+Aa-
    Zalo

    "Người Mỹ đã có những bước đi thận trọng và chính xác"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Xét về bối cảnh, những tháng gần đây phía Trung Quốc đã liên tục có những hành động đơn phương và làm khuấy đảo cả khu vực Biển Đông", Tướng Phiệt nói.

    (ĐSPL) - “Mặc dù bị quan chức quốc phòng các nước chỉ trích mạnh mẽ nhưng đại diện đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2015 vừa qua vẫn cố biện bạch cho hành động trái luật của mình trên Biển Đông là đúng. Họ càng ngang ngược thì ta càng phải có chiến lược đấu tranh kiên quyết hơn”, Tướng Phiệt nhấn mạnh.

    PV: Thưa Trung tướng, ông đánh giá như thế nào về thái độ của các nước tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay, nhất là trong bối cảnh Biển Đông hiện nay đang thực sự “dậy sóng” trước hàng loạt động thái của Trung Quốc?

    Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Xét về bối cảnh, những tháng gần đây phía Trung Quốc đã liên tục có những hành động đơn phương và làm khuấy đảo cả khu vực Biển Đông rộng lớn.

    [mecloud]woXoeLhb8e[/mecloud]

    Ngay từ cuối tháng Tư, truyền thông nước này còn loan tin sẽ điều thêm một giàn khoan dầu nước sâu nửa chìm nữa mang tên Hưng Vượng xuống Biển Đông. Tiếp sau là việc chính quyền tỉnh Hải Nam lại ra lệnh cấm ngư dân đánh bắt cá, trong đó chồng lấn lên cả ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

    Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.

    Và ngay hiện giờ, từ nhiều tháng trước đó Trung Quốc đã gia tăng tốc độ xây dựng các đảo nhân tạo từ những đảo đá chìm mà họ chiếm giữ trái phép của Việt Nam từ trước, khởi công xây dựng hai ngọn hải đăng ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên ở Trường Sa. Tất cả nhằm làm thay đổi hiện trạng vùng biển này theo hướng có lợi cho họ.

    Trước thực tế đó, không chỉ có Việt Nam lên tiếng phản đối gay gắt những hành động ngang ngược này của Trung Quốc mà còn nhiều nước khác cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Philippines… Đến với Đối thoại Shangri-La 2015, vấn đề Biển Đông cũng là một trong những trọng tâm được các đại biểu đề cập nhiều nhất.

    Qua đây, ta có thể thấy thái độ của đoàn Mỹ, Nhật Bản, Philippines là rất rõ ràng, nhất quán. Hầu như các nước đều không chấp nhận chủ quyền kiểu của Trung Quốc được, vì nó đã đi ngược lại tất cả những gì mà luật pháp quốc tế cho phép, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

    Đáp lại thái độ kiên quyết và chỉ trích của các nước, đại diện đoàn Trung Quốc – Đô đốc Tôn Kiến Quốc lại cho rằng những hành động vừa qua mà nước này làm trên Biển Đông là hợp pháp. Và rằng Mỹ và các nước khác không nên tham gia vào giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

    Đây là bản chất của Trung Quốc rồi. Họ luôn tìm cách bảo vệ “cái lý” của họ, mặc dù “cái lý” đó không ai có thể chấp nhận được.

    PV: Rõ ràng trước thực tế Trung Quốc ngày càng ngạo mạn trên Biển Đông thì Mỹ, với tư cách là một cường quốc số 1 thế giới đã không chịu khoanh tay đứng nhìn. Ông nhận định gì về những động thái mới đây của Mỹ tại đây?

    Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Về vấn đề này, tôi nghĩ người Mỹ đã có những bước đi ban đầu khá thận trọng và chính xác. Và chúng ta, là một bên liên quan trực tiếp trong các tranh chấp ở Biển Đông cũng nên nhìn nhận việc này cũng thật khách quan.

    Biển Đông là một vùng biển rộng, giàu tài nguyên và cũng là cung đường hàng hải, hàng không có ý nghĩa và vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong thương mại thế giới. Nếu để Trung Quốc chiếm được vùng biển này bằng “yêu sách đường 9 đoạn” thì đương nhiên, tự do và an ninh hàng hải, hàng không sẽ bị chi phối bởi Trung Quốc.

    Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình trong chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của mình, Mỹ đã có những hành động kiên quyết hơn để khẳng định vai trò của mình cũng như chế ngự được sự ảnh hưởng của một Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông.

    Cụ thể là vào ngày 20/5, Mỹ đã cử máy bay do thám P8 – A Poseidon có chở theo phóng viên hãng tin CNN bay trên một số đảo mà Trung Quốc đã và đang cấp tập cơi nới, xây dựng. Mặc dù bị hải quân Trung Quốc xua đuổi tới 8 lần nhưng máy bay Mỹ vẫn bay bình thường và khẳng định họ đang bay trong không phận quốc tế chứ không phải của mình Trung Quốc.

    Mới đây, trong chuyến tham dự Đối thoại Shangri-La, Thượng nghị sỹ John Mc.Cain và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã ghé thăm Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều mặt. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho lãnh đạo, quân đội và nhân dân hai nước.

    PV: Có thông tin cho rằng, Trung Quốc hiện đã triển khai lắp đặt và cho chuyển vũ khí, pháo hạng nặng ra đảo Hải Nam và các đảo đá nhân tạo vừa mới mở rộng trên Biển Đông. Vậy âm mưu đằng sau của Trung Quốc là gì, thưa Trung tướng?

    Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Qua tìm hiểu, ngay tại khuôn khổ của Đối thoại Shangri-La, lãnh đạo quân đội Trung Quốc còn lớn tiếng cho rằng đang xem xét khả năng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ngay trên Biển Đông nếu thấy cần thiết. Tôi thấy khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

    Việc Trung Quốc đưa pháo và một số vũ khí ra các đảo nhân tạo vừa mới xây dựng ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là rất nghiêm trọng, đằng sau đó là cả một âm mưu.

    Đó là đưa cả dân ra ở, đưa đủ hết các trang thiết bị, xây đài không lưu, ụ pháo, súng phòng không ra để bảo vệ đảo như một đơn vị hành chính trong đất liền của họ. Từ đó dần dần, Trung Quốc sẽ tuyên bố đã đưa dân ra đó ở rồi thì đó là lãnh thổ của họ. Xâu chuỗi các đảo lại với nhau sẽ tạo thành một mô hình mạng nhện bao kín lấy gần như toàn bộ diện tích Biển Đông theo đường 9 đoạn thì khi đó, kế hoạch “nuốt trọn Biển Đông” của Trung Quốc sẽ thành hiện thực.

    Mục đích của việc Trung Quốc đưa pháo và vũ khí ra chủ yếu vẫn nhằm đe dọa các nước khác, trong đó có Việt Nam để áp đặt yêu sách chủ quyền của họ mà thôi.

    PV: Theo Trung tướng, Việt Nam chúng ta cần có những bước đi như thế nào để giữ vững chủ quyền biển đảo trước tình hình phức tạp trên Biển Đông như hiện nay?

    Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – Câu nói Bác Hồ đã dạy bao lớp thế hệ cách mạng Việt Nam rồi. Độc lập chủ quyền là cái bất biến. Sẽ ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

    Nước ta là một nước nhỏ, dân số ít hơn nhiều so với Trung Quốc. Nhưng bù lại, ta có được tình đoàn kết trên dưới cùng với một chiến lược lớn trong quan hệ ngoại giao quốc tế.

    Chúng ta có sức mạnh của pháp lý, lịch sử về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Đã được thế giới công nhận và ca ngợi trong việc tuyên truyền nó tới các học giả quốc tế thông qua rất nhiều hình thức như Hội thảo, tọa đàm, triển lãm, phim ảnh… để thế giới biết tới sự thật.

    Ngược lại, Trung Quốc hoàn toàn đuối lý. Họ muốn sử dụng chính sức mạnh cơ bắp của mình nhằm “viết lại lịch sử” trên các vùng biển thuộc Biển Đông, mặc dù điểm cực nam của nước này chỉ tới đảo Hải Nam.

    Trước tình hình mới, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta cần có những phương cách đấu tranh đúng đắn. Ưu tiên các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao để cùng với quốc tế tạo sức ép khiến Trung Quốc không tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Đồng thời, ta cần hết sức cảnh giác trước mọi tình huống trên thực địa, tránh mắc mưu kẻ địch để rơi vào tình thế bất lợi.

    Bên cạnh đó, việc bà con ngư dân ta ra khơi bám biển cũng góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo nên cần được Nhà nước quan tâm đầu tư. Các Hội nghề cá, các tàu cá khi ra khơi cần liên kết chặt chẽ với nhau để có thể hỗ trợ nhau khi cần. Đặc biệt, ta cũng cần bố trí một lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư theo sát tàu cá của ngư dân ra biển để bà con yên tâm sản xuất.

    Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi!

    NHẬT MINH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-my-da-co-nhung-buoc-di-than-trong-va-chinh-xac-a96896.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.