+Aa-
    Zalo

    Mô hình “ Bệnh viện thông minh”: Hướng đi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong bối cảnh “chuyển đổi số”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền y tế Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ.Nắm bắt xu hướng đó, phát triển bệnh viện theo mô hình...

    Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền y tế Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ.Nắm bắt xu hướng đó, phát triển bệnh viện theo mô hình “Bệnh viện thông minh” là hướng đi đúng đắn mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đang thực hiện khi đã ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động khám chữa bệnh, giúp tăng thêm giá trị cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bệnh viện tới người dân địa phương.

    Hình ảnh tổng thể BVĐK tỉnh Phú Thọ

    Đội ngũ thầy thuốc giỏi, cơ sở vật chất hiện đại

    BS.CKII. Hoàng Xuân Đoài - Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: BVĐK tỉnh Phú Thọ là Bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh Phú Thọ, được xếp loại Bệnh viện hạng I với quy mô 2.000 giường bệnh, tổng số cán bộ viên chức Bệnh viện 1.564 cán bộ, trong đó bác sĩ và dược sỹ đại học trở lên là 523 người. Bệnh viện có tổng số 40 khoa, phòng, trung tâm trong đó có 08 phòng chức năng, 06 khoa Cận lâm sàng, 17 khoa Lâm sàng và 10 Trung tâm để phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện nằm trong khuôn viên rộng 2.94 ha với 3 tòa nhà 7 tầng, 2 tòa nhà 11 tầng. Hàng ngày, Bệnh viện tiếp đón trung bình từ 1.200 – 1.500 lượt người đến khám bệnh, người bệnh nội trú trung bình 1.500 – 1.700 người. Số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh ngày càng tăng chứng tỏ năng lực và uy tín của BVĐK tỉnh Phú Thọ ngày càng giành được tin tưởng của nhân dân.

    Được thành lập năm 1965 với chặng đường phát triển đầy gian nan, khó khăn và thử thách, nhưng với lòng nhiệt huyết, bản lĩnh và tâm đức cùng với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, BVĐK tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển không ngừng với đội ngũ y bác sỹ giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại như: Hệ thống chụp Cộng hưởng từ 1.5 Tesla; máy CT 128 dãy, hệ thống  máy siêu lọc máu…Bệnh viện thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành trong nước và nước ngoài về đào tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ mới tại Bệnh viện. Thế mạnh hiện nay của Bệnh viện là phát triển các chuyên khoa mũi nhọn như ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, đột quỵ, hỗ trợ sinh sản, huyết học truyền máu, ghép thận, lọc máu - thận nhân tạo v.v., mỗi năm đều bổ sung hàng chục kỹ thuật mới. 

    BVĐK tỉnh Phú Thọ được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại

    Hiện nay, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã và đang được triển khai tại Bệnh viện như: Ghép thận; Phẫu thuật bắc cầu động mạch; Điều trị ung thư đồng bộ 4 phương pháp: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ; Phẫu thuật sọ não trong chấn thương sọ não, đột quỵ não, u não; Can thiệp mạch não, mạch gan, mạch vành; Phẫu thuật mạch máu dưới kính hiển vi; Phẫu thuật tim hở; Thay khớp nhân tạo…

    Ứng dụng “ công nghệ cao” trong khám chữa bệnh

    Ứng dụng thẻ thông minh

    Nhằm tối ưu hóa và tự động hóa ngay từ khâu đăng ký khám bệnh, từ năm 2014, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Y tế và Bộ Công thương đồng ý cho triển khai thí điểm thẻ khám bệnh thông minh theo chương trình “Một thẻ quốc gia”.Nhờ đó, người bệnh đến khám bệnh không phải trực tiếp đăng ký khám giúp cho giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo kết quả nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, thẻ thông minh còn được tích hợp với thẻ ngân hàng, người bệnh có thể thanh toán tiền viện phí trực tiếp qua thẻ không cần phải thanh toán tiền mặt. Mã số thẻ giúp lưu trữ tình hình sức khỏe của người bệnh qua các đợt khám, giúp mỗi người có thể tự theo dõi sức khỏe của mình và người thân cũng như giúp bác sĩ theo dõi được tiền sử bệnh lý của bệnh nhân.

    Với mục tiêu hiện đại hóa quy trình thăm khám, Bệnh viện còn triển khai đăng ký khám bệnh qua tổng đài, fanpage trên mạng xã hội hoặc Cổng thông tin điện tử của bệnh viện giúp người bệnh có thể chủ động lịch khám theo kế hoạch của bản thân.

    Sử dụng thẻ thông minh trong đăng ký khám, chữa bệnh

    Ứng dụng hệ thống lưu trữ hình ảnh PACS

    PACS là hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa, viết tắt từ Picture archiving and communication systemHệ thống PACS cho phép thu, lưu trữ, truyền và nhận hình ảnh trên mạng thông tin máy tính của Khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc của Bệnh viện. Hình ảnh sẽ được lấy từ các thiết bị: Siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hạt nhân…với định dạng ảnh phổ biến hiện nay là DICOM được lưu trữ tại các Server và truyền đến các máy tính của các đơn vị trong Bệnh viện để phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị.

    Ngày 06/8/2020, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật tim thành công cho bệnh nhi thông qua hội chẩn trực tuyến (telehealth) với đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội

    Trong những năm qua, ứng dụng PACS cũng là một trong những ứng dụng thông minh mà BVĐK tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhằm cho phép lữu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh: Chụp Xquang, chụp cắt lớp, chụp Cộng hưởng từ v.v., không chỉ giúp bác sỹ và người bệnh theo dõi thông qua thiết bị thông minh mà còn giúp tiết kiệm chi phí in phim mỗi tháng. Hình ảnh chụp xong được lưu trữ ở dạng số hóa nên rất tiện trong lưu giữ cũng như sử dụng. Thông qua hệ thống mạng, các bác sỹ có thể xem được hình ảnh chụp tại phòng, tại khoa điều trị hay các hình ảnh của lần chụp chiếu trước mà không phải mang phim đi như cách thông thường.

    Phần mềm HIS quản lý bệnh viện

    Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, phần mềm HIS đã sớm được triển khai trong toàn viện. Đó là một hệ thống thông tin tổng thể, bao gồm quản lý tiếp nhận, quản lý khám bệnh, quản lý viện phí và bảo hiểm y tế…Sử dụng phần mềm HIS giúp cung cấp hệ thống thống kê, báo cáo cho nội bộ bệnh viện và giúp các cơ quan quản lý cấp trên quản lý hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện, giám sát hoạt động thu chi, góp phần tích cực hạn chế thất thoát và lãng phí.

    Sử dụng Bệnh án điện tử

    BVĐK tỉnh Phú Thọ là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai Bệnh án điện tử. Đây được xem là bước đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số hóa trong ngành y tế Phú Thọ. Theo cảm nhận của những người trong cuộc thì việc triển khai này đem lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân và nhân viên y tế trong công tác khám chữa bệnh. Để thực hiện Bệnh án điện tử, mỗi khoa phòng đều được trang bị máy tính, giúp các bác sỹ có thể truy cập bệnh án điện tử nhanh nhất, đầy đủ nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp, hạn chế tối đa những sai sót y khoa.

    Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Rapid trong điều trị đột quỵ

    Theo BS.CKII. Hoàng Xuân Đoài thì trong những năm gần đây, BVĐK tỉnh Phú Thọ là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng mô hình trí tuệ nhân tạo RAPIT hiện đại nhất thế giới trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 20% người bệnh vào bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” (tức là trong vòng 6 giờ đồng hồ ngay sau khi bị đột quỵ) thì mới có cơ hội điều trị đột quỵ hướng đến tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn, nhằm cứu vùng nhu mô não đang bị tổn thương bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

    Đây là phần mềm mới mang tính đột phá trong chuyên ngành đột quỵ do Đại học Stanford, Hoa Kỳ phát triển đã được phổ biến trên toàn thế giới. Theo đó kết quả hình ảnh chụp não của bệnh nhân được đưa vào phần mềm này sẽ giúp các bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ cũng thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ đưa ra quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho bệnh nhân hay không. Giúp chẩn đoán nhanh, chính xác và điều trị hiệu quả bệnh đột quỵ.

    Hệ thống xét nghiệm tự động

    Để phát triển theo mô hình “ Bệnh viện thông minh”, bên cạnh kết hợp đồng bộ các ứng dụng như phần mềm HIS, PACS, EMR v.v., BVĐK tỉnh Phú Thọ còn ứng dụng hệ thống xét nghiệm tự động. Hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không từ các Khoa lâm sàng về phòng xét nghiệm là một trong những điểm nổi trội, giúp vận chuyển mẫu nhanh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng mẫu và đảm bảo kết quả xét nghiệm một cách chính xác nhất.

    Phần mềm quản lý phòng xét nghiệm LIS cũng là một ưu thế nổi trội được áp dụng trong quản lý tổng thể phòng xét nghiệm. Phần mềm tự động này giúp kết nối dữ liệu của người bệnh, gắn mã code trên mẫu bệnh phẩm và trả kết quả tự động trên hệ thống. Phần mềm này giúp quản lý được tất cả các kết quả xét nghiệm, phân loại cụ thể từng loại, các dữ liệu được cập nhật tự động, hạn chế tối đa sai sót hay nhầm lẫn không đáng có xảy ra.

    Bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các phần mềm quản lý khám chữa bệnh, BVĐK tỉnh Phú Thọ còn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành như quản lý văn bản hành chính, quản lý thông tin thuốc, vật tư, văn phòng phẩm…

    Có thể thấy rằng, trong kỷ nguyên số hiện nay, việc chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu để phục vụ con người. Với những nỗ lực và kết quả đạt được, BVĐK tỉnh Phú Thọ xứng đáng là một trong những lá cờ đầu của ngành Y tế Việt Nam với tư cách là một bệnh viện tuyến tỉnh.

    Kim Tiến

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-hinh-benh-vien-thong-minh-huong-di-cua-benh-vien-da-khoa-tinh-phu-tho-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-a337293.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan