+Aa-
    Zalo

    Nhìn từ các vụ cán bộ xã liên tiếp dính tiêu cực?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi các vụ vật nuôi hỗ trợ người nghèo “đi lạc” vào nhà quan xã chưa có hồi kết thì mới đây, PV báo ĐS&PL nhận được đơn tố cáo lãnh đạo một xã ở Hà Nội .

    (ĐSPL) - Khi các vụ vật nuôi hỗ trợ người nghèo “đi lạc” vào nhà quan xã chưa có hồi kết thì mới đây, PV báo ĐS&PL nhận được đơn tố cáo lãnh đạo một xã ở Hà Nội “bảo kê” cho doanh nghiệp múc trộm đất sản xuất của dân đem đi bán.
    Bị phản ứng, quan xã còn “hô hào” công an đánh dân đến thương tích. Phẫn nộ hơn nữa, tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nguyên Chủ tịch xã lợi dụng uy tín của mình tham gia đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động ra nước ngoài khiến hàng chục nạn nhân lưu lạc xứ người như thêm một nhát cứa vào lòng tin của người dân. Bởi một lẽ, trong bộ máy hành chính Nhà nước, cán bộ xã được coi là những công bộc gần dân, sát dân nhất nhưng...
    Những nhát cứa vào lòng tin
    Có lẽ, chưa bao giờ những lùm xùm liên quan đến quan xã lại xảy ra nhiều như thời gian gần đây. Trước hàng loạt vụ việc xảy ra, nhìn nhận lại, người ta giật mình về đạo đức và năng lực của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo xã hiện nay. Được xem là công bộc gần dân nhất, tuy nhiên, họ lại có những hành động đi ngược lại với chức trách của mình.
    Việc đầu tiên có thể kể đến chính là “hội chứng” quan chức xã “ký sinh” trên dân nghèo. Cách đây không lâu, 1.250 con gà đáng lẽ cấp cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ Nông thôn mới, không hiểu vì sao lại “chạy thẳng” vào chuồng nhà ông Bí thư và Chủ tịch cùng cán bộ xã Quế Anh (Quế Sơn, Quảng Nam).

    Những vụ dê, gà, nhím hỗ trợ người nghèo “đi lạc” vào nhà “quan xã”, “quan huyện” khiến người dân phẫn nộ. Ảnh minh họa.

    Cũng tương tự như sự việc ở trên, đầu tháng 4/2015, lại một lần nữa người dân phát hiện 16 con nhím giống, cấp cho người nghèo đã “lạc” vào nhà 3 quan xã. Sự việc được ém nhẹm sau 3 năm mới bị phát hiện. Trước đó, người dân từng xôn xao trước “chuyện thật như đùa” khi chỉ một nửa trong số 24 con dê của thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) dành hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đến tay đúng đối tượng. 12 con còn lại được đưa thẳng vào trang trại của... ông Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành.
    Báo chí phanh phui, vị Bí thư này mới “khắc phục” bằng cách dấm dúi chỉ đạo lãnh đạo xã Thành Yên bắt dê trong trang trại của nhà mình trao lại cho 3 hộ nghèo. Hay đầu năm 2015, các cán bộ thôn và xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã “dồn” thẳng đàn bò 10 con mà Nhà nước hỗ trợ dân nghèo về nhà người thân của mình. Đó chỉ là một trong số hàng chục vụ việc tham nhũng “vặt” của lãnh đạo xã bị phát hiện. Nhiều người đặt câu hỏi, với quyền hành trong tay, không biết bao chính sách, vật chất hỗ trợ cho người nghèo đã “lạc” vào nhà quan chức địa phương.
    Cuối tháng Ba vừa rồi, hàng chục người dân ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ) tỏ ra rất bức xúc vì bị nguyên lãnh đạo xã Thạch Sơn lừa xuất khẩu lao động với tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng. Theo thông tin mà báo ĐS&PL đã đưa, bà Nguyễn Thị Thắng (60 tuổi, trú tại khu 1, xã Thạch Sơn), từng là Chủ tịch xã 2 khóa, được người dân tin tưởng, nể phục. Bà Thắng đi quảng cáo, có con ở bên đảo Síp đang cần người giúp việc với mức lương 17-18 triệu đồng/tháng.
    Với niềm tin tuyệt đối, cộng thêm khát vọng đổi đời, giàu có mà vị nguyên Chủ tịch xã đã vẽ ra, nhiều người bán đất, cắm sổ đỏ, giao tiền và người thân cho bà Thắng. Khi đã cầm tiền, đưa người sang đảo Síp, mặc dù họ không có việc làm nhưng ở nhà, bà Thắng vẫn trả tiền lương cho gia đình người lao động. Hành động này để bà ta có thể tiếp tục kêu gọi những nạn nhân khác nộp tiền cho mình.
    Tuy nhiên, sau khi sự việc vỡ lở, mọi người tìm đến nhà bà Thắng để đòi lại số tiền đã nộp nhưng đều nhận được câu trả lời, bà chỉ có trách nhiệm đưa người sang đảo Síp và hết trách nhiệm. Còn tiền nộp đã chuyển hết đi đảo Síp rồi, khi nào có tiền về, bà sẽ trả. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất cửa mất nhà. Chính cái uy tín và niềm tin vào vị nguyên Chủ tịch xã đã khiến bao gia đình ly tán, người thân lưu lạc, vạ vật ở xứ người.
    Mới đây nhất, ngày 7/4, báo ĐS&PL nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị D. (55 tuổi, thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) tố, bị Chủ tịch xã tác động công an, dùng dùi cui đánh gây thương tích. Từ thông tin này, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc điều tra và tìm ra nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến lãnh đạo UBND xã Đồng Quang.
    Mặc dù chưa có phê duyệt của UBND huyện nhưng lãnh đạo xã Đồng Quang đã “bảo kê” cho một doanh nghiệp tư nhân múc hơn 2 mẫu đất sản xuất của người dân thôn Yên Nội đem đi bán với giá 130.000 đồng/xe. Những thửa ruộng màu mỡ biến thành những chiếc ao sâu thăm thẳm trong sự xót xa của người nông dân. Mặc dù người dân phát hiện ra đã báo cáo nhưng lãnh đạo xã Đồng Quang vẫn cố tình làm ngơ không xử lý.
    Trả lời với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ông Vương Văn Chức, Phó Chủ tịch xã Đồng Quang cho biết, UBND xã đã lập biên bản được 2 xe công nông của doanh nghiệp múc đất màu trộm của dân mang đi bán.
    Người dân đặt câu hỏi, nếu không có quan xã “bảo kê”, chắc chắn doanh nghiệp kia không dám tự động múc đất của người dân đem đi bán được. Hơn nữa, việc doanh nghiệp múc trộm và bán đất màu của dân diễn ra công khai vào ban ngày, chẳng lẽ quan xã lại không biết? Khi PV hỏi, ai cho phép doanh nghiệp kia múc đất màu, ông Chức khẳng định là UBND xã. Vị này cũng khẳng định, việc làm này là tùy tiện và chưa có quyết định của UBND huyện.
    Trao đổi với PV, bà D. cho biết, do việc dồn điền đổi thửa, lãnh đạo xã làm không tốt nên dẫn đến hàng chục ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đến khi huyện yêu cầu xã không được để trống đất, UBND xã “đối phó” bằng cách thuê máy cày ra cày ruộng. Do việc dồn điền đổi thửa chưa xong, người dân kéo ra phản đối, lực lượng công an xã ngăn lại.
    Trong quá trình xảy ra xô xát, công an xã đã dùng dùi cui đánh dân trước mặt lãnh đạo xã. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, chính quan xã đã có lời lẽ tác động công an xã dùng vũ lực để trấn áp những người dám đứng lên phản đối. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc người dân bỏ công, bỏ việc, tụ tập ở UBND xã Đồng Quang và Ủy ban huyện mấy ngày qua, yêu cầu lãnh đạo xã phải nhận trách nhiệm.
    Vô cảm với dân?
    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư thẳng thắn: “Hiện nay ở các địa phương, đa số những công bộc thực sự, hy sinh lợi ích bản thân vì nước vì dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít “quan xã” đang tự cho mình cái quyền làm việc một cách tùy tiện.
    Xem thêm video: Chiêu lừa chục tỷ của quan xã khiến nhiều người bại sản.
    Họ là người gần dân nhất nhưng lại lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi hoặc “hành” dân khiến nhiều người bức xúc. Trong những năm qua, chúng ta tự hỏi, tại sao lại xảy ra tình trạng đơn thư vượt cấp quá nhiều. Tôi xin trả lời luôn, đó là do cách làm việc quan liêu và những hành vi tiêu cực của lãnh đạo xã, phường. Có những người yếu năng lực xảy ra sai sót nhưng không ít trường hợp vô cảm với dân mà lạm quyền”.
    Theo ông Hùng, việc trục lợi thông thường đã đáng lên án, nhưng trục lợi của người nghèo là nỗi sỉ nhục, làm mất đi hình ảnh của quan chức. “Theo tôi, dù là tham nhũng vặt nhưng cũng cần xử lý nghiêm minh. Vài con dê, con gà không là gì với quan chức nhưng nó là cả gia tài của người nghèo. Mỗi cán bộ phải nghĩ được điều đó.
    Bên cạnh đó, tôi không thể chấp nhận được việc quan xã đã “bảo kê” cho doanh nghiệp sai phạm rồi còn dùng vũ lực để trấn áp, bịt miệng dân. Hay trường hợp người từng là cán bộ xã lợi dụng uy tín của mình để lừa đảo đồng tiền từ giọt mồ hôi, nước mắt của dân nghèo. Vì tiền, vì lòng tham, họ đã bán đi danh dự, làm ảnh hưởng đến những công bộc thực sự. Tôi cho rằng, đây là những người không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng, không xứng đáng làm cán bộ và cần xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp này”.
    Nhiều chuyên gia cho rằng, điều khiến nhiều người cảm thấy bức xúc, mất niềm tin chính là việc không chỉ động vật nuôi mà ngay cả tiền tử tuất, tiền chế độ chính sách của dân cũng bị cán bộ xã trục lợi. Thực tế cho thấy, những chính sách hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức từ thiện gửi cho địa phương nhưng cán bộ lại vơ vào nhà mình. Hiện tượng này đã không còn là hi hữu và chính là một trong những nguyên nhân dân mất niềm tin vào quan xã, dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp.

    Bắt giữ Phó Chủ tịch xã lạm dụng chức vụ, quyền hạn

    Ngày 7/4, Công an tỉnh Thái Nguyên đã thi hành lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi làm việc đối với ông Dương Văn Vỹ là Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Thương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

    Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2009, ông Vỹ đã làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất lúa sang đất ở nông thôn với diện tích gần 400m2 , số tiền 270 triệu đồng cho một người trong xã. Biết có chế độ miễn giảm tiền thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với người có công là thương binh, bệnh binh nên ông Vỹ đã mượn hồ sơ của một thương binh loại A, mất sức lao động 71\% để làm thủ tục chuyển đổi và chỉ phải nộp cho ngân sách Nhà nước 41 triệu đồng, hưởng lợi 230 triệu đồng.

    VĂN CHƯƠNG - VŨ PHƯƠNG - TRINH PHÚC

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhin-tu-cac-vu-can-bo-xa-lien-tiep-dinh-tieu-cuc-a90816.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan