+Aa-
    Zalo

    Nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh phục vụ sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với các bộ ngành về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP

    (ĐS&PL) Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với các bộ ngành về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021.

    Môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng còn nhiều bất cập

    Mục tiêu của Nghị quyết 02/NQ-CP đã xác định rõ: Nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

    Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với một số nước trong khu vực năm 2016

    Kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ - CP trong thời gian vừa qua đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh...

    Môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index (do Bộ Nội vụ công bố);...

    Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế.

    Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện các Bộ ngành có liên quan cho biết theo yêu cầu của Nghị quyết 02, các bộ phải hoàn thành tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trong quý I/2019 nhưng đến nay chỉ có một số ít bộ ban hành đầy đủ. Điều này gây lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch hành động. Nhiều địa phương ban hành kế hoạch hành động không sát với yêu cầu, mang tình hình thức hơn là bảo đảm  tính hiệu quả, hiệu lực thực thi.

    Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm việc với nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới để cập nhật kết quả cải cách các chỉ số môi trường kinh doanh theo Báo cáo Doing Business dự kiến công bố tháng 10/2019. Trong đó có một số chỉ số đáng chú ý như: Khởi sự kinh doanh giảm từ 8 bước thủ tục và 17 ngày xuống 5 bước và 8 ngày; cấp phép xây dựng từ 10 bước thủ tục và 166 ngày xuống 10 bước thủ tục và 62 ngày; số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần; thời gian thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng giảm từ 219 giờ còn 129 giờ… Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận những văn bản mới ban hành gần đây thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, vẫn còn không ít nhiệm vụ của các bộ ngành được giao trong Nghị quyết 02 nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Đơn cử, Nghị quyết 02 yêu cầu trước tháng 6/2019, các bộ ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có những ghi nhận đáng kể. Nhiều bộ đề xuất ra nghị định sửa các điều kiện kinh doanh nhưng chưa trình Chính phủ ban hành. Hầu hết các bộ chưa có tài liệu hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương, đơn vị thực thi và DN về những cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh; chưa giám sát đầy đủ.

    Những tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 02 cũng được các bộ ngành chỉ rõ như: Người dân đang rất kêu ca, phàn nàn khi làm các hồ sơ, thủ tục, nhất là thái độ công vụ của công chức, viên chức không hướng dẫn đầy đủ khiến người dân, DN phải đi lại nhiều lần để giải quyết. Hay thực tế các bộ ngành phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp chưa chủ động chia sẻ thông tin với các bộ ngành thực hiện các chỉ số cụ thể, nên nhiều cơ quan phải tự đi mày mò, liên hệ chuyên gia quốc tế để tìm hiểu. Sự kết nối, chia sẻ, phối hợp giữa các bộ là chưa chặt chẽ...

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc

    Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong thực hiện Nghị quyết 02

    Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là phản ánh rất đúng và yêu cầu các bộ phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp, các chỉ số cụ thể không chỉ hoàn thành ban hành tài liệu hướng dẫn mà phải chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan bởi không bộ nào có thể tự cải thiện được cả một chỉ số hay nhóm chỉ số tổng hợp.

    Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu: Các bộ ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần kỷ cương, kỷ luật công vụ khi thực hiện Nghị quyết 02 mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt, những cải cách mới có hiệu lực, hiệu quả thực sự. Các bộ ngành, nhất là những cơ quan phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp, khẩn trương ban hành ngay tài liệu hướng dẫn còn thiếu để các bộ ngành khác, địa phương phối hợp thực hiện.

    “Có tài liệu hướng dẫn rồi thì các đồng chí tổ chức tập huấn bằng nhiều hình thức: Công khai đầy đủ trên cổng thông tin điện tử, tập huấn qua mạng, làm clip hướng dẫn…”, Phó Thủ tướng lưu ý.

    Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống thông tin báo cáo trực tuyến để từng bộ ngành, địa phương có thể cập nhật dữ liệu thường xuyên, cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức xếp hạng quốc tế. Phó Thủ tướng nêu ví dụ do không có sự thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Tổng cục Thống kê nên chúng ta vẫn chưa cung cấp được chỉ số về đào tạo nhân lực theo cách tính của quốc tế làm ảnh hưởng đến các chỉ số đánh giá, xếp hạng của nền kinh tế.

    Các bộ ngành, địa phương phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 02 trong lĩnh vực quản lý của mình. Phó Thủ tướng chỉ ra ở tầm Trung ương, ngoài hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng thì Bộ Nội vụ, các bộ phụ trách nhóm chỉ số tổng hợp, các chỉ số cụ thể hầu như chưa kiểm tra, giám sát.

    “Tôi đề nghị các đồng chí có ngay các đợt kiểm tra để xem tiến độ thực hiện đến đâu, đã làm được gì, đang vướng mắc chỗ nào. Đặc biệt rất cần gặp gỡ, đối thoại với đại diện các hiệp hội DN, trước hết là những vấn đề nóng nhất trong lĩnh vực bộ ngành mình phụ trách”, Phó Thủ tướng nói.

    Cùng với yêu cầu các địa phương rà soát lại kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 có trọng tâm, trọng điểm, Phó Thủ tướng đề nghị trong trung tuần tháng 6, các bộ ngành phải có báo cáo rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất đến đâu. Những vấn đề DN phản ánh đến do vướng luật, vướng nghị định, cần phải sửa ra sao. Thanh toán không dùng tiền mặt cần đưa những quy định mới nào để thúc đẩy, trong đó lưu ý xu thế mới như thanh toán qua điện thoại di động…

    Tại buổi làm việc, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ thiết lập hệ thống báo cáo, cập nhật tình hình thực hiện các chỉ số trong Nghị quyết 02 trong thời gian sớm nhất.

    Xuân Nguyên/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-va-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-phuc-vu-su-phat-trien-nhanh-manh-va-ben-vung-a279586.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.