+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng Nhà nước trình dự thảo cơ chế cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng

    (ĐS&PL) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tờ trình dự thảo về Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

    Theo dự thảo, căn cứ thực tiễn khảo sát, đánh giá thực trạng các lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam và qua rà soát các quy định pháp lý hiện hành, NHNN đã rà soát, phân loại và đề xuất lựa chọn ba  giải pháp Fintech thử nghiệm có tiềm năng và nhu cầu ở Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực quản lý của Việt Nam, bao gồm Chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); Cho vay ngang hàng (P2P Lending).

    Thời gian thử nghiệm các giải pháp trên tối đa 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực tế, NHNN có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.

    Riêng với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam, theo NHNN, trong giai đoạn gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

    ngan hang nha nuoc sap co co che cho phep thu nghiem mo hinh vay ngang hang p2p lending
    Ảnh minh họa.

    Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

    Do đó, NHNN đã xây dựng dự thảo để tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, hạn chế rủi ro cho khách hàng và xây dựng, hoàn thiện quy định pháp lý.

    Về tiêu chí và điều kiện tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với giải pháp cho vay ngang hàng, các công ty cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí sau.

    Thứ nhất, công ty cho vay ngang hàng được xem xét, thẩm định để cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; tại Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không có nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

    Thứ hai, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

    Thứ ba, người thành lập, quản lý doanh nghiệp không được lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành để thực hiện các hành vi xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

    Thứ tư, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin.

    Đồng thời, phải có ít nhất hai  năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật.

    Cuối cùng, giải pháp đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm thỏa mãn các tiêu chí như: chưa có hướng dẫn cụ thể, có tính đổi mới, đã có khung quản trị rủi ro, đã được rà soát về chức năng, công dụng tính hữu ích và có tính khả thi.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-nha-nuoc-trinh-du-thao-co-che-cho-phep-thu-nghiem-cho-vay-ngang-hang-a613024.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngân hàng “giấu” lãi suất cho vay bình quân, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo trước ngày 23/2

    Ngân hàng “giấu” lãi suất cho vay bình quân, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu báo cáo trước ngày 23/2

    Dù đã có chỉ đạo tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân nhưng ngân hàng thương mại đều tỏ ra e ngại, thậm chí kêu khó. Do đó NHNN đề nghị các ngân hàng báo cáo lại việc thực hiện trước ngày 23/2 đồng thời nêu rõ các khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý xem xét và tháo gỡ.