+Aa-
    Zalo

    Mỹ lần đầu thử tên lửa hành trình sau khi rút khỏi thỏa thuận kiểm soát hạt nhân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 19/8, quân đội Mỹ xác nhận lực lượng này đã phóng thử 1 tên lửa hành trình từ mặt đất với tầm xa trên 500 km.

    Ngày 19/8, quân đội Mỹ xác nhận lực lượng này đã phóng thử 1 tên lửa hành trình từ mặt đất với tầm xa trên 500 km.

    Quả đạn rời khỏi ống phóng hôm 18/8 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

    "Tên lửa hành trình phi hạt nhân rời bệ phóng trên đảo San Nicolas thuộc bang California và đánh chính xác mục tiêu. Dữ liệu và các bài học thu được từ cuộc thử nghiệm này sẽ giúp Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển tính năng cho các vũ khí tầm xa trong tương lai", Lầu Năm Góc ra thông cáo cho hay.

    Đây là vụ thử tên lửa loại này đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào đầu tháng này.

    Lầu Năm Góc cho biết vụ thử nghiệm diễn ra vào cuối tuần trước tại đảo San Nicolas thuộc California, tiểu bang ven biển phía tây của Mỹ. Tên lửa được thiết kế mang đầu đạn thông thường, không phải đầu đạn hạt nhân. Trong vụ thử, tên lửa này đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay được hơn 500km.

    Quan chức Lầu Năm Góc cho biết tên lửa sử dụng bệ phóng thẳng đứng Mark 41, nhưng không giống loại bệ trang bị cho lá chắn Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Romania.

    "Cuộc thử nghiệm loại tên lửa bị cấm theo điều khoản INF diễn ra chỉ hai tuần sau thời điểm hiệp ước này chấm dứt. Đó là sự nhạo báng trắng trợn với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ làm hết mức trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm Mỹ không chiếm ưu thế với loại vũ khí này", nghị sĩ Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga, cho biết.

    Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về vụ thử vũ khí của Mỹ.

    INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.

    Hồi tháng 2 năm nay, Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận và phát triển vũ khí bị cấm theo hiệp ước này, điều mà Moscow bác bỏ. Hiệp ước chính thức hết hiệu lực vào ngày 1/8. Nếu còn hiệu lực, tên lửa mới thử nghiệm của Mỹ bị cấm theo khuôn khổ hiệp ước.

    Cuộc tranh cãi liên quan tới INF đã khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ ngày càng xấu đi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Một số chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của hiệp ước sẽ làm suy yếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác và làm tăng tốc sự xói mòn của một hệ thống toàn cầu được thiết kế nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân.

    Hồi tháng 3, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ thử tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8, sau đó là tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km vào tháng 11. Sau khi phóng thử, hai loại tên lửa sẽ được Mỹ biên chế trong vòng 2-5 năm tới.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-lan-dau-thu-ten-lua-hanh-trinh-sau-khi-rut-khoi-thoa-thuan-kiem-soat-hat-nhan-a289422.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan