+Aa-
    Zalo

    Nghệ An: Làng hương Liên Đức tất bật phục vụ mùa tết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tết về được xem là dịp làm ăn hiếm có của làng hương Liên Đức (Nghệ An). Mỗi que hương được làm ra là 1 mong ước gửi gắm, là lời nguyện cầu bình an cho mọi người.

    (ĐSPL) - Tết về được xem là dịp làm ăn hiếm có của làng nghề sản xuất hương Liên Đức, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Vì vậy, làng hương lại hối hả làm việc để cung ứng cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Mỗi que hương được làm ra là một mong ước gửi gắm, là lời nguyện cầu bình an cho mọi người.
    Dưới cái nắng hiếm hoi sau những ngày thời tiết âm u, hương được rải đều tăm tắp trên giá phơi đặt ở khoảnh đất trống và góc sân nhỏ. Thời điểm này là lúc tất bật nhất của làng nghề hương Liên Đức để phục vụ những ngày tết Dương lịch và tết Nguyên Đán sắp đến.
    Các công nhân luôn tất bật sản xuất hương để sẵn sàng cung ứng vào ngày tết.
    Chị Nguyễn Thị Lương, chủ cơ sở sản xuất hương Liên Đức cho biết: “Nghề làm hương tất bật quanh năm, lượng mức tiêu thụ cao nhất vào các ngày lễ, ngày Rằm. Nhưng đặc biệt là vào dịp tết, vì thế để không bị động, ngay từ tháng 6 trở đi, bà con đã phải tập trung nhân lực, nguyên liệu để làm hàng tết”.
    Làng Liên Đức từ xa xưa vốn thuần nông. Đến năm 2010, làng được UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất hương Liên Đức, từ đó đến nay nhiều hộ chuyển sang làm nghề hương. Có nghề, đời sống nhân dân trong làng ngày một nâng cao. Đến nay, làng có khoảng 50 hộ, với 76 lao động tham gia làm nghề.
    “Làm hương không chỉ mang lại giá trị tâm linh mà còn tạo hiệu quả kinh tế cao. Nghề hương đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở Liên Đức với mức lương bình quân mỗi tháng gần 3 triệu đồng/người. Quanh năm dù nắng hay mưa, tháng nào chúng tôi cũng có việc làm, thu nhập ổn định nên có điều kiện lo cho cuộc sống chứ không như việc làm nông vất vả mà chỉ theo mùa vụ”, một công nhân cho biết.
    Trời nắng, hương chỉ cần phơi 2 ngày là có thể đóng gói.
    Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là hương trầm. Nhằm đáp ứng thị trường tiêu dùng dịp tết, hương trầm được phân thành 5 loại, từ loại trung bình đến cao cấp. Nhưng dù sản phẩm nào thì cách làm đều như nhau, cũng phải nghiền bột, trộn đều, pha chế nhuần nhuyễn.
    Chị Nguyễn Thị Lương cho biết thêm, làm hương là nghề không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Nguyên liệu chỉ là vỏ quế, rễ hương trầm và các loại phụ gia, cơ bản nhất là đòi hỏi phải hòa trộn tỷ lệ sao cho phù hợp, làm sao hương vừa thơm dịu, vừa dễ cháy và lâu tàn. Bởi thế, trong quá trình sản xuất hương, khó nhất là khâu trộn bột, đòi hỏi người thợ phải đều tay và thực hiện một công thức nhất định.
    Được biết, bây giờ que hương hoàn toàn được làm bằng máy chứ không làm bằng tay như trước, do vậy bột hương phải có độ dẻo thật chuẩn thì sản phẩm mới đẹp. Vì vậy, một mặt để cạnh tranh với các loại hương khác trên thị trường, mặt khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, anh Phan Bá Bảy (chồng chị Lương) đã đầu tư mua 13 máy sản xuất hương, 1 máy nghiền nguyên liệu, đặt tại cơ sở sản xuất.
    Hàng ngày, số lượng hương được sản xuất bao nhiêu, đem ra phơi nắng đến đó. Trời nắng chỉ cần phơi 2 ngày là có thể đóng gói. Điều quan trọng để thu hút người mua, mẫu mã bao bì phải luôn thay đổi làm sao bắt mắt nhất. Còn nguyên liệu sản xuất thì tận dụng nguồn có sẵn của địa phương. Nhiều năm nay, người dân một số xã đã trồng rễ hương trên đất đồi. Sau đó, họ đào cả chùm rễ, mang đến nhập tươi cho cơ sở sản xuất.
    Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là hương trầm với chất lượng tốt và bao bì bắt mắt.
    Hai tay vẫn thoăn thoắt với công việc cuốn búp hương, chị Nguyễn Sen chia sẻ: “Trước đây, tôi không có công việc ổn định, sức khỏe lại yếu nên không biết làm việc gì. Từ khi được vào làm ở cơ sở sản xuất hương Liên Đức, tôi đã có thu nhập ổn định. Công việc này tuy không vất vả, nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và nhanh tay mới có năng suất. Giờ đây làm 8 tiếng đồng hồ trong ngày, tôi cuốn được trên 1000 búp”.
    Đưa chúng tôi tham quan kho chứa hương, chị Nguyễn Thị Lương cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu cúng gia tiên trong dịp tết và mỗi công nhân làm hương đều ý thức được giá trị tâm linh của người dân Việt khi làm lễ cho tổ tiên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước để không bị động. Dù tết dương hay tết âm, chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo mỗi que hương đều có chất lượng tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-an-lang-huong-lien-duc-tat-bat-phuc-vu-mua-tet-a77031.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Muôn kiểu tiền độc lạ lì xì Tết 2015

    Muôn kiểu tiền độc lạ lì xì Tết 2015

    (ĐSPL) – Muôn kiểu tiền độc, lạ hình dê, bộ tứ long – ly – quy – phượng, tiền xu độc đáo dùng để lì xì cho dịp Tết 2015 đã bắt đầu được người dân săn lùng.