+Aa-
    Zalo

    Trường học "độc nhất vô nhị" tại Pháp: Không học phí, không thi cử, không giáo viên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại École 42 không hề có giáo viên, học sinh phải tự quản lý thời gian, tìm hiểu mọi thứ, việc chấm điểm cũng do chính các sinh viên.

    Tại École 42 không hề có giáo viên, học sinh phải tự quản lý thời gian, tìm hiểu mọi thứ, việc chấm điểm cũng do chính các sinh viên.

    Các sinh viên tại trường École 42. Ảnh: qz.com

    Khi bạn bước vào École 42, ngôi trường chuyên đào tạo lập trình viên ở Pháp, bạn sẽ thấy bất ngờ vì tại đây không có giáo viên. Đập vào mắt có thể sẽ là một bộ sưu tập nghệ thuật đường phố đầy khiêu khích, một chiếc máy bán bao cao su ở quầy lễ tân, và sự ồn ào náo nhiệt có thể cảm nhận được từ khoảng 1.000 sinh viên đang hoạt động phía trong.

    Không yêu cầu bằng cấp hoặc kỹ năng đặc biệt để nộp đơn vào École 42 và những người được chấp nhận sẽ theo học miễn phí từ 3 đến 5 năm. Khoảng 80% sinh viên có việc làm trước khi kết thúc khóa học, 100% được tuyển dụng sau đó.

    Ngôi trường là sản phẩm trí tuệ của Xavier Niel, một tỷ phú người Pháp, người cho đến nay đã chi khoảng 48 triệu Euro (57 triệu USD) cho khuôn viên Paris và thêm 46 triệu USD cho một trường học ở Thung lũng Silicon (Mỹ).

    Ông Niel là người thành lập Free, nhà cung cấp dịch vụ internet lớn thứ hai của Pháp. Ông là một doanh nhân luôn tìm kiếm những tài năng nổi bật nhất và sáng giá nhất. Vào năm 2013, khi loay hoay với những ý định của mình, ông đã tuyên bố rằng hệ thống giáo dục của Pháp không toàn vẹn và bắt tay vào việc "tu sửa" một phần của hệ thống.

    Kết quả, ông đã tạo ra một nơi không giống bất kỳ trường học nào khác ở Pháp và cả trên thế giới.

    Ông Nicolas Sadirac, hiệu trưởng École 42 cho biết: “Chúng tôi không dạy bất cứ thứ gì. Các sinh viên luôn tạo ra những gì họ cần”.

    Trong đợt tuyển sinh gần đây nhất, 64.000 học sinh đã làm bài kiểm tra logic trực tuyến cơ bản để đủ điều kiện nhập học. Hơn 20.000 người đã vượt qua, nhưng trường chỉ chấp nhận 3.000 người hàng đầu do hạn chế về không gian. 3.000 người đó sẽ cạnh tranh trong một tháng để xem ai hoàn thành tốt nhất các dự án kỹ thuật số. Sau đó, 1000 người tốt nhất sẽ được nhận. Trong số đó, 5-15% bỏ học.

    Trong khi trước đây nhà trường yêu cầu học sinh phải thành thạo một số kỹ năng trước khi rời đi, thì giờ đây trường đã bỏ yêu cầu đó. 

    Cuộc sống tại École 42

    Ảnh: qz.com

    Ghi nhận vào một buổi sáng tháng 10, tại tầng trệt của École 42 trên Đại lộ Bessières ở phía Bắc Paris, các sinh viên đi lại nhộn nhịp, đeo tai nghe, di chuyển theo cặp và theo nhóm. Nhiều người bị cảm lạnh.

    Ở tầng dưới, học sinh nằm rải rác trên nệm hơi với túi ngủ, cố gắng chợp mắt, hàng chục chiếc khăn treo trên các lan can dọc các bức tường.

    Nicolas, 22 tuổi, đã làm việc tới 12 giờ một ngày. “Tuần đầu tiên tôi đi nhanh và cố gắng làm quá nhiều”, anh nói khi ngồi bên máy tính cùng với Celeste, 25 tuổi, người từng làm trong lĩnh vực infographics. “Tuần thứ hai, tôi sống chậm lại và cố gắng nghĩ nhiều hơn về những gì tôi đang làm”, anh nói thêm, hung hắng ho.

    Vào lúc 8h42 mỗi sáng, sinh viên nhận các dự án kỹ thuật số để hoàn thành. Họ có 48 giờ để hoàn thành chúng, vì vậy họ luôn sáng tạo ra các dự án khác nhau, giống như trong đời thực.

    Vì không có giáo viên, học sinh phải tự tìm hiểu mọi thứ, việc chấm điểm cũng do chính các sinh viên. Ông Sadirac cho biết sinh viên “quản lý thời gian của họ theo cách họ muốn". 

    “Đôi khi tôi muốn có một giáo viên để tôi có thể tìm ra giải pháp nhanh hơn”, Celeste nói. "Nhưng khi tôi tự mình tìm thấy câu trả lời thì tôi cảm thấy hài lòng hơn”.

    Có một xe bán thức ăn, nơi các sinh viên tụ tập và hút thuốc lá. Giống như mọi thứ khác ở trường, điều này được tổ chức bởi chính học sinh (đơn hàng được đặt bằng điện tử), cùng với các hoạt động như chiếu Game of Thrones.  

    Ngay cả thang máy cũng không thoát khỏi sự chú ý của các "tin tặc lắp ráp". Nó giống như một hộp đêm rất chật chội, với tiếng hip-hop phát ra từ loa và ánh đèn xanh lam và xanh lục xuyên qua bóng tối. Sadirac nói: “Họ đã hack nó vào năm ngoái nên bạn không thể lên được tầng nào. Chúng tôi vừa sửa nó”.

    Khách đến thăm trường bao gồm tất cả mọi người, từ cựu tổng thống Pháp François Hollande (người đi giữa các học sinh đang ngủ) đến người đồng sáng lập PayPal Peter Thiel và Evan Spiegel của Snapchat.

    Các sinh viên nằm trên sàn. Ảnh: qz.com

    Các trường học trên khắp thế giới, từ mẫu giáo trở lên, đang cố gắng để tìm ra những kỹ năng mà trẻ em cần để phát triển trong tương lai. Có rất nhiều ý kiến ​​bất đồng về những kỹ năng nào nên được ưu tiên và cách giảng dạy tại đây, nhưng cuối cùng mọi ý kiến đều xoay quanh sự hợp tác, sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp và sáng kiến​.

    Trong khi nhiều trường học đã kết hợp những điều này vào các hệ thống giảng dạy truyền thống, thì chỉ có một số ít trường được xây dựng với tâm thế đổi mới ngay từ đầu.

    Niel muốn giải quyết hai vấn đề: sự thiếu hụt tài năng viết mã ở Pháp và tình trạng bất bình đẳng kéo dài ở đất nước, khiến những đứa trẻ nghèo không thể theo học các trường đại học của đất nước  - có cơ hội việc làm tốt nhất. Để giải quyết những vấn đề đó, cuối cùng ông đã tạo ra một trường học được xây dựng dựa trên sự hợp tác, sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp và quyền tự quyết. Nói cách khác, một ngôi trường cho tương lai.

    Niel nói với Venture Beat: “Cho dù bạn có tiền án tiền sự, học kém toán, nói bậy, thì chúng tôi cũng không quan tâm . Chúng tôi để ý những điều đó, chúng tôi chỉ quan tâm đến hai tiêu chí là logic và động lực”.

    École 42 không phải là để học vì học theo truyền thống là để nắm vững một phần nội dung hoặc một tập hợp các kỹ năng.

    Ông Sadirac nói: “Chúng ta không nên cố gắng học và ghi nhớ mọi thứ. Nó nguy hiểm, nó làm cho bạn kém nhanh nhẹn”.

    Việc đưa thông tin vào não của bạn rất phức tạp và khó khăn. Để mở đường cho những điều mới mẻ, có thể còn khó hơn. Trở ngại lớn nhất đối với việc học hỏi những điều mới của người lớn là thường không hiểu những gì họ đã biết. Khảo sát cho thấy khoảng 30% học sinh có kinh nghiệm viết mã. Tuy nhiên, sau một tháng, những người có kinh nghiệm lại làm việc không hiệu quả bằng người không có kinh nghiệm.

    Ông Sadirac coi École 42 là một trường nghệ thuật vì theo ông lập trình là nghệ thuật hơn là khoa học. Nhiều người lầm tưởng rằng lập trình là phải giỏi toán và điều này không chính xác. Những lầm tưởng này là một phần nguyên nhân khiến phụ nữ tránh xa nghề lập trình. Chỉ 10% sinh viên tại École 42 là nữ.

    Mọi việc đã bắt đầu thế nào?

    Ông Xavier Niel. Ông: qz.com

    Trước École 42, Sadirac đã thành lập Elipch, một trong những trường lập trình hàng đầu của Pháp. Sau đó, một tổ chức đã tiếp cận Elipch và hỏi xem trường có dạy mã hóa ở một số khu vực nghèo của Paris hay không. Elipch đã đồng ý.

    Kết thúc chương trình học, một trong số những học sinh nghèo được đào đã vào làm tại Free, nhà cung cấp dịch vụ internet của Niel, nơi nổi tiếng đòi hỏi các nhân viên có trí tuệ rất cao.  Khi được hỏi, người phụ nữ cho biết:  “Tôi đã bán chuột đồng hai năm trước”. Và ông Niel nhận ra rằng có quá nhiều người không được tiếp cận với lập trình vì họ không được sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Do đó, ông đã hợp tác với Sadirac để xây dựng École 42.

    École 42 là một trong nhiều trường học chọn cách giáo dục đổi mới đang hình thành trên khắp thế giới. Ở Mỹ, có Coursera, Udacity và Udemy; Trung Quốc có 17zuoye; và Dự án Minerva, một trường đại học có tính chọn lọc cao, giáo dục trẻ em trên khắp thế giới.

    Tất nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu những mô hình mới này có thể mở rộng quy mô hay không.

    Ông Niel đã xây dựng mô hình École 42 hoạt động ở Mỹ - mục tiêu của ông ấy là khuôn viên Thung lũng Silicon sẽ thu hút 10.000 sinh viên – đồng thời, xem xét mở chi nhánh tại Trung Quốc. 

    Chi phí vận hành cho École 42 ở Paris là khoảng 7 triệu Euro một năm và ít hơn một chút so với ở Mỹ. Ông Niel nói rằng ông sẽ chi trả cho École 42 ở Paris trong một thập kỷ; sau đó, ông hy vọng một Mark Zuckerberg tốt nghiệp từ trường sẽ tiếp quản và chi trả mọi thứ.

    Vì vậy, mô hình có thể mở rộng, nếu ai đó rất giàu đứng đằng sau nó.

    Ông Nicolas Sadirac. Ảnh: qz. com

    École 42 miễn phí cho những người được chấp nhận rõ ràng là một điểm cộng. Nhưng ba năm là một khoảng thời gian dài. Tại Mỹ có khoảng 95 nơi đào tạo về lập trình,  theo Course Report , trong đó chương trình học thường ngắn hơn nhiều — khoảng 14 tuần — nhưng chi phí cao hơn nhiều, vào khoảng 14.000 USD. 

    Tất nhiên, thước đo thành công cuối cùng là việc làm.  École 42 được nhiều người biết đến, do đó các công ty thường tới tìm kiếm nhân tài tại đây. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng thường gửi các dự án kỹ thuật số đến để sinh viên hoàn thành.

    École 42 đến Mỹ 

    Năm 2019, ông Niel đã mở trường ở Fremont, California, ở trung tâm của Thung lũng Silicon.  Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg's Decrypted, ông Niel cho biết một thách thức lớn ở Mỹ là mọi người không tin tưởng vào bất kỳ thứ gì miễn phí. “Khi nó miễn phí, họ nghĩ rằng có điều gì đó đằng sau nó, chẳng hạn như thủ thuật”, ông nói. 

    Khi École 42 mở cửa, 70.000 trẻ em trong độ tuổi từ 18 đến 30 đăng ký, tuy nhiên ở Mỹ, con số này chỉ là vài nghìn.

    Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất sẽ đến khi lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của École 42 cố gắng kiếm việc làm. Cạnh tranh ở Thung lũng Silicon rất khốc liệt và Niel không có được tiếng vang như ở Pháp.

    Tuy nhiên, nói một cách công bằng, École 42 mang đến nhiều cơ hội và các kỹ năng thực tế đang được các nhà tuyển dụng yêu cầu cao.

    Mộc Miên(Theo Quartz)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-hoc-doc-nhat-vo-nhi-tai-phap-khong-hoc-phi-khong-thi-cu-khong-giao-vien-a344919.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan