽ từ chối dẫn độ công dân của mình theo Điều 4 của Hiệp định. Thông lệ quốc tế đều như vậy cả. Các nước sẽ không dẫn độ công dân của mình ra nước ngoài. Việc xử lý hình sự đối với công dân Campuchia sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Campuchia tiến hành dựa vào pháp luật hình sự của Campuchia.

    PV: Người Việt Nam phạm tội  Hình sự ở nước ngoài, sau đó trốn về Việt Nam. Nhưng tội đó ở Việt Nam không được xem là phạm tội Hình sự (ví dụ với với tội “Khi quân” ở Thái Lan) thì người này có thể bị cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam bắt không?

    TS. Trần Minh Ngọc: Người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài theo pháp luật hình sự nước sở tại nhưng không phạm tội theo Bộ luật Hình sự Việt Nam thì không bị xử lý hình sự ở Việt Nam (Theo khoản 1 Điều 6 Bộ Luật HS 1999 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chỉ xử lý hình sự công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài mà theo BLHS Việt Nam cũng là có phạm tội). 

    Xin cám ơn ông.

    Ngọc Anh (thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ls-ly-giai-vi-sao-khong-dan-do-nghi-pham-hanh-ha-tre-em-a173728.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan