+Aa-
    Zalo

    Người của hai thế hệ đem lòng yêu cùng một nàng thơ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ cổ chí kim, chuyện các bậc quân vương đức cao vọng trọng hay những người bình dân đều phải lòng nàng thơ là không tránh khỏi.

    (ĐSPL) - Từ cổ chí kim, chuyện các bậc quân vương đức cao vọng trọng hay những người bình dân đều phải lòng nàng thơ là không tránh khỏi. Bởi nàng không phải của riêng ai, nàng là hiện thân cho cái đẹp, mọi người đều có quyền năng thưởng thức cái đẹp ấy.

    Và câu chuyện ở Thi đàn Việt Nam, chuyện về hai nhân vật, hai người thuộc hai thế hệ, tỏa sáng ở hai lĩnh vực khác nhau, nhưng đều phải lòng một nàng thơ cũng là không khó hiểu. Nhưng cách đến với thơ của họ thì đều rất đặc biệt. Và bây giờ, họ đã trở thành những người gắn bó quan trọng của Thi đàn Việt Nam.

    Người của hai thế hệ đem lòng yêu cùng một nàng

    PGS TS Đức Vượng, nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh và nhà thơ Phạm Hoàng Nam trong tiệc liên hoan ra mắt Thi đàn VN tại Nhà khách Chính phủ.

    Đứng đầu chính là PGS - Tiến sĩ Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài Hồ Chí Minh vào năm 1986 và được Nhà nước phong Phó giáo sư Sử học vào năm 1992. Ông có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều cuốn sách được xuất bản và cũng nhiều năm đảm đương trọng trách chính trị Tổ quốc giao phó ở các nước bạn. Từng là Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Vụ trưởng Ban cán sự Đảng ngoài nước, Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương – Ban chấp hành Trung ương Đảng. Là người nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư Đức Vượng đã viết rất nhiều sách nghiên cứu, ứng dụng. Gần đây nhất là cuốn “Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành tháng 6 năm 2014.

    Người của hai thế hệ đem lòng yêu cùng một nàng

    PGS TS Đức Vượng (bên trái), Dịch giả Lê Bá Thự, Phó chủ tịch Hội đồng thơ dịch Hội Nhà văn VN và nhà thơ Bằng Việt cùng trao hoa, quà và bằng khen cho tác giả thơ Thanh Hiên hội viên Thi đàn VN.

    Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để khắc họa nên một chân dung PGS TS Đức Vượng. Vì ông còn một niềm đam mê, một tình yêu đặc biệt với thơ ca. Ông sáng tác rất nhiều thơ và đã in thành sách. Từng đi hơn 60 nước trên thế giới và trải qua nhiều cương vị, điều đó làm phong phú thêm đề tài thơ ông. Tập thơ “Tâm tình” xuất bản năm 2014 bao gồm những bài thơ chứa chan tình đời và những nỗi niềm sâu sắc, triết lý về cuộc sống.: “Người ở ngôi cao sống lênh đênh như con thuyền giông bão”. Thơ ca với ông như tiếng sét ái tình, để rồi ngấm vào tâm can, chi phối con người ông. Và tài tình ở chỗ thơ ca đã biến hóa những lý luận khoa học nơi ông thành những ngôn ngữ nghệ thuật đầy triết lý.

    Trong Hội nghị gặp gỡ các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ nổi tiếng diễn ra ngày 13 tháng 7 năm 2013, PGS TS Đức Vượng say sưa đọc bài thơ “Kính tặng Thi đàn VN” do chính ông sáng tác, trước nhiều đại biểu khách quý, ông xin được “tự ứng cử” trở thành hội viên Thi đàn VN. Dù là thủ trưởng cấp trên của Ban biên tập Thi đàn VN, sự nghiệp thơ đã ngót 1000 thi phẩm với hàng chục đầu sách nhưng với sự khiêm tốn, chân chất và hài hước ông vẫn dành cho Thi đàn VN sự trân trọng vô cùng. Đó là một nhân cách cao đẹp, và cũng từ đó thấy được quyền năng của thơ ca.

    Còn với nhà thơ trẻ Phạm Hoàng Nam, trưởng Ban biên tập Thi đàn Việt Nam thì lại là một câu chuyện khác. Một buổi tối đẹp trời ngày đầu tiên trong năm mới 1/1/2005, thông qua truyền hình trực tiếp trên VTV3 lễ trao giải và vinh danh các gương mặt đạt giải trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, lần đầu tiên khán giả cả nước thấy trên bục vinh quang của Trí tuệ Việt Nam, chàng kỹ sư trẻ chiếm giải cao trong một cuộc thi khoa học công nghệ, lại bắt nguồn từ một công trình phần mềm máy tính rất đậm “chất văn”. Đó là công trình sản phẩm phần mềm “Đại gia đình các Dân tộc Việt Nam”, có thể biến máy vi tính thành một bách khoa thư sống động với khối lượng tri thức khổng lồ về dân tộc học, văn hóa truyền thống, văn học dân gian v.v.…

    Người của hai thế hệ đem lòng yêu cùng một nàng
    Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Cù Thị Hậu trao bằng khen cho Phạm Hoàng Nam ngày 1/1/ 2005 tại VTV.

    Là người nặng lòng với văn hóa truyền thống Việt, lại yêu văn học và sáng tác thơ từ khá sớm nên khi đã vững vàng trong sự nghiệp từ sau giải thưởng Trí tuệ Việt Nam, Phạm Hoàng Nam đã nhanh chóng thành đạt với cương vị Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Namroyal Việt Nam chuyên về phát triển phần mềm máy tính. Vững về kinh tế và chủ động về thời gian, Phạm Hoàng Nam dành nhiều ưu tiên cho đam mê văn học bằng việc tập trung sáng tác, học mở rộng hơn nữa kiến thức văn chương và đã tốt nghiệp trường bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam).

    Năm 2006, Phạm Hoàng Nam mời ba “ông lớn” trong làng văn gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật tới dự hội thảo chia sẻ về một số công nghệ ứng dụng hiện đại trong đó có công nghệ nhà thông minh, với nhiều khâu được tự động hóa, để xem phản ứng của các nhà văn nhà thơ thế nào trước các vấn đề kỹ thuật? Và biết đâu sẽ có ý tưởng lớn! Chẳng ngờ sau khi nghe xong thuyết trình dày đặc nội dung kỹ thuật, ba vị khách mời đặc biệt này lại rất hào hứng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật chia sẻ:

    “Ngôi nhà thông minh của các anh còn thiếu một “chiếc ghế thông minh”, số là các nhà thơ bây giờ khi sáng tác phải luôn cân nhắc câu hay, tứ lạ vì vậy rất hay đứng lên đi đi lại lại một hồi rồi lại ngồi xuống, mà ngồi nghĩ không ra thì lại đứng lên đi lại suy tư, cứ lên xuống vậy khá mệt mà thơ văn thì có khi vẫn không ra. Vì vậy chiếc ghế thông minh này sẽ rất hữu ích khi người sáng tác bí, mà ngồi thả mình xuống thư giãn và sau đó thơ văn sẽ được tự động tuôn ra thì còn gì bằng!!!”.

    Cả hội trường cười vang, Phạm Hoàng Nam đến bắt tay cảm ơn ý tưởng kỹ thuật “đắt giá” của nhà thơ Phạm Tiến Duật và ghi nhận một bài toán lập trình hóc búa nhưng cũng rất “nghệ thuật”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì dí dỏm tự bạch: Tôi là “nạn nhân” của công nghệ và ông dẫn ra nhiều chuyện về thú chơi máy ảnh, máy quay phim cao cấp của mình cũng như sự hiểu biết ấn tượng về công nghệ.

    Người của hai thế hệ đem lòng yêu cùng một nàng

    Nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Lê Lựu trong buổi hội thảo cùng nhà thơ Phạm Hoang Nam năm 2006.

    Còn nhà văn Lê Lựu, ông chủ của “Thời xa vắng” sau khi nói lý do đến trễ vì “tôi vừa dắt xe ra đi thì xe nó hỏng cái gì… cái gì nó làm ra điện để nổ máy ý nhỉ?… à cái ắc quy…” thì kể say sưa những câu chuyện mà ông đã được chứng kiến khi đi ra nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, và kết luận rằng, dù làm kỹ thuật hay nghệ thuật cũng cần phải liên kết nhau lại mới có sáng tạo đột phá hay làm được những việc lớn tốt cho cộng đồng”.

    Chính từ câu nói chốt cuối cùng của nhà văn Lê Lựu và sự gợi mở của hai nhà thơ lớn Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật không lâu sau đó, Phạm Hoàng Nam đã sáng lập nên trang mạng www.tho.com.vn trên internet giúp cho rất nhiều tác giả có thể đăng tải sáng tác của mình chia sẻ với mọi người Việt Nam trên toàn thế giới. Và cũng từ đây, Thi đàn Việt Nam từng bước hình thành như một diễn đàn lớn của người yêu thơ, với sự hỗ trợ, liên kết cùng nhiều cơ quan báo chí truyền hình Thi đàn VN đã và đang góp phần quan trọng cho thi ca Việt Nam phát triển.

    Trong Hội nghị ngày 13 tháng 7 năm 2013, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, đã bày tỏ: “Tôi hết sức hoan nghênh sự phát triển của Thi đàn Việt Nam với một đội ngũ ban biên tập đã lập ra thi đàn có tiếng nói cho thơ ca, bởi thơ ca là tiếng nói chung của mọi người chứ không của riêng ai. Tôi rất mong muốn Thi đàn Việt Nam làm được như vậy cho những người yêu thơ, không chỉ là những nhà thơ chuyên nghiệp mà cả những người viết không chuyên. Vì thơ là cao đẹp”.

    Người của hai thế hệ đem lòng yêu cùng một nàng

    Nhà thơ Bằng Việt phát biểu trong hội nghị.

    Cũng trong Hội nghị, Thi đàn Việt Nam nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ như giáo sư Vũ Khiêu, nhà thơ Việt Phương, nhà thơ Thụy Kha, nhà thơ Trần Nhương, nhà thơ Vũ Duy Thông, nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh…

    Trả lời phỏng vấn khi được hỏi: “Điều muốn nói nhất sau chặng đường một năm kể từ ngày ra mắt Thi đàn VN?” nhà thơ Phạm Hoàng Nam chia sẻ: “Nếu không có các bậc tiền bối uy tín, các mạnh thường quân cùng rất nhiều người yêu thơ trên cả nước ủng hộ và tạo động lực thì Thi đàn VN không thể hình thành như ngày hôm nay. Thay mặt ban biên tập tôi xin chân thành gửi lời tri ân tất cả! Và hơn hết, tôi muốn gửi lòng cảm mến cùng lời cảm ơn chân thành nhất tới PGS TS Đức Vượng, vị thuyền trưởng tài ba, đôn hậu của Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Thi đàn VN phát triển.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-cua-hai-the-he-dem-long-yeu-cung-mot-nang-tho-a54342.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan