+Aa-
    Zalo

    Những hành động người Việt vẫn vô tư làm hàng ngày mà không biết chúng gây hại cho thận

    (ĐS&PL) - Trong những năm gần đây, số người mắc bệnh thận ngày càng gia tăng, nguyên nhân sâu xa liên quan mật thiết đến thói quen sinh hoạt và ăn uống thường ngày. Nhiều trong số đó duy trì thói quen xấu mà chính họ cũng không hay biết.

    Theo Tổ chức Thận quốc gia Mỹ, bệnh thận là thủ phạm gây ra hơn 90.000 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm, nhiều hơn tử vong do ung thư vú hay ung thư tiền liệt tuyến.

    Không quá muộn để từ bỏ những thói quen có hại cho thận. Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống, sinh hoạt và giấc ngủ có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh thận trong tương lai.

    nhung hanh dong nguoi viet van vo tu lam hang ngay ma khong biet chung gay hai cho than1
    Trong những năm gần đây, số người mắc bệnh thận ngày càng gia tăng, nguyên nhân sâu xa liên quan mật thiết đến thói quen sinh hoạt và ăn uống thường ngày. Ảnh minh họa.

    Tổng hợp những thói quen gây hại thận

    Thường xuyên nhịn tiểu

    Theo thông tin trên báo Tiền Phong, khi nhịn tiểu, nồng độ nước tiểu sẽ tăng dần, lúc này dễ ảnh hưởng đến thận, quá trình đào thải chất độc, rác thải ra ngoài cũng sẽ hình thành hấp thu nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thận.

    Tác hại trực tiếp nhất của việc nhịn tiểu là làm tổn thương bàng quang và mất khả năng kiểm soát việc đi tiểu. Trường hợp nặng chỉ cần đến bệnh viện để làm sạch niệu đạo. Nếu cứ tiếp tục như vậy, không chỉ bàng quang bị nhiễm vi khuẩn mà chức năng thận cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

    Uống ít nước

    Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải từ quá trình trao đổi chất khỏi cơ thể và điều chỉnh việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Để làm điều này, thận cần nước và đúng hơn là cần một lượng nước nhất định. Khi bạn không uống đủ nước, máu sẽ bị cô đặc và lưu lượng máu đến thận sẽ ít hơn. Do đó, việc này cản trở thận loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, dẫn đến rất nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe.

    Tuy nhiên, hãy nhớ rằng uống quá nhiều nước cũng không tốt cho thận. Do đó, bạn nên tránh uống quá nhiều nước. Sự cân bằng lượng nước cung cấp cho cơ thể là chìa khóa để bảo vệ thận.

    Ăn mặn

    nhung hanh dong nguoi viet van vo tu lam hang ngay ma khong biet chung gay hai cho than2
    Thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối ăn vào cơ thể ở mức cao, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Ảnh minh họa.

    Ăn quá nhiều muối làm đảo lộn sự cân bằng trong máu khiến thận của bạn phải hoạt động quá tải. Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí tăng huyết áp lâm sàng (Journal of Clinical Hypertension), ăn quá nhiều muối là nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh thận

    Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo mọi người nên hạn chế lượng muối ăn nạp vào cơ thể, chỉ nên giới hạn 2,3 g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê muối ăn trong tổng lượng thực phẩm bạn ăn hàng ngày).

    Hãy thận trọng với lượng muối ăn trong thực phẩm nấu chín và chế biến sẵn, vì những thực phẩm này chẳng khác "muối ăn" tàng hình, rất có thể bạn sẽ nêm nếm quá nhiều mắm muối khi nấu ăn, còn thực phẩm chế biến sẵn thì bạn không thể kiểm soát được hàm lượng muối, theo báo Sức khỏe & Đời sống.

    Lạm dụng thuốc giảm đau

    Nghiên cứu trên tạp chí y học New England Journal of Medicine chỉ rõ, lạm dụng thuốc giảm đau là nguyên nhân dẫn tới 5.000 trường hợp suy thận mỗi năm ở Mỹ.

    Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm nguy hiểm nhất khi uống thuốc giảm đau là sau khi nhịn ăn. Vì vậy, bạn không nên uống thuốc giảm đau vào lúc đói mà nên uống sau khi ăn.

    GS.TS. Grant Lipman (Trường Y khoa Stanford) cho biết, thuốc giảm đau làm giảm lưu lượng máu đến thận của bạn. Theo thời gian, thận của bạn sẽ bị quá tải. Ông dẫn chứng một số vận động viên chạy marathon hay gặp chấn thương, thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau có thể có nguy cơ tổn thương thận.

    Thường xuyên thức khuya

    Thức khuya rất dễ gây hại cho cả gan và thận, việc thường xuyên thức khuya sẽ làm suy kiệt sức khỏe, thậm chí còn làm bạn trở nên uể oải, suy giảm hệ miễn dịch, suy nhược cơ thể, từ đó khiến chức năng thận làm việc kém.

    Điều quan trọng nhất của giấc ngủ là bạn phải đáp ứng hai vấn đề. Một là ngủ đều đặn, hai là ngủ đủ thời gian. Nếu giấc ngủ của bạn chưa đáp ứng được hai điểm này thì khả năng cao thận sẽ bị suy giảm chức năng nghiêm trọng.

    Sinh hoạt tình dục quá thường xuyên

    Nếu vợ chồng hành sự quá thường xuyên sẽ khiến dương khí của nam giới bị suy giảm, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng của thận, lâu dần còn dẫn đến tinh khí của thận không đủ, tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, cả nam và nữ đều nên kiềm chế, sức khỏe tốt mới là điều quan trọng nhất.

    Dấu hiệu bệnh thận dễ nhận biết

    Mệt mỏi, suy nhược cơ thể

    nhung hanh dong nguoi viet van vo tu lam hang ngay ma khong biet chung gay hai cho than21

    Chất độc tích tụ trong máu có thể là nguyên nhân gây yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung. Ảnh minh họa.

    Khi chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể yếu ớt và khó tập trung. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, gây suy nhược cơ thể và mệt mỏi.

    Khó ngủ

    Khi quá trình lọc máu ở thận gặp vấn đề, chất độc sẽ ở lại trong máu thay vì thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng khó ngủ. Với những người mắc bệnh mạn tính như béo phì, suy thận, chứng ngưng thở khi ngủ cũng dễ bị mắc bệnh thận hơn so với người bình thường.

    Da khô và ngứa

    Da khô và ngứa cũng là dấu hiệu của bệnh về khoáng chất và xương. Vì thận đảm nhận vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp xương chắc khỏe và hoạt động để duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu. Khi mắc bệnh thận, thận không còn khả năng giữ cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.

    Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu

    Nếu bạn cảm thấy thường xuyên mắc tiểu, đặc biệt vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi các bộ lọc của thận bị hư hỏng, làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đôi khi đây cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.

    Tiểu máu

    Khi thận gặp vấn đề, trong quá trình lọc máu chúng sẽ không thể giữ được hết những tế bào máu trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc các tế bào máu có thể bị “rò rỉ” ra ngoài theo đường nước tiểu. Ngoài việc báo hiệu bệnh thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.

    Nước tiểu có nhiều bọt

    Khi đi tiểu, bạn sẽ thấy nhiều bọt nước tiểu nổi lên như khi đánh trứng và bạn cần phải xả nước nhiều lần mới khiến chúng biến mất hoàn toàn. Đây là dấu hiệu bệnh thận bạn dễ nhận biết và cần lưu ý.

    Sưng mắt cá chân, bàn chân

    Suy giảm chức năng thận trong quá trình lọc máu có thể dẫn đến tình trạng tích tụ lượng lớn natri trong cơ thể. Điều này gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân của bệnh nhân. Ngoài ra, hiện tượng sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và các vấn đề mãn tính về tĩnh mạch chân.

    Gây mất khẩu vị, chán ăn

    Một dấu hiệu bệnh thận rất chung chung và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác là tình trạng mất vị giác, chán ăn. Khi gặp phải tình trạng này có thể do thận đã bị suy giảm chức năng, gây ra tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể.

    Cơ bắp thường xuyên bị chuột rút

    Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu diễn ra không bình thường sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải. Khi gặp phải tình trạng này, cơ thể sẽ dễ bị hạ canxi, không kiểm soát được phốt pho,… gây ra tình trạng chuột rút cơ.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-hanh-dong-nguoi-viet-van-vo-tu-lam-hang-ngay-ma-khong-biet-chung-gay-hai-cho-than-a601529.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan