+Aa-
    Zalo

    Người “truyền vong báo oán” bị phạt 5 triệu chỉ mang tính tượng trưng, không đúng luật?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện dư luận đang bức xúc với mức phạt 5 triệu đồng dành cho bà Phạm Thị Yến- người rao giảng về oan gia trái chủ, thỉnh vong tại chùa Ba Vàng.

    Sau mức xử phạt 200.000 đồng dành cho Đỗ Mạnh Hùng - người đã tấn công, sàm sỡ cô gái trong thang máy, thì những ngày qua, dư luận bức xúc với mức xử phạt 5 triệu đồng dành cho bà Phạm Thị Yến - người rao giảng về oan gia trái chủ, thỉnh vong tại chùa Ba Vàng, cũng là người lộng ngôn, xúc phạm nhiều người.

    Mức phạt quá nhẹ không đảm bảo được tính răn đe

    Trước sự việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong “giải oan gia trái chủ”, chữa bệnh bằng việc gọi vong, người ta chú ý nhiều đến bà Phạm Thị Yến trong hàng loạt bài “giảng pháp” của mình. Bà Yến đã có những phát ngôn ngông cuồng, xúc phạm anh linh của anh hùng liệt sĩ, xúc phạm vụ cô gái bán gà bị cưỡng bức và giết chết, xúc phạm những người đồng tính... Sau tất cả, bà Yến chỉ bị phạt 5 triệu đồng vì “vi phạm nếp sống văn hóa”.

    Trước vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) tỏ ra bức xúc với mức phạt của chính quyền TP.Uông Bí (Quảng Ninh) dành cho bà Phạm Thị Yến: “Bà Yến đã có những phát ngôn xúc phạm đến những người đã khuất, nhất là việc xúc phạm đến cô gái giao gà ở Điện Biên. Việc sử dụng tên hoặc một vụ án hình sự để làm ví dụ nhằm mục đích trục lợi là một hành vi tàn ác, nguy hiểm cho xã hội và vi phạm pháp luật. Việc này cũng trái giáo lý của đạo Phật, gây hoang mang, bất ổn cho xã hội”.

    Chùa Ba Vàng.

    Luật sư Thiệp nhấn mạnh: “Hành vi của người phụ nữ trong clip đã có dấu hiệu cấu thành tội Hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý".

    Đồng thời, luật sư Thiệp bày tỏ sự quan ngại về việc thu lợi bất chính từ việc truyền bá thỉnh vong tại chùa Ba Vàng: “Hoạt động thỉnh vong, cúng “oan gia trái chủ” của nhà chùa được tổ chức rất bài bản, không công khai, cố che giấu, kiểm soát rất kỹ người tham gia cúng "oan gia trái chủ", như khám người, thu máy ghi âm, ghi hình... Điều đó cho thấy việc phạm tội “lừa đảo” này là có tổ chức chứ không phải là việc làm ngẫu hứng”.

    “Chuyện thu tiền cúng vong, mặc cả từ 1 tỷ đồng xuống 60 triệu đồng, cho trả góp qua tài khoản ngân hàng, hoàn toàn có để nghi ngờ có yếu tố lừa đảo chứ không phải “thu tiền theo yêu cầu của vong” như trụ trì Thích Đức Minh nói.

    Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Yến tại chùa Ba Vàng. Nếu dùng lời lẽ để lừa bịp người khác lấy tiền (có bằng chứng rõ ràng, cụ thể) thì hoàn toàn có thể truy tố bà Yến trách nhiệm hình sự chứ không thể chỉ là chuyện xử phạt hành chính vi phạm nếp sống văn hóa.

    Và quan trọng hơn, tội danh xúc phạm nhân phẩm con người khác với tội danh lừa đảo trục lợi. Lừa đảo trục lợi quá nhiều người, số tiền lừa được quá lớn thì là vụ án kinh tế, hình sự chứ không còn là hành vi thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa nữa”, vị luật sư nhấn mạnh.

    Cần truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Bàn thêm về việc xử lý hình sự đối với bà Phạm Thị Yến, luật sư Phạm Tuấn Anh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong giải “oan gia trái chủ” để chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp. Chùa còn quy định người đăng ký pháp thỉnh “oan gia trái chủ” buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền.

    Đặc biệt, vị trụ trì chùa còn khẳng định số tiền này là "do vong yêu cầu" chứ không phải do chùa. Đây là một hình thức lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng sự mê tín, lợi dụng người dân trong hoàn cảnh bế tắc.

    “Đạo Phật có quan điểm về nghiệp chướng nhưng chỉ giải nghiệp bằng làm việc thiện, không có việc cúng và nộp tiền sẽ giải được nghiệp kiếp trước. Vì vậy, hành vi này là một hình thức sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, BLHS 2015”, vị luật sư cho hay.

    Tuy nhiên, cấu thành của tội lừa đảo là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối bằng cách đưa ra thông tin không đúng sự thật làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Ở đây, nếu những người thỉnh “oan gia trái chủ” nộp tiền để chữa bệnh, giải nghiệp một cách tự nguyện, họ cho rằng mình không bị lừa, không bị thiệt hại thì khó xử lý hình sự về tội này.

    “Các cơ quan chức năng, thay vì đưa ra một quyết định xử phạt hành chính khiến nhiều người cảm thấy thất vọng, với trường hợp của bà Yến nên đợi kết luận từ cơ quan điều tra của công an để đưa ra kết luận sau cùng. Điều này sẽ tránh cảm giác việc xử phạt này chỉ được làm “cho xong chuyện”. Các cơ quan chức năng còn phải xem xét số tiền người dân nộp ai thu, ai giữ và sử dụng vào mục đích gì?

    Chùa Ba Vàng có tài khoản tại ngân hàng lại là cơ hội tốt để cơ quan chức năng kiểm soát dòng tiền, thậm chí có thể yêu cầu sao kê các giao dịch phát sinh, từ đó truy ngược lại những người chuyển tiền có bị lừa hay ép buộc dẫn tới chuyển tiền không. Đó là việc làm cần phải làm trước khi đưa ra mức xử phạt 5 triệu đồng với bà Yến”, luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.

    Nhiều quy định không còn phù hợp

    Từ hình phạt đối với những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội của bà Phạm Thị Yến, cũng như đối tượng Đỗ Mạnh Hùng - người đã tấn công, sàm sỡ cô gái trong thang máy tại chung cư Golden Palm (Thanh Xuân, Hà Nội), dư luận quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi, đó là việc xây dựng pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh, chế tài đủ sức răn đe phòng ngừa và giáo dục.

    Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (đoàn Luật sư TP. Hà Nội): "Rõ ràng chúng ta đang thiếu luật cho việc liên quan đến quấy rối tình dục và tấn công tình dục nhưng quan trọng hơn là bản thân người dân cần phải thực hiện hết quyền năng pháp lý của mình được trao. Hành động của Đỗ Mạnh Hùng là một hành động có chủ đích, cố ý, tuy chưa gây ra thiệt hại lớn nhưng đã xâm hại đến danh dự và thân thể của một cô gái, người được pháp luật đặc biệt bảo vệ”, luật sư Truyền cho hay.

    Bà Phạm Thị Yến.

    Còn trường hợp của bà Phạm Thị Yến, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp tỏ sự không hài lòng với mức xử phạt mà cơ quan chức năng TP. Uông Bí đưa ra. “5 triệu đồng phạt đó so với những lời nói bà Yến phát ra, tuyên truyền trên mạng để làm tổn thương và xúc phạm không ít người. Đó là con số quá “bọt bèo” trước những số tiền hàng trăm triệu, hàng chục triệu đồng mà các gia đình vì quá u mê đã chuyển vào tài khoản nhà chùa để cúng “oan gia trái chủ”. Với những trường hợp phạm tội gây bức xúc dư luận xã hội, các cơ quan chức năng cần phải xác định đúng tội danh để xử lý công bằng, nghiêm minh”, luật sư Cường bày tỏ.

    Thu Huyền

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-truyen-vong-bao-oan-bi-phat-5-trieu-chi-mang-tinh-tuong-trung-khong-dung-luat-a268680.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan