+Aa-
    Zalo

    Một người Mỹ yêu Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Chị Tiana Alexandra là đạo diễn người Mỹ gốc Việt, chị là diễn viên nổi tiếng ở Hollywood và là đạo diễn phim thời sự. Là diễn viên kiêm đạo diễn

    (ĐS&PL) Chị Tiana Alexandra là đạo diễn người Mỹ gốc Việt, chị là diễn viên nổi tiếng ở Hollywood và là đạo diễn phim thời sự. Là diễn viên kiêm đạo diễn, chị Tiana đã dành nhiều thời gian đi các nước trên thế giới, gặp gỡ, nói chuyện, phỏng vấn nhiều nhân vật khác nhau, thuộc nhiều giới khác nhau để làm phim. Bất cứ nơi nào bước chân đến, chị đều tìm hiểu và ghi hình lại để làm phim. Bởi đó chính là nghề nghiệp gắn bó với chị từ thủa thiếu thời. Ở Việt Nam chị đã để lại nhiều dấu ấn đáng nghi nhớ trong sự nghiệp làm phim ảnh sau này.

    Chị Tianna ở tuổi 66 (ảnh do nhân vật cung cấp)

    Con chim trước khi chết còn biết quay đầu về tổ

    Tiana Alexandra sinh năm 1951 tại Việt Nam, chị sinh ra trong một gia đình quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn cũ. Lên 5 tuổi chị đã theo gia đình sang định cư tại Mỹ. 15 tuổi chị đã bước chân vào Hollywood với niềm tin sẽ thành đạt tại đây, nhưng ngay sau đó chị nhận ra rằng, Hollywood không dành cho những người da màu, còn chị là người gốc Châu Á, da vàng. Với nhậy cảm, chị tìm tới một người Châu Á đã nổi danh để làm học trò. Chị làm đệ tử cho diễn viên, đạo diễn và nhà làm phim nổi tiếng Lý Tiểu Long. Ngoài học đóng phim, chị còn học võ và trở thành “Công chúa Karate”, chị học hát và đủ sức để đi biểu diễn…Chị thử sức trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau và cũng gặt hái được những thành công bước đầu. Những thử thách ấy, cùng sự tự tôi luyện, chị đã vững vàng trưởng thành và trở thành một nghệ sĩ đa tài có tinh thần độc lập và đầy bản lĩnh. Năm 1988, Tiana chuyển sang lĩnh vực hoạt động mới, làm đạo diễn phim tài liệu. Bộ phim đầu tay của chị có tựa đề “From Hollywood to Ha Noi”. Bộ phim này đã gây tiếng vang tại liên hoan phim năm 1993, được Ban giám khảo đề cử trao giải thưởng. Nhưng điều quan trọng hơn đối với chị, là sự lan tỏa của bộ phim, sự đón nhận của khán giả trên khắp thế giới dành cho bộ phim. Tại Mỹ, bộ phim được chiếu tại Nhà Trắng và được làm tư liệu giảng dạy trong nhiều trường học, được sử dụng làm tư liệu cho các bài thuyết trình về quan hệ Việt - Mỹ.

    Mặc dù nguồn gốc xuất thân như thế, chị vẫn không có một chút ác cảm với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, trong ký ức của chị vẫn mang đậm hình ảnh quê hương, trong sâu thẳm của con tim chị vẫn nhớ quê hương da diết. Cha chị cũng vậy, ông vẫn gắn bó với quê nhà, mỗi lần về thăm chốn cũ người xưa, ông luôn dắt theo người con gái yêu. Chính vì vậy, sự gắn bó với cội nguồn, với quê hương đất nước cứ lớn dần trong tình cảm của chị. Và một ngày đẹp trời năm 1987, chị đã trở về quê hương để xác định một hướng đi cho cuộc đời. Chị trở về, trong lúc Việt Nam đang bị bao vây cấm vận, cả thế giới quay lưng lại với Việt Nam, chỉ có một số bạn bè chí cốt như Liên Xô, Cu Ba,… vẫn gắn bó, làm cho Việt Nam đỡ lạnh lưng, bớt đi nỗi cô đơn. Chuyến đi về Việt Nam đầu tiên này, được coi là chuyến đi làm thay đổi đời chị. Tiana đã vượt qua ngáng trở về tinh thần, thay đổi nếp nghĩ để ngày càng gắn bó với quê cha đất tổ. Nơi có nền văn hóa đặc biệt mà chị nhận ra và nguyện gắn bó.

    Nhớ về những ngày đầu trở về Việt Nam, Tiana bỗng trở nên sâu lắng: Hồi xưa ở Việt Nam, xe đạp rất nhiều, ít có xe gắn máy. Ngày đó, chị lang thang đi quay cảnh vật, nhân vật sau đó cắt ráp thành phim nhựa. Những công đoạn kỹ thuật phải qua HongKong, thậm chí phải về Mỹ thực hiện. Mỗi năm về Việt Nam, cảnh và người lại khác, sự thay đổi làm cho chị bị cuốn hút, cứ thế cảnh và người lôi chị đi, tháng qua tháng, ngày lại ngày, một năm trôi đi qua lúc nào không biết. Thoắt cái đã 32 năm, chị đã bước qua tuổi lục tuần, thế mà vẫn thường xuyên đi các nước và không quên năm nào cũng về quê hương đôi ba lần.

    Dấn thân vào các đề tài lịch sử

    Sau khi bị cuốn hút từ lần về đầu tiên ấy, chị thường xuyên về Việt Nam, rong ruổi đến khắp các tỉnh thành để ghi những thước phim về đất nước con người Việt Nam.

    Chị Tiana vô cùng thích thú yêu cầu ekip làm phim ghi hình cẩn thận những hiện vật, kiến trúc và phong cảnh nơi chị đã đi qua: Hình ảnh Mic 17 và pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, hình ảnh cô dân quân kéo xác máy bay Mỹ trên bãi sông Hồng, hình ảnh bom Mỹ, hình ảnh về thương vong của quân và dân ta, hình ảnh những cỗ máy dệt xưa, hình ảnh về thờ cúng đạo Mẫu của tổ tiên, hình ảnh về chiếc bình vôi qua các thời kỳ, hình ảnh về con Nghê, về những viên gạch ngói cổ xưa, về bia đá, về xác ướp cổ, tượng đài Trần Hưng Đạo và các vua Trần…

    Khoảng thời gian từ 1988 đến năm 1991, Tiana đã có cơ hội tiếp xúc và phỏng vấn những nhân vật quan trọng trong chính phủ Việt Nam: Thủ tướng Phạm văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Trưởng ban Tổ chức trung ương – cố vấn của phái đoàn đàm phám của Việt Nam ở Hội nghị Paris – Lê Đức Thọ. Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về Mỹ, nhiều người hỏi sao lại dám nói chuyện với các ông lớn là người của cộng sản. Chị chỉ cười. Có lần chị tâm sự: ông Nguyễn Cơ Thạch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật dễ nói chuyện, hình như họ biết tất cả, những diễn biến của cuộc đời đều trong ánh mắt họ, ấm áp và thông tuệ nên chị chỉ thấy vui và cuốn hút vào câu chuyện, chứ không thấy e ngại.

    Bộ phim “Why Việt Nam” nói nhiều về hiện tại và tương lai, về chiến tranh và hòa bình. Tiana ước mơ bộ phim này sẽ là cái cầu kết nối, cây cầu hữu nghị cho hai đất nước mà “tôi dành cả đời tìm hiểu, đất nước đã cưu mang tôi là Hoa Kỳ và đất nước Việt Nam - là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi”. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Tiana và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm Tiana thay đổi suy nghĩ về quê hương, cảm nhận được sự hòa giải giữa hai đối thủ, sự xóa bỏ thù hận sau chiến tranh. Chị cố gắng lý giải điều đó để những người Việt Nam ra nước ngoài sau 1975, là những người nhiều tuổi chưa về Việt Nam hay còn sợ chưa dám về Việt Nam và cả những người trẻ tuổi, hiểu lầm, hiểu sai về cuộc chiến tranh ở Việt Nam để họ hiểu cho đúng. Trong bộ phim “General and me” Đại tướng có nói: “con chim trước khi chết còn biết quay đầu về tổ”. Câu nói này Tiana luôn ghi nhớ và được chị cho in lên đầu trang web của bộ phim “Why Việt Nam” ra mắt vào năm 2015.

    Tiana tâm sự: “Đời tôi làm được bộ phim “Why Việt Nam” là quá may mắn, tôi được trời cho, ông bà phù hộ, làm được bộ phim về đại tướng là điều tôi chưa tùng nghĩ tới. Tôi là người Mỹ đầu tiên có diễm phúc bước chân vào nhà đại tướng, được gặp mặt phỏng vấn khoảng 100 lần. Có lẽ tôi là người nước ngoài, người Mỹ duy nhất có được sự hạnh phúc này”. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, các hãng truyền hình trên thế giới đều liên hệ với chị mua bản quyền những thước phim tư liệu quý về Đại tướng để phát.

    Một tài năng đi với đức năng.

    Luật sư Bùi Xuân Lai, có duyên quen và kết thân với chị Tiana Alexandra, cho biết ngoài làm phim về đề tài lịch sử, những nhân vật lịch sử, chị còn làm phim về đất nước con người Việt Nam, phim về anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, về phật hoàng Trần Nhân Tông, về tục thờ đạo Mẫu. Chị tìm hiểu thêm về đạo phật, đạo Mẫu, về đình chùa, chị đi khắp Nam Định và dự kiến về Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương) mảnh đất địa linh nhân kiệt gắn liền với các tên tuổi của các danh nhân: Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán… Chị thành lập một Công ty hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, giới thiệu, xúc tiến thương mại, giáo dục, văn hóa văn nghệ, đào tạo ngoại ngữ, dịch thuật, du lịch, đầu tư…Đối diện với tôi, chị vẫn rất trẻ so với tuổi đời. Khi tôi hỏi về dự kiến tương lai của chị, nghiêng người một cách điệu đà chị nói: Tôi có nhiều tham vọng lắm! tiếp tục series “Eat – Play – Love” đó là chương trình du lịch thế giới và giao lưu văn hóa, ẩm thực, từ thiện, quỹ trẻ em, quỹ làm phim, theater, show…phim về cuộc đời riêng cũng như sự nghiệp biên kịch của top biên kịch xuất sắc England, ông “Christopher Hampton” (The Oscar winner). Tháng 10 này sẽ đi New York, London, Ba Lan để tiếp tục quay và dựng phim, làm phim về những nền văn hóa và sau đó đi Paris để dự các Event lớn. The making of “The Singapore Grip”, phim Hollywood có trị giá hơn 22 triệu USD sẽ ra mắt vào năm sau. Bộ phim “The fall of Singapore” lấy cảm hứng và đồng điệu với “The fall of Sai Gon” nói về chủ nghĩa thực dân và con người trong chiến tranh. Chị ngừng lời, tôi vội tiếp luôn: Vậy còn đối với Việt Nam? Mắt chị bừng sáng: Tôi vẫn tiếp tục quay những thước phim tài liệu tại Việt Nam trong series “Why Việt Nam” mà trong đó “The General and me” là tập phim ấn tượng và quan trọng nhất. Chị bày tỏ tháng 12 tới sẽ quay trở lại Việt Nam và đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ Việt Nam thông qua các buổi workshop về làm phim ở Hollywood, chia sẻ với họ về cuộc đời làm phim của chị. Đặc biệt là, mong muốn thành lập một câu lạc bộ ở thành phố Hồ Chí Minh để gặp gỡ giao lưu với những người yêu thích phim Việt Nam.

    Chị Tianna và Luật sư Bùi Xuân Lai giao lưu (ảnh do nhân vật cung cấp)

    Chị muốn trở thành người Việt thuần Việt nên tự đặt cho mình cái tên rất Việt Nam: Thanh Nga. Nhưng tôi vẫn muốn gọi chị bằng cái tên Tiana cho khác lạ, cho mọi người hiểu chị là người Mỹ yêu Việt Nam muốn chuyền bá lịch sử và con người Việt Nam ra thế giới, muốn chung tay góp sức làm giàu cho Việt Nam một cách khách quan theo phong cách Mỹ.

    Bạn đọc có thể ấn vào xem phim về việc thảm sát tại Mỹ Lai.

    Đỗ Văn Phú/ trian.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mot-nguoi-my-yeu-viet-nam-a286194.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.