+Aa-
    Zalo

    Mại dâm biến tướng tinh vi: Càng chống càng… tăng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi. Các đối tượng mua bán dâm giao dịch qua mạng internet, thậm chí hoạt động có yếu tố nước ngoài.

    Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi. Các đối tượng mua bán dâm giao dịch qua mạng internet, thậm chí hoạt động có yếu tố nước ngoài. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy, khiến tệ nạn mại dâm rất khó kiểm soát, xử lý.

    Trước thực trạng mại dâm biến tướng ngày càng tinh vi, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, trường đại học Luật TP.HCM.

    PV: Việc mua bán dâm luôn bị xã hội lên án. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xuất hiện ngày càng nhiều và có phần tinh vi, phức tạp hơn. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

    TS. Lê Nguyên Thanh: Hiện tượng mua bán dâm tồn tại từ xưa đến nay. Ở hầu hết các nước trên thế giới, nó bị xem là vi phạm đạo đức và pháp luật. Tùy từng trường hợp, hành vi liên quan đến mua bán dâm bị coi là tội phạm như: Mua dâm người chưa thành niên, tổ chức, môi giới mại dâm, chứa mại dâm...

    Hiện tượng mại dâm rất khó hạn chế bởi nó xuất phát từ những nhu cầu có thực về việc làm, thu nhập, giải trí và đời sống tình dục. Quản lý, kiểm soát cũng rất khó khăn bởi khó phân biệt giữa mại dâm và tình dục không phải mại dâm, trừ khi nó hoạt động có tổ chức.

    TS. Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, trường đại học Luật TP.HCM

    PV: Vì sao dù biết bán dâm sẽ bị đánh giá về đạo đức và phạm pháp nhưng các vụ bán dâm lại không ngừng tăng lên và nhiều cô gái trẻ mắc phải. Thậm chí, có một bộ phận diễn viên, người mẫu cũng tham gia bán dâm?

    TS. Lê Nguyên Thanh: Thực tế, nhiều nước trên thế giới cho phép mại dâm hoạt động có kiểm soát. Thậm chí, một số quốc gia coi mại dâm là hợp pháp bên cạnh các loại hình du lịch, giải trí đem lại nguồn thu.

    Tại Việt Nam, hoạt động mại dâm là vi phạm pháp luật, bị cấm đoán bằng nhiều biện pháp hành chính, hình sự và lên án về đạo đức.

    Có thể phân chia mại dâm thành 2 loại: Mại dâm bình dân đáp ứng nhu cầu tình dục phổ biến của những người có thu nhập thấp, không phải lúc nào cũng được đáp ứng một cách hợp pháp. Người bán dâm đa phần không có việc làm, học vấn thấp, không có tay nghề, khó khăn về kinh tế.

    Thứ hai là mại dâm xa hoa. Loại này, cao cấp hơn thường đáp ứng nhu cầu tình dục, kể cả giao tiếp cho những người có tiền, có chức. Loại này thực hiện ở dạng “ăn bánh, trả tiền”, “gái bao” trong một thời gian nhất định hoặc dịch vụ kèm các tour du lịch, công tác trong và ngoài nước.

    Người bán dâm loại thứ hai có thể là người đẹp, diễn viên, người mẫu có tiền. Tuy nhiên, họ muốn thu nhập cao hơn từ mại dâm để thỏa mãn cuộc sống hưởng thụ, xa hoa mà không phải lao động nặng nhọc. Dù người bán dâm là ai, nghèo hay giàu, họ vẫn xem đó là nghề có thu nhập.

    PV: Tại sao người mua dâm lại bỏ ra một số tiền lớn để tìm đến những diễn viên, người mẫu, phải chăng họ cũng ham cái “mác” của các đối tượng này?

    TS. Lê Nguyên Thanh: Hiện tượng mại dâm có nguyên nhân từ 2 phía, người mua dâm và bán dâm, chứ không phải chỉ người bán dâm. Trên thực tế, nguồn “cung” tồn tại cũng xuất phát từ nhu cầu có thực. Tuy nhiên, ít ai tìm hiểu người mua dâm mà chỉ phán xét người bán dâm.

    Người mua dâm vừa có nhu cầu, vừa có tiền. Tùy vào nhu cầu và tiền mà họ chọn người bán dâm vừa thỏa mãn nhu cầu tình dục, vừa có cảm giác bên cạnh người nổi tiếng, đẹp, bề ngoài sang trọng...

    Hiện nay, pháp luật quy định, xử phạt những người bán dâm còn người mua dâm vẫn chưa có quy định cụ thể. Trong các vụ án mua bán dâm, danh tính, diện mạo của người mua thường không được nói tới. Phải chăng đây chính là “lỗ hổng” trong pháp luật khiến tệ nạn này ngày càng tinh vi, phát triển?

    Pháp luật không phân biệt trong xử lý giữa người bán dâm và mua dâm. Họ bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, riêng pháp luật hình sự coi hành vi tổ chức, môi giới, chứa mại dâm là tội phạm còn mua bán dâm không bị coi là tội phạm (trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên).

    Như đã biết, thực tế rất khó chứng minh hành vi mua bán dâm. Tổ chức, môi giới, chứa mại dâm dễ chứng minh hơn và khả thi hơn trong truy cứu trách nhiệm hình sự với mục tiêu đánh vào việc thu lợi bất chính, mặc dù có mua bán thì mới có chứa chấp, môi giới và tổ chức mại dâm.

    Việc công bố danh tính, diện mạo người mua dâm không phải là giải pháp hay. Bởi, nó ảnh hưởng đến gia đình, con cái của họ. Mục tiêu trừng phạt, răn đe thấp nhưng tổn hại cho người thân, gia đình là rất rõ.

    PV: Được biết, một số quốc gia trên thế giới đã hợp thức hóa mua bán dâm để dễ quản lý. Vậy, theo ông Việt Nam có nên thực hiện theo hay không?

    TS. Lê Nguyên Thanh: Việc cho phép mại dâm có kiểm soát không còn là vấn đề mới ở nhiều nước. Ở nước ta đã có thời gian vấn đề này được trao đổi nhiều trên các diễn đàn nhưng không có kết quả. Nước ta cấm mại dâm nhưng gần như bất lực trước tệ nạn này bởi khả năng phát hiện, xử lý quá ít so với thực tế.

    Cấm mại dâm càng làm cho tệ nạn này tồn tại dưới dạng không công khai, dẫn đến khó kiểm soát. Mặt tiêu cực của nó là không kiểm soát được bệnh tật của người mua, bán dâm; tình trạng bảo kê, bóc lột người bán dâm, tình trạng lây bệnh vẫn nặng nề. Chưa kể liên quan đến các đường dây buôn bán người dùng vào mục đích mại dâm.

    Vì thế, trong điều kiện hiện nay, Nhà nước cần đánh giá khách quan hơn về tình hình mại dâm và kiểm soát tệ nạn này. Nếu cấm mà không ngăn chặn được thì nên nghĩ đến giải pháp cho phép mại dâm hoạt động có kiểm soát.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

    Xử lý cả người mua dâm mới đủ răn đe

    Người mẫu, diễn viên Phi Thanh Vân: Trong giới giải trí, chuyện bán dâm của người mẫu, diễn viên có từ lâu. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng có, thậm chí tinh vi hơn. Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là vì thu nhập của họ rất bấp bênh.

    Nhiều bạn trẻ mới vào nghề chỉ được 200.000–400.000 đồng/đêm, làm lâu năm hơn cũng chỉ 700.000-800.000/đêm. Chỉ khi là ngôi sao, các bạn mới có giá 3–4 triệu/show. Nhưng thực sự đâu phải ngày nào cũng có show. Chính điều đó khiến một số em đi vào con đường sai trái.

    Bán dâm cũng có 2 dạng. Một là bị ép buộc, lỡ ký hợp đồng hay nhận lợi ích từ trước nên rất khó hoàn lương. Còn lại là dạng tự nguyện. Các em tự tổ chức với nhau thành nhóm rồi đi khách, dần dần hoạt động thành đường dây chuyên nghiệp

    Chuyện gì cũng phải có cung mới có cầu. Nếu không có người đi mua dâm thì làm sao có người bán và người môi giới mại dâm. Nhưng hiện nay, luật pháp Việt Nam chỉ mới xử lý trách nhiệm hình sự với người bán và môi giới. Theo tôi phải xử lý cả người mua dâm mới đảm bảo răn đe.

    "Con sâu làm rầu nồi canh"

    Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2015 Nguyễn Thị Lệ Nam Em: Mỗi khi nghe tin có đường dây mại dâm liên quan đến người mẫu, diễn viên hay hoa hậu, tôi rất sợ. Tôi sợ nghề nghiệp của mình bị mang tiếng xấu. Thậm chí, có người còn hỏi tôi có như thế không. Nghe vậy, tôi buồn lắm. Mình sống đàng hoàng mà chỉ vì vài con sâu làm rầu nồi canh, làm cho xã hội có cái nhìn ác cảm với giới người đẹp.

    Thông qua những người môi giới, bản thân tôi cũng từng bị gạ gẫm đi khách. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng là do mình. Nếu mình đã xác định tư tưởng từ khi vào nghề và luôn tự nhắc nhở mình phải biết tôn trọng phẩm giá của bản thân, nghĩ đến gia đình và khán giả thì sẽ vững lòng vượt qua cám dỗ.

    Theo dõi, điều tra hết sức chặt chẽ

    Trung tá Đỗ Nghĩa Dũng, Đội trưởng đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP.HCM): Hiện nay, tình trạng mua bán dâm trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung diễn biến vô cùng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng mua bán dâm thường tập trung ở tụ điểm công cộng, trong những cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình và thông qua môi giới trên các trang mạng xã hội...

    Vì thế, cơ quan công an phải theo dõi, điều tra hết sức chặt chẽ, không được để lộ bất kỳ khe hở nào. Bởi, các đối tượng trong những đường dây bán dâm lớn rất khôn khéo, nhạy cảm. Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ, các đối tượng sẽ lật ngược thế cờ, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

    Hà Nhân - Dương Hạnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mai-dam-bien-tuong-tinh-vi-cang-chong-cang-tang-a198982.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan