+Aa-
    Zalo

    “Luật rừng ở vỉa hè” và những thế lực ngầm thao túng đội quân hàng rong

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tuy biết rõ việc lấn chiếm lòng lề đường là sai phạm, nếu bị cơ quan chức năng thu giữ hàng hóa thì có thể trắng tay nhưng nhiều người vẫn “điếc không sợ súng”.

    (ĐSPL) - Tuy biết rõ việc lấn chiếm lòng lề đường là sai phạm, nếu bị cơ quan chức năng thu giữ hàng hóa thì có thể trắng tay nhưng nhiều người vẫn “điếc không sợ súng”.

    Sở dĩ có hiện tượng này là vì họ được “lực lượng bảo kê” bảo vệ. “Lực lượng” này luôn vỗ ngực tự khoe có mối quan hệ rộng và thân thiết với cơ quan chức năng? “Lực lượng” này đang âm thầm thao túng và có “luật ngầm”. PV báo ĐS&PL đã tìm hiểu thực trạng này và nhận ra không ít góc khuất đáng sợ...

    Tam giác vàng - Tam giác đen

    Nhiều lần chứng kiến cơ quan chức năng ra quân dẹp nạn bán hàng rong ở lòng đường, vỉa hè, PV báo ĐS&PL nhận thấy sau đó đâu lại vào đấy. Dường như những người bán hàng rong tự phân chia khu vực của mình và đặt ra những nguyên tắc riêng mà “dân trong nghề” hay gọi là “luật rừng vỉa hè”.

    Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, vào mỗi buổi chiều, tại khu vực bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), có hàng chục quầy hàng buôn bán lấn chiếm đến nửa phần đường Nguyễn Chí Thanh. Được biết phần vỉa hè khu vực quanh bệnh viện (thuộc đường Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều), được tận dụng làm nơi giữ xe cho thân nhân, bệnh nhân. Vì không còn không gian trống trên vỉa hè nên những người bán hàng “rủ nhau” kéo xuống mặt đường.

    Xe ôm, cò việc làm, cò nhà trọ tranh thủ chèo kéo khách ngay vỉa hè cạnh bến xe Miền Tây.

    Khoảng từ 15h30 đến 18h30, nơi đây trở nên nhốn nháo hơn bao giờ hết. Người bán thì chèo kéo, người mua thì cò kè trả giá, mặc cho người đi đường đang khổ sở vượt qua ùn tắc. Khu vực trước cửa bệnh viện Chợ Rẫy còn được biết đến như một “tam giác vàng”.

    Nơi đây thuộc địa bàn của ba phường giáp ranh của hai quận khác nhau. Cổng chính bệnh viện thuộc phường 12, quận 5, trong khi phía đối diện lại thuộc phường 4 và phường 7 của quận 11. Người dân sống quanh bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở mỗi bên phường đều có lực lượng an ninh túc trực nhưng lực lượng này còn hơi mỏng nên chưa đủ sức “dẹp” những người bán hàng này. Vừa đẩy đuổi ở bên đây, họ lại di chuyển qua bên kia.

    Theo tìm hiểu của PV, những người bán hàng trước bệnh viện Chợ Rẫy phần lớn đều đã buôn bán ở đây trong nhiều năm. Họ tự phân chia khu vực và đặt ra những nguyên tắc riêng. Trong vai người muốn hỏi xin bán hàng ở đây, chúng tôi tiếp chuyện với một phụ nữ bán tàu hũ tên Thương, ở góc nhỏ trước vỉa hè bệnh viện Chợ Rẫy.

    Chị này cho biết: “Ở đây có nhiều người bán hàng như vậy nhưng không dễ sống đâu chú ơi. Mấy người bán cà phê khu vực ở gần cổng bệnh viện hung hăng lắm. Những người mới đến bán đều bị họ kiếm chuyện, đập phá đồ đạc. “Ma mới” muốn yên ổn để bán hàng thì không được bán cùng mặt hàng và mỗi tháng phải chi một phần lợi nhuận cho “ma cũ”.

    Dù đã bán hàng ở đây được 10 năm rồi nhưng tôi vẫn thường bị bọn chúng chèn ép. Nghe đâu mấy người bán hủ tiếu, quần áo, nước mía ở gần cổng bệnh viện đều phải đóng phí, mỗi tháng 2-3 triệu đồng cho một người đàn ông bán cà phê tên Hùng ở phía bên kia. Do ổng có quan hệ thân thiết với bên đô thị nên ai muốn vô đây bán đều phải hỏi qua ổng”.

    Cũng theo chị Thương, do phải đóng “phí mặt bằng” nên mấy người bán hàng ở gần cổng thường bán hàng với “giá cắt cổ”, tha hồ “chặt chém” người mua. Ông Nguyễn Văn Sáu (quê Trà Vinh) từng ăn uống ở khu vực này ngán ngẩm chia sẻ: “Tôi thường lên đây khám bệnh. Có lần ăn bát hủ tiếu bên lề đường, tưởng giá bình dân, ai ngờ nó “quất” tui 35 ngàn đồng. Hủ tiếu thì chẳng ra gì”.

    Theo khảo sát của PV, các mặt hàng bán ở khu vực bệnh viện đều có giá cao gấp đôi, ba lần bên ngoài, nhưng khách vẫn phải bấm bụng mua.

    Rời khu vực gần bệnh viện Chợ Rẫy, PV đến khu vực bến xe Miền Tây. Theo quan sát, ở hai bên đường Kinh Dương Vương đầy rẫy các hàng quán cà phê, hủ tiếu có gắn thêm bảng hiệu “cho thuê xe”, “xe khách chất lượng cao”... Chủ những quầy hàng này thường liên kết với các nhà xe, vừa bán hàng vừa làm cò vé xe đồng thời kiêm luôn việc tập kết khách.

    Tại một cây xăng đối diện bến xe Miền Tây, PV nhận thấy mỗi khi có xe đến đón hay trả khách, là từ bên trong có một đám người “bu” lại. Tiếp cận với họ, chúng tôi nhận thấy có đủ các thành phần như: Xe ôm, bán hàng rong và cả cò nhà trọ, cò việc làm, thậm chí có cò bất động sản!

    Có hay không sự “tiếp tay”?

    Nhiều ngày quan sát ở một số tuyến đường trọng điểm như đường Thành Thái giao đường Bắc Hải, đường Sư Vạn Hạnh nối dài tới siêu thị Miền Đông (quận 10), đường Tô Hiến Thành kéo dài tới đoạn giao đường Cách Mạng Tháng Tám..., PV chứng kiến cảnh buôn bán, chèo kéo khách của những người bán hàng ở đây.

    Trong vai người khách đi dạo và ăn khuya, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với chị Trần Thu M. (bán nước tại đường Tô Hiến Thành). Chị M. cho biết: “Vẫn biết việc bán hàng tại lề đường là vi phạm nhưng nói thật nếu có tiền “nước nôi” cho bọn họ thì sẽ không bị dân phòng, cán bộ trật tự đô thị, công an phường đi “hốt” đồ đạc đâu?! Bởi lẽ, họ “bắt tay nhau” hết rồi. Nếu như lúc này tôi không bán nước nữa thì cũng vẫn có hàng tá người khác công khai buôn bán dưới lòng đường từ chiều đến đêm. Sở dĩ những người này có thể bán hàng công khai là do có sự “bảo kê””.

    Phân chia lãnh địa trong công viên

    Công viên 30-4 (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) là địa điểm cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ hàng nước vào buổi tối. Tiếp cận một chủ điểm cà phê bệt trong công viên, khi PV ngỏ ý muốn tham gia bán hàng thì ông này dọa: “Ở đây đã phân chia chỗ hết rồi, lớ rớ tới là nó đập cho đấy. Chỗ của ai thì người đó bán, dù không có khách nhưng người lạ cũng đừng hòng chiếm chỗ. Ai muốn lấn sân thì phải xì tiền”. Theo tìm hiểu của PV, khu vực này được sự bảo kê của đại ca T.. PV đã cố gắng tiếp cận đại ca này nhưng không được.

    Nói về người “bảo kê”, chị M. tỏ rõ sự ấm ức: “Trước kia, mỗi tháng tôi cũng nộp cho một gã đàn ông tên H. 500 ngàn đồng tiền “bảo kê” chỗ bán hàng. Tay này quảng cáo với những người bán hàng lề đường là có người quen làm cán bộ đô thị và cán bộ phường, mỗi ngày, khi phường hay quận có xe đi tuần tra, hắn sẽ gọi điện thông báo cho tụi tôi dọn hàng tạm lánh một, hai giờ đồng hồ. Sau khi xe tuần tra đi qua, chúng tôi lại dọn hàng ra bán bình thường. Tuy nhiên, nhiều lần gã bảo kê còn vòi tiền kiểu đến mượn tiền, hẹn vài ngày sau sẽ trả nhưng đến ngày hẹn, nếu tôi có hỏi thì gã im lặng rồi xù luôn...”.

    Theo ghi nhận từ người bán hàng rong, có nhiều “bảo kê” nhận mình là người nhà của cán bộ phường, quận... hoặc có mối quan hệ với cơ quan chức năng, nên sẽ giúp được người buôn bán nếu họ chịu... chi tiền(?!). Tùy mặt hàng mà bảo kê thu của người bán hàng rong số tiền từ vài trăm đến vài triệu đồng.

    Anh Bùi Văn D. (bán nước gần bệnh viện 115) chia sẻ thêm: “Nhà tôi có mặt bằng để buôn bán hàng nước, hàng ăn cho người dân qua lại bệnh viện nên tôi không gặp rắc rối chứ nhiều người buôn bán hàng rong đến đây mua hàng sỉ về bán lẻ phàn nàn về việc bị ép bảo kê. Hễ thấy ai mới mở hàng bán dạo, hay chọn được góc đường nào bán nước, đồ ăn... là xuất hiện ngay một, hai thanh niên đến gây sự đòi bảo kê nếu không chúng sẽ phá đồ đạc, dọa tố công an... Nhiều người đã phải nộp tiền cho bảo kê để được yên ổn”.

    Trao đổi với PV về vấn đề trên, một cán bộ quản lý đô thị quận 10 cho biết: “Việc dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thành nơi buôn bán không chỉ làm ngày một, ngày hai là xong. Chúng tôi chỉ làm việc theo nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

    Tuy nhiên, các đối tượng gọi là “bảo kê”, có mối quan hệ với cơ quan chức năng ấy như thế nào thì cần phải xem xét lại bởi lẽ có thể chúng lợi dụng sự sai phạm của người dân để tìm cách đe dọa lấy tiền với danh nghĩa quen biết cơ quan chức năng. Còn thông tin cán bộ làm “bảo kê”, chúng tôi chưa nắm được... Nếu người dân phát hiện cán bộ đô thị, công an nào làm “bảo kê” thì hãy trình báo, chúng tôi sẽ có phương án xử lý nghiêm”.

    “Chặt chém” khách nước ngoài

    Ngày 13/5, lực lượng chức năng phường Bến Thành, quận 1 và phường 6, quận 3 (TP.HCM) cho biết, vẫn đang tiếp tục làm rõ nhóm người bán dừa với giá hàng trăm ngàn đồng/trái cho khách nước ngoài.

    Trước đó, theo phản ánh từ nhiều người, thời gian gần đây, tại địa bàn hai phường trên xuất hiện một nhóm khoảng 30 người thường xuyên chèo kéo, bán dừa cho khách du lịch tại các điểm du lịch đông người với giá “cắt cổ” 100-200 ngàn đồng/trái. Điều đáng nói, những người này không bán hàng riêng lẻ mà có một đội quân, phân chia lãnh địa tại các con đường trung tâm quận 1, nơi tập trung nhiều khách du lịch để “chặt chém”...

    H.MINH – T.TÙNG

     Xem thêm video: 

    [mecloud]FysKMSH90i[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-rung-o-via-he-va-nhung-the-luc-ngam-thao-tung-doi-quan-hang-rong-a94622.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.