+Aa-
    Zalo

    Những lưu ý khi sử dụng đặc sản trứng kiến để tránh dị ứng, thậm chí ngộ độc

    (ĐS&PL) - Trứng kiến là một thứ đặc sản được ví như "lộc trời", được cho rằng có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên đây là loại thực phẩm rất dễ gây dị ứng, thậm chí ngộ độc.

    Theo Phụ nữ Việt Nam, trứng kiến là món ăn "đặc sản" của vùng núi đông bắc, mùa lấy trứng kiến chỉ rơi vào khoảng đầu và cuối tháng 3 âm lịch. Trứng kiến được chế biến thành rất nhiều món ăn độc lạ như: trứng kiến rang, chả trứng kiến, xôi trứng kiến, bánh trứng kiến, … Tuy nhiên, không phải loại trứng kiến nào cũng có thể ăn được, loại trứng kiến được sử dụng ở đây là kiến gai đen.

    nhung luu y khi su dung dac san trung kien de tranh di ung tham chi ngo doc1
    Trứng kiến chứa nhiều dinh dưỡng. Ảnh minh họa

    Dựa vào một nghiên cứu vào năm 2007 của các nhà khoa học Việt Nam cùng Viện Khoa học – Công nghệ sinh học Đức cho thấy, trứng kiến gai đen chứa đến 42 đến 67% protein, hơn 30 loại axit amin và 31 nguyên tố vi lượng. Đặc biệt, trứng kiến gai đen còn chứa nhiều loại vitamin như A, D, B1, E, B12, ... nên rất tốt cho sức khoẻ.

    Ngoài ra, người ta còn cho rằng trứng kiến gai đen có nhiều lợi ích đối với nam giới như cải thiện sinh lý, tăng cường thể lực và giúp trí óc minh mẫn, ... Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng chứng minh những lợi ích này của trứng kiến đối với sức khoẻ.

    Tuy trứng kiến được coi là món ăn bổ dưỡng, trên thực tế đã từng có những trường hợp phải nhập viện do sốc phản vệ, ngộ độc nặng khi ăn trứng kiến.

    Theo Sức khỏe & Đời sống, GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam, người dân sử dụng kiến làm thực phẩm ở 2 dạng: Ăn và uống. Ăn trứng kiến và uống rượu ngâm trứng kiến.

    Trứng kiến là cách gọi dân gian cho giai đoạn phát triển trước trưởng thành, chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng và nhộng kiến được bọc trong một vỏ mỏng màu trắng. Còn trứng kiến thật khi được đẻ ra rất bé, có khi bằng mắt thường cũng khó nhận biết. Hiện nay, mỗi nơi người ta đi thu lượm trứng kiến về ăn, chưa có nhà côn trùng nào đi theo để xác định tên loài cụ thể.

    Theo đánh giá của GS Hiển thì chủ yếu người dân hay thu "trứng kiến" của loài kiến cong bụng (Crematogaster spp). Người ta lấy cả tổ kiến về, rũ cho kiến trưởng thành đi hết khỏi tổ, rồi sàng thu lại trứng kiến, sau đó chế biến thành món ăn.

    Những trường hợp ăn trứng kiến hay uống rượu kiến bị ngộ độc, nhẹ thì có thể do cơ địa không phù hợp, vì ở kiến trường thành có nọc độc chứa axit foocmic. Trường hợp nặng, thậm chí chết người thì phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân.

    "Có trường hợp khi thu bắt kiến, để tránh kiến đốt có người phun thuốc trừ sâu vào tổ kiến, để kiến chết rồi mới thu bắt, cũng có thể trong khi chế biến lẫn kiến với các tạp chất gây ngộ độc hoặc một số các thể kiến đã bị thối rữa nhiễm khuẩn…", Sức khỏe & Đời sống dẫn lờiGS Hiển cho biết.

    Kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó có ở nơi ẩm thấp, rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại. Sử dụng trứng kiến này, vô tình chúng ta tự đưa vào cơ thể mình nguồn vi khuẩn có hại.

    Việc ăn trứng kiến có thể dẫn đến các bệnh như:

    Dị ứng, sốc phản vệ, bởi trong trứng kiến gai đen có những thành phần protein lạ như arginin, prolin, histidin, … Điều này có thể khiến những người có cơ địa dị ứng gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ.

    Nếu thuộc trường hợp bị dị ứng, sau khi ăn trứng kiến cơ thể bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng như mẩn đỏ, ngứa ngáy, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, ... nặng hơn thì người bệnh có thể cảm thấy khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt.

    Các dấu hiệu quá mẫn có thể dẫn tới hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nổi mề đay, phù mạch, thở khò khè, thở rít, tím tái và ngất. Sốc có thể tiến triển trong vòng vài phút, và bệnh nhân có thể co giật, không đáp ứng, và tử vong.

    nhung luu y khi su dung dac san trung kien de tranh di ung tham chi ngo doc
    Tuy nhiên ăn trứng kiến có thể gây dị ứng hoặc sốc phản vệ 

    Bị nhiễm vi khuẩn có hại sở dĩ kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, chẳng hạn như ở nơi ẩm thấp, rừng núi, ... do đó, kiến và trứng kiến có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại.

    Khi ăn loại trứng kiến này, vô tình chúng ta tự đưa vào cơ thể mình nguồn vi khuẩn, ký sinh trùng có hại.

    Theo GS Bùi Công Hiển, không nên sử dụng côn trùng một cách bừa bãi. Trứng kiến an toàn phải được khai thác thủ công, không sử dụng hóa chất, dùng ngay sau khi khai thác…

    Một điều đáng lưu ý mà GS Bùi Công Hiển cảnh báo là hiện nay, trào lưu uống rượu ngâm trứng kiến khá phổ biến. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc cho người sử dụng. Lý do là trứng kiến đem ngâm rượu thường rất lâu mới đem ra dùng. Khoảng thời gian đó, trứng kiến thường bị biến đổi hóa chất, thành những chất có độc tố cho cơ thể. Hơn nữa cho đến nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào về thành phần sinh hóa trong rượu ngâm kiến để khẳng định tác dụng của nó.

    Thùy Dung(t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-luu-y-khi-su-dung-dac-san-trung-kien-de-tranh-di-ung-tham-chi-ngo-doc-a574900.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan