+Aa-
    Zalo

    Nhà đầu tư Bất động sản Nhật Nam “đứng ngồi không yên” lo phải trả lại tiền lãi

    (ĐS&PL) - Chưa biết bao giờ mới lấy lại được tiền vốn, giờ đây nhà đầu tư bất động sản Nhật Nam còn thêm lo ngại về khả năng tiền lãi đã được chi trả trước đó sẽ bị thu hồi.

    Tối 8/9, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra (Phòng cảnh sát kinh tế) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    nha dau tu bat dong san nhat nam dung ngoi khong yen lo phai tra lai tien lai 1
    Bà Vũ Thị Thúy tại nơi làm việc. Ảnh: Bất động sản Nhật Nam

    Theo tạp chí Thương gia, nhà đầu tư đã “đổ” tiền vào bất động sản Nhật Nam đang đứng ngồi không yên vì chưa biết bao giờ mới lấy lại được tiền vốn, thậm chí tiền lãi đã được chi trả trước đó cũng nhiều khả năng bị thu hồi.

    Chưa rõ thời gian lấy lại tiền vốn thì có thể hiểu, song với tư cách là người bị hại, tại sao nhà đầu tư lại lo lắng việc phải trả lại tiền lãi?

    Theo giới nghiên cứu luật, để giải thích câu hỏi trên cần phải nhìn kỹ vào mức lãi suất và bản hợp đồng mà Bất động sản Nhật Nam đã ký với nhà đầu tư.

    Cụ thể, mức lãi suất bà Thuý đưa ra để dụ người dân nộp tiền là 34-46%/năm, thậm chí lên tới 70-80%/năm. Trong khi đó, Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Lãi suất trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương với mức lãi suất không quá 1,666%/tháng, và quy định này chỉ áp dụng đối với các khoản vay trong giao dịch dân sự thông thường”.

    Tại Công ty Nhật Nam, để đưa lãi suất cao hơn trần quy định, thay vì sử dụng hợp đồng vay thì bà Thuý đã sử dụng hợp đồng hợp tác kinh doanh để ký kết với các nhà đầu tư.

    Nguyên nhân là do bản chất của một hợp đồng hợp tác kinh doanh là “lời ăn, lỗ chịu” và chia lợi nhuận tuỳ theo lợi nhuận doanh nghiệp.

    Hay nói cách khác, trong 1 năm, nếu doanh nghiệp đủ lãi để chia, nhà đầu tư góp 1 đồng và thu về 10 đồng thì vẫn tuân thủ luật pháp.

    Điều đáng nói, tại hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Bất động sản Nhật Nam và nhà đầu tư lại ghi mức lãi suất cố định. Trong khi, như đã nêu, chỉ khi nào doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thì các nhà đầu tư mới có tiền để chia.

    Như vậy, đây không thể coi là hợp đồng cho vay thông thường, cũng chẳng thể coi là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Bà Thuý đã dùng lãi suất cao làm mồi và sự “nhập nhèm” của bản hợp đồng để qua mặt các nhà đầu tư. Và chính sự "nhập nhèm" này khiến vụ việc đang bị rẽ sang 2 hướng rõ rệt:

    Trường hợp 1: Nếu cơ quan chức năng nhận định rằng đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh và việc trả lãi suất hợp tác là theo thoả thuận thì chưa chắc nhà đầu tư đã phải trả lại số lợi nhuận thu về từ doanh nghiệp huy động vốn.

    Trường hợp 2: Nếu cơ quan chức năng nhận định đây là hợp đồng cho vay thông thường, thì mức lãi suất mà Bất động sản Nhật Nam đưa ra đã vượt qua trần quy định và có dấu hiệu trái pháp luật dân sự. Khi đó, nhà đầu tư phải trả lại số tiền thu lợi vượt mức trần.

    Ví dụ, nhà đầu tư A cho Bất động sản Nhật Nam vay 1 tỷ đồng với lãi suất cam kết 40%/năm. Bất động sản Nhật Nam trả cho nhà đầu tư A đúng cam kết trong 1 năm, tương đương với 40 triệu đồng. Do pháp luật quy định lãi suất tối đa là 20%/năm (tương đương 20 triệu đồng) nên nhà đầu tư A phải trả lại cho Bất động sản Nhật Nam 20 triệu đồng vượt trần. Điều này diễn ra ngay cả khi nhà đầu tư A chưa thu lại được hết vốn cho vay gốc.

    “Việc kết luận có hay không việc nhà đầu tư phải trả lại phần lợi nhuận bất chính vẫn phụ thuộc vào các cơ quan điều tra và công tác xét xử của toà án. Bên cạnh đó, nếu như khoản lợi nhuận này chưa được trích nộp thuế bởi doanh nghiệp huy động vốn, thì nhà đầu tư tự phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định”, Luật sư Đỗ Quang Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nói.

    Bà Vũ Thị Thúy, 40 tuổi, quê Thanh Hóa, được biết đến là vợ của nam ca sĩ nổi tiếng. Nhật Nam Group thành lập tháng 7/2019, tự giới thiệu có quỹ đất trải dài từ Hà Nội, Thanh Hóa đến Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang)...

    Cuối năm 2022, bà Thúy tham gia HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) - doanh nghiệp niêm yết trên thị trường UPCoM, với vai trò cổ đông lớn sở hữu 23,53% vốn. Sau phiên họp bất thường cuối năm 2022, bà Thúy được bầu làm Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của SJC.

    Ba tháng sau đó, bà giữ tiếp vai trò Tổng giám đốc công ty. Cùng thời điểm này, cổ phiếu SJC được chú ý với đà tăng đột biến. Từ vùng giá "dưới ly trà đá" hồi tháng 8/2022, cổ phiếu SJC tăng liên tiếp lên 17.900 đồng một đơn vị vào cuối năm, tăng gần 10 lần chỉ sau 4 tháng. Mã này giảm về dưới 5.000 đồng chỉ ba tháng sau đó rồi lại vọt lên hơn 14.000 đồng.

    Đầu tháng 8, các cổ đông liên quan đến bà Thúy đồng loạt đăng ký thoái vốn khỏi SJC, theo báo VnExpress.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-dau-tu-bat-dong-san-nhat-nam-dung-ngoi-khong-yen-lo-phai-tra-lai-tien-lai-a591508.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan