+Aa-
    Zalo

    Nhân vật bí ẩn trong căn biệt thự 43 tỷ trong phiên phúc thẩm Huyền Như

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bà Nguyễn Thị Lang được tòa phúc thẩm TAND TP.HCM triệu tập đến phiên xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

    (ĐSPL) - Bà Nguyễn Thị Lang được tòa phúc thẩm TAND TP.HCM triệu tập đến phiên xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

    Bà Nguyễn Thị Lang - mẹ của Huyền Như trong phiên xét xử phúc thẩm sáng 15/12. (Ảnh VOV)

    Bà Nguyễn Thị Lang tham gia phiên tòa phúc thẩm với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như. Bà có yêu cầu kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị trả lại ngôi biệt thự H2, có diện tích 2.939m2, thuộc khu Nghỉ mát The Nam Hải, tọa lạc ở Hội An, Quảng Nam.

    Bà Lang cho rằng đây là tài sản của riêng bà, không liên quan gì đến tài sản mà con gái là Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

    Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Huyền Như chấp nhận mức hình phạt chung thân, chỉ kháng cáo phần dân sự xin lại một trong những căn nhà đang bị kê biên và đề nghị cấp phúc thẩm trả lại biệt thự H2 mẹ bị cáo. Như cũng cho rằng đây là tài sản riêng của bà Lang, không phải mua bằng tiền bị cáo chiếm đoạt.

    Căn biệt thự H2, có diện tích 2.939m2 trị giá 43 tỷ đồng.

    Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm dự kiến kéo dài 17 ngày, bà Lang phải có trách nhiệm chứng minh được nguồn gốc khối bất động sản mua bằng tiền của bà, không phải số tiền phạm pháp của Huyền Như mới được tòa tuyên trả lại, nếu không căn biệt thự 43 tỷ vẫn sẽ bị tịch thu để đảm bảo thi hành án.

    Video tham khảo:

    Siêu Lừa Huyền Như lãnh án chung thân

    Trong phiên phúc thẩm này, tòa cũng sẽ xem xét kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo: Võ Anh Tuấn (Cựu Phó Giám đốc Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân).

    Trước đó, Võ Anh Tuấn bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đào Thị Tuyết Dung bị tuyên phạt 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù về tội Cho vay nặng lãi.

    Tòa phúc thẩm còn xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án này về tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, Cho vay nặng lãi.

    Ngoài ra, tòa cũng xem xét các kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự của vụ án này.

    Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như - quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc ngân hàng Vietinbank – chi nhánh TP.HCM đã vay trên 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành.

    Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, Như nảy sinh ý định lợi dụng chức vụ để giả danh Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM huy động tiền của các khách hàng rồi chiếm đoạt.

    Bị cáo đưa ra mức lãi suất cao để dụ các tổ chức, cá nhân sau đó thực hiện hàng loạt hành vi gian dối như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân. Như còn lôi kéo chị gái mình là Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, trước đây làm nghề bán trứng vịt lộn) trở thành đồng phạm khi người này ký hồ sơ giả tiếp tay cho em chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

    Một trong những sai phạm nghiêm trọng của Huyền Như được dư luận chú ý là chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền trái phép tại Ngân hàng ACB, liên quan trực tiếp đến Nguyễn Đức Kiên trong một vụ đại án chấn động khác đang được Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xử phúc thẩm.

    Tại bản án sơ thẩm tuyên ngày 27/1, TAND TP.HCM phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”; tổng hợp hình phạt là chung thân. Các bị cáo còn lại lãnh án từ 1 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù giam. Toà tuyên bị cáo Như phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 4000 tỷ đã chiếm đoạt của các tổ chức và cá nhân bị hại.

    Sau khi hành vi chiếm đoạt tài sản “siêu khủng” của Như bị phát giác, cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ, kê biên tài sản của bị cáo gồm 39 tỷ đồng tiền mặt, Như nộp 8 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, thu hồi hơn 31 tỷ đồng tiền Như đã thanh toán để mua nhà, đất của 5 công ty bất động sản.

    Cơ quan điều tra cũng thu giữ 3 xe ô tô có tổng trị giá 4,56 tỷ đồng, kê biên 13 bất động sản là căn hộ, nhà xưởng, nhà đất trị giá 185,33 tỷ đồng. Tổng trị giá tất cả các tài sản bị thu giữ, kê biên là 229,4 tỷ đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-vat-bi-an-trong-can-biet-thu-43-ty-trong-phien-phuc-tham-huyen-nhu-a74239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan