+Aa-
    Zalo

    Những điểm khác nhau rõ rệt giữa trẻ chưa bao giờ bị đánh đòn và trẻ thường xuyên bị đánh đòn khi lớn lên, bố mẹ nên lưu ý

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia y tế, những trận đòn roi và tiếng la mắng của người lớn không chỉ ảnh hưởng đến thân thể trẻ mà còn có thể khiến chúng tổn thương não và tăng nguy cơ tự tử. Ngoài ra, giữa những đứa trẻ chưa từng bị đánh và những đứa trẻ thường xuyên bị đánh sẽ có sự khác biệt về tính cách.

    Trong những năm gần đây, việc lựa chọn phương pháp giáo dục cho trẻ trong gia đình luôn là chủ đề được quan tâm rất nhiều. Một số phụ huynh tin rằng kỷ luật nghiêm khắc sẽ giúp con phát triển tốt. Trong khi đó, một số khác lại có quan điểm rằng giáo dục dựa trên tình yêu thương mới có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ xuất sắc hơn.

    Trước 2 luồng ý kiến trên, nghiên cứu của Giáo sư nổi tiếng Trung Quốc Lý Mai Cẩn đã cho thấy sự khác biệt đáng kể về khả năng thích ứng tâm lý, hành vi và xã hội giữa những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn và những đứa trẻ không bao giờ bị đánh đòn. Hơn nữa, những khác biệt này thường quyết định quỹ đạo cuộc sống tương lai của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo nghiên cứu này để chọn ra cách giáo dục con cái hiệu quả hơn.

    nhung diem khac nhau ro ret giua tre chua bao gio bi danh don va tre thuong xuyen bi danh don khi lon len bo me nen luu y 1
    Những trận đòn roi và tiếng la mắng của người lớn sẽ làm tổn thương đến tâm lý con trẻ. Ảnh minh họa.

    Giáo sư Lý Mai Cẩn là một nhà tâm lý học giáo dục nổi tiếng, bà đã dành tâm huyết cho việc nghiên cứu tâm lý, hành vi và giáo dục của trẻ em từ rất sớm. Trong nghiên cứu mới nhất của mình, giáo sư đã hướng tầm nhìn về tác động của trừng phạt thân thể đối với trẻ em. Bà tin rằng trừng phạt thân thể sẽ không chỉ gây tổn hại về thể chất cho trẻ mà còn hủy hoại sức khỏe tinh thần và khả năng thích ứng xã hội của chúng.

    Khác biệt tâm lý

    Theo giáo sư Lý Mai Cẩn, những đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ đánh đòn thường có mức độ lo lắng, mặc cảm tự ti và trầm cảm cao hơn so với bình thường.

    Trẻ cũng dễ cảm thấy chán nản, bất lực khi gặp khó khăn, thử thách. Tình trạng tâm lý này thường khiến các em thiếu tự tin trong học tập và cuộc sống, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của các em.

    Ngược lại, những đứa trẻ ít chịu sự tác động của đòn roi lại có tinh thần mạnh mẽ và sự tự tin cao hơn. Những đứa trẻ này khi gặp khó khăn cũng sẽ có xu hướng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thay vì trốn tránh hay bỏ cuộc. Trạng thái tâm lý này chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của các em.

    Khác biệt hành vi

    Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn sẽ hung hăng hơn, có khả năng thực hiện những hành vi xấu như trốn học, đánh nhau cao hơn những đứa trẻ khác. Ngược lại, những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương sẽ có khoan dung hơn và sống trách nhiệm hơn. Các em biết cách tôn trọng người khác, sẵn sàng giúp đỡ người khác hơn và sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm của mình hơn.

    Khả năng thích ứng xã hội

    Giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn thường có khả năng thích ứng xã hội thấp hơn những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ này thường tự ti và dần hình thành thói quen không dám bộc lộ mà âm thầm chịu đựng. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè và hèn nhát. Sau này khi bước vào xã hội, trẻ sẽ sợ hãi thế giới xung quanh, không dám thể hiện bản thân, thậm chí là dễ bị đối xử tệ bạc.

    Ngược lại, những đứa trẻ chưa bao giờ bị đánh đòn lại có khả năng thích ứng xã hội cao hơn. Trẻ có thể thích nghi tốt hơn với môi trường và lối sống mới, đồng thời có khả năng đương đầu tốt hơn với những thay đổi và thách thức trong cuộc sống. Khả năng này chắc chắn sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc sống và sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Sau này khi ra ngoài xã hội, nếu gặp chuyện bất bình hay lúc cần thể hiện quan điểm, con sẽ biết lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

    Khi thấy những phản ứng này từ con trẻ, cha mẹ nên dừng lại ngay

    Là cha mẹ, chúng ta biết rằng đôi khi thật khó để kiềm chế trước một hành động, lời nói, thái độ của trẻ. Tuy nhiên, dù giận đến mấy, khi trách phạt con, nếu trẻ có hai phản ứng này cha mẹ nên dừng lại ngay tức khắc nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

    Con cái công khai chống đối

    Khi cha mẹ đang dạy dỗ con nhưng đứa trẻ "câng" mặt lên thách thức hoặc phản ứng lại gay gắt, đây là lúc các bậc phụ huynh càng phải kìm nén sự tức giận của mình ngay lập tức. Nếu cố gắng "thắng" con cho bằng được, cha mẹ có thể khiến con nghe lời ngay lúc đó nhưng hậu quả thì kéo dài mãi đến sau này.

    Khi trẻ phản kháng chứng tỏ trong lòng con có những uất ức, "không phục" khi bị phạt. Nếu chỉ ỷ mạnh hiếp yếu, dùng bạo lực thay lời nói, trẻ sẽ càng nổi loạn và khó dạy bảo.

    Con cái không phản kháng mà để cha mẹ đánh, mắng

    Nếu cha mẹ đang dạy con mà lúc này con đứng đó mặc cho cha mẹ đánh mắng, không khóc lóc, ồn ào, không có phản ứng gì, lúc này cha mẹ phải dừng lại. Vì khi này trẻ sẽ rơi vào tình trạng chối bỏ bản thân, trẻ sẽ nghĩ rằng đó là lỗi của mình nên bị đánh như vậy là đúng. Trong tương lai, chúng sẽ không còn tự tin và cảm thấy rằng tất cả những gì chúng làm luôn là sai lầm

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-diem-khac-nhau-ro-ret-giua-tre-chua-bao-gio-bi-danh-don-va-tre-thuong-xuyen-bi-danh-don-khi-lon-len-bo-me-nen-luu-y-a602633.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan