+Aa-
    Zalo

    Những căn bệnh “bị lãng quên” và nguy cơ tử vong do chủ quan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sốt xuất huyết, sốt mò, viêm gan siêu vi A, bạch hầu, ho gà… những căn bệnh được xem là đã nằm trong tầm kiểm soát khi các trường hợp mắc bệnh hoàn toàn có thể

    (ĐSPL) - Sốt xuất huyết, sốt mò, viêm gan siêu vi A, bạch hầu, ho gà… những căn bệnh được xem là đã nằm trong tầm kiểm soát khi các trường hợp mắc bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi và ngăn ngừa hiệu quả nhờ vắc-xin.

    Tuy nhiên, chính việc nhiều năm không có dịch bệnh khiến người dân thậm chí cả cán bộ y tế “lãng quên” các loại bệnh này làm cho việc phát hiện, điều trị trở nên phức tạp. Thậm chí có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do phát hiện muộn, chủ quan nhầm lẫn với bệnh khác. Gần đây tại TP. HCM lượng người nhập viện vì viêm gan A tăng đột biến, khiến cho việc cảnh báo những căn bệnh ngủ quên “tái xuất” hoành hành càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết…

    Lây truyền qua ăn uống

    PV báo ĐS&PL đã khảo sát nhanh tại một số bệnh viện lớn tại TP.HCM khi có thông tin về sự gia tăng bất thường của bệnh nhân viêm gan A. Tại bệnh viện Bình Dân, anh Nguyễn Văn L. (25 tuổi, quê Bến Tre) cho biết, do đặc thù công việc làm trong ngành xây dựng di chuyển nhiều địa điểm khác nhau, nên anh thường ăn uống bên ngoài. Sau 3 năm đi làm việc, người nhà phát hiện anh có biểu hiện của bệnh gan như da vàng, mắt vàng, sốt nhẹ, hay nôn ói nên khuyên anh L. đi kiểm tra gan. Sau khi có kết quả xét nghiệm, các bác sỹ kết luận anh L. bị viêm gan siêu vi A.

    Bệnh nhân lấy máu xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thành Long.

    Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM  cho thấy, chỉ trong vòng 3 tháng có 13 bệnh nhân nhập viện điều trị do nhiễm viêm gan siêu vi A.

    PGS.TS. Bùi Hữu Hoàng, trưởng khoa Tiêu hóa bệnh viện cho biết: “Đây là số lượng bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi A cao đột biến. Từ trước đến nay chưa có hiện tượng bệnh nhân nhập viện liên tục như vậy. Hiện nay các bệnh nhân đang được tích cực theo dõi. Điều đáng nói, tất cả bệnh nhân đều là người lớn, chủ yếu độ tuổi từ 20 - 30. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 14, nhiều tuổi nhất là 46”.

    Anh L.V.H. (26 tuổi) nhập viện tại khoa Tiêu hóa, bệnh viện đại học Y dược trong tình trạng mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn nôn, đi tiểu nước vàng sậm, vàng mắt vàng da. Bệnh nhân được thử men gan thì kết quả cho thấy men gan cao bất thường, hơn 200 lần so với bình thường. Qua thăm khám, bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn đông máu. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị đúng cách, tích cực thì có thể tử vong.

    Theo bác sỹ Hoàng, trong số 13 ca nhập viện thì có đến 10 ca là thường xuyên ăn uống bên ngoài. Những bệnh liên quan đến gan thường gặp là viêm gan siêu vi A, B, C. Song người dân thường quan tâm đến bệnh viêm gan siêu vi B, C vì nó có khả năng chuyển biến thành bệnh ung thư gan, xơ gan.

    Trong khi đó, viêm gan siêu vi A lây qua đường tiêu hóa ăn uống, ít được quan tâm. Viêm gan A dễ dàng lây qua đường tiêu hóa, từ thức ăn nước uống nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy nguyên nhân chính gây ra viêm gan A là thức ăn đồ uống không được nấu chín kỹ, nhất là các loại hải sản, đồ ăn tái, sò ốc...

    Trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM khẳng định: “Viêm gan siêu vi A là một trong những hiểm họa sức khỏe trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Đa số bệnh nhân đến khám và phát hiện bệnh khi đã muộn, nhiều bệnh nhân đã chuyển qua ung thư gan. Bệnh nhân viêm gan đều gia tăng so với các năm trước. Tuy nhiên, tại bệnh viện, chúng tôi chưa ghi nhận tình hình bệnh nhân nhiễm viêm gan A tăng đột biến”.

    Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Viêm gan A không trở thành mãn tính. Một số trường hợp nặng thường là do mắc viêm gan A trên nền một số bệnh khác. Còn lại đa số trường hợp chữa trị sẽ khỏi trong ít ngày nên ít được quan tâm hơn các loại viêm gan B, C. Xét về một khía cạnh nào đó, nó lành tính hơn các loại viêm gan khác. Bệnh này chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa, nên việc ăn chín, uống sôi đảm bảo vệ sinh bàn tay, quản lý phân của người bệnh là điều quan trọng để kiểm soát, ngăn ngừa nguồn lây bệnh”.

    Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

    Bác sỹ Cấp cho biết, ông cũng từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân mắc viêm gan A rơi vào tình trạng nặng trên bệnh gan nào đó trước đây, dẫn đến khi mắc viêm gan A diễn biến nặng. Các trường hợp này, nếu giữ được bệnh nhân sống sau hai tuần thì bệnh nhân sẽ khỏi và việc khống chế cũng dễ hơn bệnh viêm gan B, C.

    Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa có báo cáo nào về sự bất thường của các ca bệnh liên quan đến viêm gan A. Tuy nhiên, bác sỹ Cấp khuyến cáo, ăn uống đảm bảo vệ sinh và chích ngừa là biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm gan A.

    Dịch bệnh được kiểm soát dễ quay lại do chủ quan

    Không chỉ bệnh viêm gan A mà nhiều căn bệnh tưởng chừng đã được “thanh toán”, ít nguy cơ tử vong và rơi vào “quên lãng” vẫn có thể quay lại gây nguy hiểm. Một số trường hợp bệnh nhân bị bệnh sốt mò mà chúng tôi từng gặp tại khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một ví dụ điển hình.

    Câu chuyện về một nam thanh niên quê Phú Thọ từng phải điều trị tại khoa một tháng vì mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do rickettsia (sốt mò) gây nên mà trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò là một trường hợp như vậy. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng sốt li bì, rối loạn điện giải, suy hô hấp, men gan tăng cao, suy thận, phát ban trên da.

    Thậm chí, bệnh nhân có lúc rơi vào hôn mê không biết gì. Khi các bác sỹ hỏi người nhà bệnh nhân thì chính họ cũng không rõ tại sao người nhà mình lại rơi vào tình trạng này. Sau khi các bác sỹ tại khoa xem xét thì phát hiện ra hai vết đốt ở cổ và sau tai của bệnh nhân.

    Theo TS. BS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp: “Điều này cũng dễ hiểu vì thường bệnh nhân không hề biết mình bị côn trùng đốt, cũng chỉ có khoảng 30\% số trường hợp bị côn trùng đốt mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do rickettsia gây nên và để lại các tổn thương hình bầu dục. Thậm chí đôi khi vảy bong, bác sỹ chỉ hồi cứu như một nốt sẩn ngứa. Đây là trường hợp bệnh nhân đã bị biến chứng nặng và quá trình điều trị tương đối tốn kém, mất cả tháng trời bệnh nhân mới hồi phục hoàn toàn”.

    “Bệnh có thể gây sốt kéo dài, biến chứng phủ tạng, gan phổi... dẫn đến tử vong. Đặc biệt, rất nhiều trường hợp do côn trùng đốt không để lại bất cứ dấu vết nào nên dễ khiến việc điều trị ở tuyến dưới không hiệu quả, thậm chí điều trị nhầm bệnh khác, để diễn biến kéo dài có thể gây vàng da, tổn thương gan, có biến chứng nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, suy phủ tạng đe dọa tính mạng”, bác sỹ Hùng chia sẻ.

    Theo các chuyên gia y tế, những địa phương nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở đã “lãng quên” bệnh này. Phần lớn các bệnh nhân khi nhập viện đều không biết, hoặc chủ quan dù thấy nốt côn trùng đốt. Chỉ đến khi sốt kéo dài, người mệt mỏi, vàng da bệnh nhân mới tới viện khám và nhiều người ngỡ ngàng rằng chỉ vì một vết côn trùng đốt tưởng như vô hại lại gây ra những biểu hiện trên.

    Một chuyên gia về dịch tễ, bệnh truyền nhiễm khẳng định, bất cứ một nước nào dù là nước phát triển cũng không thể “mạnh miệng” tuyên bố “thanh toán” được các bệnh truyền nhiễm khi mà vật chủ, nguồn lây là các vi rút, vi khuẩn vẫn còn. Vị này không quên nhắc lại câu chuyện về xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Quảng

    Nam
    vào tháng Bảy vừa qua là một ví dụ cho thấy chính cán bộ y tế có thể cũng sẽ không nhận ra các loại bệnh từng là dịch bệnh nguy hiểm. Quan trọng nhất là ý thức người dân, nhân viên y tế trong việc phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm.        

    Hà Nội bố trí thêm 14 tỉ đồng phòng chống dịch sốt xuất huyết

    Trong một diễn biến khác về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, TP. Hà Nội tiếp tục chi thêm 14 tỉ đồng để quyết tâm khống chế dịch bệnh này trong 3 tháng cuối năm 2015. Dự kiến bằng nguồn kinh phí bổ sung, Hà Nội tiếp tục trang bị bổ sung máy móc, hóa chất; tổ chức thêm hàng loạt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng tại vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao. Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy vào các ngày thứ Bảy hằng tuần, kể từ ngày 10/10/2015.    

    Lành Nguyễn – Đỗ Thơm

    Xem thêm video Tin tức: 

    [mecloud]HWXVVJyHf6[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-can-benh-bi-lang-quen-va-nguy-co-tu-vong-do-chu-quan-a115382.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.