+Aa-
    Zalo

    Nên hay không việc dùng lá trầu không để trị đau mắt đỏ?

    (ĐS&PL) - Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát trên cả nước, vì thế mà không ít người truyền tai nhau phương pháp dùng lá trầu không để rửa mắt. Vậy nhưng có nên dùng lá trầu không để trị đau mắt đỏ không?

    Công dụng của lá trầu không

    - Tính vị quy kinh: Vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Qui kinh: Vào kinh phế, vị, tỳ

    - Công dụng: Tác dụng trung hành khí, khư phong tán hàn, tiêu viêm, tiêu thũng chỉ thống, hóa đàm, chống ngứa.

    Chuyên trị: Đau xương khớp, viêm dạ dày, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, sát trùng vết thương và tiêu sưng tại chỗ …

    Theo các nghiên cứu hiện đại lá trầu không chứa các chất: Lá chứa 0,8-1,8% (-2,4%) tinh dầu thơm, có vị nồng, gồm chủ yếu là 2 phenol: Betel-phenol là đồng phân của eugenol và chavicol kèm theo nhiều hợp chất phenolic khác.

    nen hay khong viec dung la trau khong de tri dau mat do 1
    Lá trầu không còn được gọi là trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng. Ảnh minh họa.

    Phân tích y học hiện đại đã tìm thấy trong lá trầu không nhiều hợp chất quý: Eugenol, carvacrol, chavicol, tanin cùng với nhiều vitamin, các acid amin…

    - Tác dụng dược lý: Các chất có trong lá trầu không có khả năng kháng khuẩn, diệt virus rất tốt. Nghiên cứu của TS. Rajendra Toprani, Trung tâm Ung thư HCG (Ấn Độ) công bố trên tạp chí South Asian Journal of Cancer (Tạp chí Ung thư Nam Á) cho rằng, chiết xuất lá trầu không còn có thể tiêu diệt cả các khối u khi thí nghiệm trên động vật. 

    Lá trầu không có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khẩu, song cầu khuẩn, vi khuẩn subtillis và trực trùng coli.

    Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không có thực sự hiệu quả?

    Không ít người truyền tai nhau mẹo chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng biện pháp này.

    Bài viết của ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, dù sử dụng lá trầu không để rửa mắt, xông mắt nhằm hỗ trợ điều trị bệnh đau mắt là rất tốt, nhưng cần sử dụng đúng cách. Nước rửa, nước xông phải đảm bảo vệ sinh, vô khuẩn, nhiệt độ phải an toàn đối với mắt.

    nen hay khong viec dung la trau khong de tri dau mat do 2

    Trong Đông y, lá trầu không có tính sát khuẩn nên có thể một vài bệnh nhân xông lá trầu không sẽ khỏi đau mắt đỏ nhưng không phải ai cũng khỏi. Ảnh minh họa.

    Thực tế nhiều ca tai biến khi sử dụng các phương pháp này không đúng do quá trình pha chế nước rửa mắt không đảm bảo vệ sinh, khiến mắt bị đau lại thêm nhiễm khuẩn.

    Khi xông mắt bằng nước lá trầu không, do không điều chỉnh được hơi nóng của nước xông khiến giác mạc bị bỏng, thậm chí nhiều ca còn suýt mù mắt do tai biến khi rửa mắt, xông mắt bằng nước lá trầu không.

    Triệu chứng cảnh báo đau mắt đỏ

    Dân Trí dẫn lời TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam, cho biết, triệu chứng đầu tiên của bệnh là đỏ mắt, sau đó sưng mí, chảy nước mắt và gỉ ghèn, dính chặt mi mắt sau khi ngủ dậy. Mắt cộm cảm giác như có dị vật, tuy nhiên không đau nhức, không mờ mắt. Đây là một điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh đỏ mắt do các nguyên nhân nguy hiểm khác như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, thiên đầu thống…

    Ngoài ra, người bệnh còn có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, sưng đau hạch góc hàm hoặc trước tai. 

    Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus. Tuy nhiên, các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm. 

    nen hay khong viec dung la trau khong de tri dau mat do 4
     Bệnh thường khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc thậm chí là mù lòa. Ảnh minh họa.

    Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon…) nếu không được các bác sĩ kê đơn. 

    Khi mắt có giả mạc, bệnh nhân cần được làm thủ thuật bóc giả mạc nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc. 

    Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.

    Cụ thể: 

    - Cần rửa mắt bằng nước muối vô khuẩn làm sạch gỉ mắt, chườm lạnh mắt để giảm sưng viêm, đeo kính để tránh các kích thích gió bụi vào mắt.

    - Ăn uống đủ chất, đủ vitamin để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

    - Tốt nhất là bệnh nhân nên được nghỉ làm việc 3-5 ngày để bệnh dễ hồi phục và tránh lây nhiễm cho người khác.

    Cách phòng ngừa dịch đau mắt đỏ

    Trao đổi với Báo điện tử VTV News, BSCKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa Mắt thuộc Khoa Liên chuyên khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa.

    Theo bác sĩ Tuyết, bệnh viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Đây là bệnh dễ lây lan, đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng (sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi...).

    Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường do virus. Trong đó khoảng 80% là Adenovirus, ngoài ra còn có thể do virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus. Bác sĩ Tuyết khuyên các bậc cha mẹ có thể phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ bằng cách như sau:

    nen hay khong viec dung la trau khong de tri dau mat do 5
    Người đau mắt đỏ nên kiêng những thực phẩm có mùi tanh như tôm, cá, ốc; Rau muống (vì sẽ sinh ra nhiều ghèn); Chất kích thích, đồ uống có ga; Mỡ động vật và không được tùy ý sử dụng kháng sinh. Ảnh minh họa.

    - Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

    - Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về.

    - Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để sớm được thăm khám.

    Với người mắc bệnh:

    - Tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người.

    - Luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối.

    - Khi khỏi bệnh, phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng để tránh tái nhiễm lại.

    Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho băn khoăn "Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không có thực sự hiệu quả?". Các chuyên gia khuyến cáo khi có bệnh không nên áp dụng phương pháp điều trị truyền miệng nào. Hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chữa trị.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nen-hay-khong-viec-dung-la-trau-khong-de-tri-dau-mat-do-a595052.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan